Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.
Theo đó, loại hình căn hộ du lịch (Condotel) được nêu tại khoản 4, điều 1 về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai”.
Cụ thể, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP bổ sung khoản 5 Điều 32 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP như sau:
"5. Đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản thì được chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ; thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 126, khoản 1 Điều 128 của Luật Đất đai. Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản.
Việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng quy định tại khoản này được thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này (Điều 32, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 01/2017/NĐ-CP n gày 6/1/2017 -PV). Việc thể hiện thông tin về thửa đất trên Giấy chứng nhận phải đúng mục đích và thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật."
Condotel vẫn chưa được định danh
Như vậy, theo quan sát của các chuyên gia pháp lý bất động sản Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 vẫn chưa đề cập đến một số loại hình bất động sản “con lai” khác như văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel), nhà phố thương mại (Shophouse), trang trại kết hợp lưu trú nghỉ dưỡng (farmstay),… trong khi các loại hình này đã tồn tại từ lâu, được các doanh nghiệp phát triển và có không ít giao dịch trên thị trường.
Bình luận về bổ sung quy định liên quan đến việc cấp “sổ” cho Condotel, một Luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng quy định này thực ra không mới, trước đây Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã từng có văn bản hướng dẫn về việc cấp “sổ” cho Condotel.
“Vấn đề của Condotel nằm ở việc loại hình này chưa có định danh một cách rõ ràng, cụ thể về việc thế nào là căn hộ du lịch, mục đích sử dụng là gì, điều kiện chuyển nhượng ra sao,… đến nay, các quy định, hướng dẫn đã ban hành đều vẫn căn cứ vào các quy định đã có tại các văn bản cũ vốn vẫn chưa được cập nhật liên quan đến Condotel. Ngoài ra, Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 chỉ nhắc đến dự án Condotel xây trên đất thương mại dịch vụ, vậy trường hợp dự án xây trên đất ở thì sao”, vị Luật sư đặt vấn đề.
Ở một diễn biến khác, liên quan đến Condotel, mới đây, văn phòng Đăng ký đất đai TP. HCM đã có báo cáo gửi Ban Đô thị Hội đồng nhân dân thành phố về kế hoạch giám sát công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn, trong đó nhắc đến khó khăn về pháp lý của nhóm tài sản là các loại hình bất động sản lai như căn hộ du lịch (Condotel), văn phòng kết hợp lưu trú (Officetel) và cả nhà phố thương mại (Shophouse).
Cụ thể, thành phố đã cấp giấy chứng nhận cho 110.016 căn nhà gồm chung cư, nhà riêng lẻ trên tổng số 191.348 căn nộp hồ sơ. Hiện còn 81.332 căn chưa được cấp giấy chứng nhận vì nhiều lý do, đáng chú ý có 10.019 căn condotel, officetel, shophouse không được cấp sổ do rơi vào nhóm nhà ở thuộc loại hình bất động sản mới, chưa đủ quy định cấp giấy chứng nhận.