Cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng đang diễn ra trên thế giới đã bao trùm cả Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Signature Bank, First Republic Bank, và giờ là Credit Suisse. Thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu đã rung chuyển.
Theo trưởng phòng nghiên cứu Tom Lee tại công ty tài chính Fundstrat, trong bối cảnh một số ngân hàng lớn gặp rắc rối, biến động trên thị trường đang gợi lại cho các nhà đầu tư những ký ức thua lỗ tồi tệ vào năm 2008.
Trong một khuyến nghị hồi đầu tuần, ông Lee nói rằng việc sáp nhập UBS và Credit Suisse đã giúp tránh được một vụ phá sản ngân hàng khổng lồ và không kéo theo cuộc khủng hoảng về niềm tin vào sự ổn định của hệ thống tài chính toàn cầu.
Các nhà đầu tư hiện đang chú ý đến động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc họp FOMC vào ngày 22/3. Chuyên gia Lee gợi ý thêm rằng các nhà đầu tư có thể theo dõi 4 tín hiệu thị trường này để xác định xem cuộc khủng hoảng ngân hàng thế giới đã lắng xuống hay chưa.
- 1. Thị trường trái phiếu giảm biến động
Tương tự như chỉ số VIX đo lường biến động của thị trường chứng khoán, các nhà đầu tư có thể theo dõi Chỉ số MOVE đo lường biến động của thị trường trái phiếu. Chỉ số này đã giảm đáng kể so với mức mới đây.
Cuối tháng 1, Chỉ số MOVE kết thúc ở dưới mức 100 và đã tăng lên 180 vào đầu tuần này. Ông Lee cho biết chỉ số này phải giảm dưới 150 thì khả năng cuộc khủng hoảng ngân hàng mới đi đến hồi kết.
- 2. Thị trường chứng khoán giảm biến động
SVB đã gây ra những biến động không nhỏ, khiến các nhà đầu tư phải vội vàng bán tháo trước khi đặt câu hỏi về vấn đề đang xảy ra. Chỉ số Biến động CBOE, hay VIX, đã tăng từ 19 lên 30 sau khi cuộc khủng hoảng bắt đầu. Sau đó, VIX đã chững lại, giảm xuống khoảng 24, nhưng vẫn là mức cao.
Chỉ số này cần phải giảm xuống dưới 20 thì mới báo hiệu rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng đã qua.
- 3. Khủng hoảng đối với ngân hàng First Republic Bank cần được giải quyết
Theo ông Tom Lee, vấn đề đối với ngân hàng First Republic Bank cũng cần được giải quyết. Ông nói rằng việc giải cứu ngân hàng này là rất quan trọng.
Ngày sau khi được các ngân hàng vốn hoá lớn của Mỹ rót 30 tỷ USD, mối lo đối với ngân hàng First Republic Bank vẫn chưa chấm dứt. Cổ phiếu của nhà băng này đã giảm thêm 50% vào đầu tuần, sau thông tin rằng các ngân hàng lớn đang đàm phán cung cấp thêm viện trợ, nhằm ổn định First Republic Bank.
- 4. Tiền gửi ngân hàng khu vực ổn định
Chiến lược gia Tom Lee cần thêm một yếu tố nữa là tiền gửi tại các ngân hàng khu vực ổn định sau cuộc tháo chạy khỏi SVB.
Trong thời đại mà các nhà đầu tư chỉ cần chạm trên màn hình điện thoại là có thể chuyển tiền đi ngay lập tức, điều quan trọng là phải củng cố niềm tin và không để cuộc tháo chạy đó lan sang các ngân hàng khu vực khác.
Dựa trên dữ liệu từ Fed, tiền gửi các ngân hàng trong nước vẫn ổn định. Chỉ trừ ngày SVB thông báo bán danh mục đầu tư trái phiếu trị giá 21 tỷ USD.
Tiền gửi đã được giữ ổn định ở mức khoảng 5.500 tỷ USD tại khắp các ngân hàng khu vực. Miễn là con số này giữ ở mức ổn định trong những lần Fed công bố dữ liệu tiếp theo, tình trạng rút tiền gửi sẽ không lan sang các ngân hàng cộng đồng trên toàn quốc.
Khi cả 4 tín hiệu trên được kích hoạt, chuyên gia Lee tin rằng thị trường chứng khoán sẽ thuận buồm xuôi gió hơn. Nhưng trong thời gian chờ đợi, ông khuyến nghị các nhà đầu tư mua cổ phiếu công nghệ. Chúng vốn khá tách biệt với những hỗn loạn gần đây. Thậm chí, cổ phiếu công nghệ đạt được mức tăng vững chắc trong khi các cổ phiếu khác lao đao suốt tuần qua.
Theo MI