Báo cáo điều tra hệ thống "Kiểm tra chéo" (XCheck) của hai nền tảng MXH do Hội đồng Giám sát (Oversight Board) thực hiện đã chỉ ra một trong những sai sót lớn nhất của chương trình là nó được "kết cấu nhằm đáp ứng lợi ích kinh doanh" thay vì thực thi cam kết về nhân quyền của Meta như công ty này tuyên bố.
Theo đó, Meta bị chỉ trích vì đã không kiểm soát được hành vi vi phạm quy tắc trên Facebook và Instagram thông qua chương trình XCheck. Điều này khiến các nội dung gây hiểu lầm hoặc có hại có thể tồn tại vô thời hạn trên không gian mạng, nếu chúng được tạo bởi những người dùng "có đặc quyền".
Báo cáo nêu rõ: "Hội đồng hiểu rằng Meta là một doanh nghiệp, nhưng việc cung cấp thêm lớp bảo vệ cho một số người dùng được lựa chọn chủ yếu vì lợi ích thương mại sẽ là một nguy cơ tiềm tàng. Việc kiểm tra chéo lẽ ra giúp xóa ngay các nội dung không phù hợp, lại cho phép chúng được duy trì trong thời gian dài hơn".
Nhiều người nổi tiếng được ưu ái trên các nền tảng của Meta (Ảnh: CNET)
Vào năm 2019, ngôi sao bóng đá người Brazil Neymar đã đăng một số hình ảnh phản cảm của một phụ nữ trước đó đã cáo buộc anh ta cưỡng hiếp lên tài khoản Facebook và Instagram. Những bức ảnh đã đạt 56 lượt xem và tồn tại trong hơn một ngày, nhưng điều đáng nói là, những người điều hành tại Facebook và Instagram lại không thể gỡ các bài đăng đó xuống ngay lập tức do trạng thái của Neymar là người dùng đã được kiểm tra chéo, theo tờ Wall Street Journal (WSJ).
Chương trình kiểm tra chéo còn bị đánh giá "đối xử bất bình đẳng với người dùng", đồng thời đi ngược lại các tuyên bố của Meta ngụ ý rằng các chính sách được áp dụng cho tất cả người dùng Facebook và Instagram.
Sự bất công này chủ yếu liên quan đến việc thiếu các tiêu chí minh bạch trong danh sách kiểm tra chéo của Meta. Mặc dù công ty có các tiêu chí rõ ràng đối với các lãnh đạo doanh nghiệp hay chính phủ, thì những người dùng như nhà báo và các tổ chức xã hội lại có ít cơ hội vượt qua vòng kiểm soát của chương trình.
Hội đồng giám sát của Meta đã đưa ra tổng cộng 32 khuyến nghị cho công ty về cách đại tu chương trình, bao gồm tính minh bạch và tập trung nhiều hơn vào sự bình đẳng giữa những người dùng.
Người phát ngôn của Meta cho biết sẽ bắt đầu xem xét các đề xuất ngay bây giờ và chia sẻ phản hồi sau 90 ngày.
Hội đồng giám sát độc lập trên đã được Meta thành lập để điều tra sau khi tờ WSJ công bố một bài báo gây chấn động vào 10/2021 nêu chi tiết cách Facebook và Instagram bảo vệ hàng triệu người dùng nổi tiếng khỏi các giao thức và hoạt động kiểm duyệt của công ty.
Tài liệu do WSJ công bố về danh sách ưu ái người nổi tiếng của Meta (Ảnh: WSJ)
Chương trình "XCheck" ban đầu được coi là biện pháp kiểm soát chất lượng đối với các hoạt động tấn công vào các tài khoản nổi tiếng, bao gồm các ngôi sao, chính trị gia hay nhà báo. Nhưng theo WSJ, ngày nay nó đã trở thành biện pháp bảo vệ hàng triệu người dùng VIP khỏi quy trình thực thi kiểm duyệt thông thường của công ty.
Một số người dùng được "đưa vào danh sách trắng", tức là họ được miễn trừ khỏi các hành động thực thi, trong khi những người dùng được phép đăng tài liệu vi phạm quy tắc khác phải chờ nhân viên Facebook đánh giá.
"Thật đáng thất vọng đối với một hệ thống mà Meta mô tả rằng nó thực hiện các cam kết về nhân quyền hoặc đối xử bình đẳng với người dùng. Thực tế không phải vậy. Nó là hệ thống dựa trên đặc quyền", luật sư Nighat Dad, một thành viên trong Ban giám sát, chia sẻ với tờ Euronews Next.
Nguồn: Fortune, WSJ, Euronews Next