Theo Báo cáo công bố Chỉ số cam kết giảm bất bình đẳng toàn cầu (CRII) lần thứ 5 từ Oxfam, 80% quốc gia đã cắt giảm tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục, y tế và/hoặc bảo trợ xã hội; có những bước đi thụt lùi về các chính sách thuế. 90% quốc gia đã có những bước đi thụt lùi trong bảo vệ quyền lao động và mức lương tối thiểu.
Cứ chín trong mười quốc gia đã chứng kiến sự thụt lùi trong một hoặc nhiều mảng chính sách, đồng nghĩa với việc nếu không có các hành động kịp thời để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại này, thì bất bình đẳng chắc chắn sẽ tiếp tục gia tăng ở 90% các quốc gia.
So với báo cáo CRII-4 năm 2022, các quốc gia khối OECD có thu nhập cao như Na Uy, Canada và Australia dẫn đầu bảng xếp hạng nhờ chi tiêu công xã hội mạnh mẽ và thực thi các chính sách lao động tiến bộ. Ngược lại, các quốc gia có thu nhập thấp, chủ yếu ở khu vực châu Phi cận Sahara, phải đối mặt với chi tiêu xã hội thấp và các chính sách thuế lũy thoái. Xét trên phạm vi toàn cầu, khoảng cách phát triển giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển đã bị nới rộng đáng kể, cộng thêm với giá lương thực tăng và nạn đói.
Trong khi đó, các nỗ lực giảm bất bình đẳng giữa các quốc gia trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đáng lo ngại hơn so với tiêu chuẩn toàn cầu. Trong số 32 quốc gia thuộc khu vực này, chỉ có 5 quốc gia tăng hạng trong bảng xếp hạng toàn cầu, và hai quốc gia giữ nguyên vị trí. Có tới 25 quốc gia đã chứng kiến sự tụt hạng trong xếp hạng chung toàn cầu.
Trong bảng xếp hạng khu vực, một số quốc gia Đông Á, đặc biệt là những quốc gia thuộc nhóm OECD, có các kết quả khả quan hơn do khung thể chế vững mạnh. Ngược lại, phần lớn các quốc gia Đông Á-Thái Bình Dương và Nam Á phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Ngược lại, các quốc gia Nam Á như Afghanistan, Bangladesh và Pakistan có xu hướng xếp hạng thấp hơn trong các chỉ số này.
Việt Nam chi tiêu ngân sách cho giáo dục, chính sách thuế có hiệu quả cao
Việt Nam xếp vị trí thứ 94 trong xếp hạng toàn cầu của báo cáo CRII-5 năm 2024, so với vị trí 92 trong CRII-4 năm 2022 với 161 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam thể hiện ưu thế trong các chính sách thuế, với xếp hạng 38 toàn cầu trong báo cáo CRII-5. So với báo cáo CRII-4 năm 2022, và khi so sánh tương quan với các nước có thu nhập trung bình thấp ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN, cam kết của Việt Nam trong việc giảm bất bình đẳng là một thành tích đáng ghi nhận.
Những kết quả đặc biệt đáng chú ý bao gồm các tiến bộ trong xây dựng và triển khai một số chính sách, đặc biệt là chi tiêu ngân sách cho giáo dục, chính sách giảm thuế VAT và hiệu quả cao của chính sách thuế. Tuy nhiên, xếp hạng của Việt Nam trong mảng lao động đã giảm từ vị trí thứ 104 trong CRII-4 (2022) xuống vị trí thứ 120 trong CRII-5 (2024).
Trong phân nhóm gồm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp (LMIC) ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương và các nước ASEAN, Việt Nam đạt kết quả tốt trên bảng xếp hạng CRII-5. So với các quốc gia LMIC khác trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương, Việt Nam nổi bật với vị trí thứ 3 trong số 17 quốc gia trong nhóm này trên bảng xếp hạng CRII-5.
Ngoài ra, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đã cho thấy các thay đổi tích cực, từ vị trí thứ 4 trong CRII-4 (2022) lên vị trí thứ 3 trong CRII-5 (2024), vượt qua Singapore. Hiện tại, Việt Nam chỉ đứng sau Malaysia và Thái Lan trong số các quốc gia ASEAN. Trong số năm quốc gia LMIC được đánh giá trong khu vực ASEAN, bao gồm Việt Nam, Campuchia, Philippines, Timor-Leste và Lào, Việt Nam có điểm số CRII-5 (2024) cao nhất.
Điều này cho thấy cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc giảm bất bình đẳng so với các quốc gia khác trong khối ASEAN. Cách tiếp cận cân bằng của Việt Nam đối với nhóm các dịch vụ công và nhóm chính sách thuế tiến bộ đã góp phần cải thiện thứ hạng của Việt Nam, tuy vậy, sự tụt hạng trong trụ cột lao động cho thấy Việt Nam cần thêm các nỗ lực để nâng cao tính tiến bộ của các chính sách lao động.
Xu hướng đáng lo ngại về bất bình đẳng trên toàn cầu
Nhìn chung trên toàn cầu, Báo cáo CRII-5 năm 2024 cho thấy xu hướng đáng lo ngại về bất bình đẳng trên toàn cầu. Để đảo ngược những xu hướng đáng lo ngại này, CRII-5 năm 2024 nhấn mạnh sự cấp thiết của các hành động chính sách khẩn cấp, ở cả cấp quốc gia và quốc tế. Nếu không có những nỗ lực phối hợp, bất bình đẳng kinh tế có khả năng tiếp tục gia tăng, làm suy yếu sự gắn kết xã hội và phát triển bền vững trên toàn cầu.
Bất bình đẳng được đánh giá thông qua các lựa chọn chính sách. Mỗi quốc gia đều có tiềm năng giảm bất bình đẳng. Báo cáo CRII-5 năm 2024 đưa ra năm khuyến nghị ưu tiên cho các chính phủ để cân nhắc trong nỗ lực giảm bất bình đẳng bao gồm:
Một là, xây dựng các kế hoạch hành động quốc gia rõ ràng và có mốc thời gian cụ thể để giảm bất bình đẳng.
Hai là, ưu tiên chi tiêu công cho các dịch vụ công thiết yếu như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo trợ xã hội.
Ba là, tăng cường thuế lũy tiến thông qua đánh thuế thu nhập của 1% người giàu nhất.
Bốn là, can thiệp vào thị trường lao động để bảo vệ tất cả người lao động.
Năm là, xây dựng các chính sách đáp ứng giới để công nhận, giảm bớt và phân phối lại công việc chăm sóc không được trả lương và đảm bảo rằng những người lao động chăm sóc được trả lương sẽ có đại diện về quyền lợi, được trả lương công bằng.