Luật sư Bùi Thị Kim Liên – Giám đốc Công ty TNHH Xã hội và Luật Sinh Hùng vừa có cuộc trao đổi với Markettimes về vai trò của thẩm định viên về giá trong việc quyết định mức giá cuối cùng trong giao dịch mua - bán hàng hoá.
Luật sư nhận định như thế nào về yêu cầu khi thực hiện thẩm định giá phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với giá thị trường?
Luật sư Bùi Thị Kim Liên: Theo tôi, nếu chúng ta nhìn nhận ở 1 góc độ nào đó thì cũng có thể nói khi định giá hay thẩm định giá, kết quả của các mức giá xác định được đều phải tuân thủ nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Bởi vì định giá là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ thực hiện xác định giá của hàng hoá dịch vụ. Thẩm định giá là hoạt động tư vấn xác định giá trị của tài sản thẩm định giá tại một địa điểm, thời điểm phục vụ cho mục đích nhất định do doanh nghiệp thẩm định giá, hội đồng thẩm định giá thực hiện theo Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng cần đặt ra câu hỏi, vì sao phải định giá, nếu việc định giá hay thẩm định giá không tuân thủ nguyên tắc thị trường thì chúng ta phải xem xét đến yếu tố có hiệu quả hay hậu quả nào không nếu đi chệch hướng yếu tố vận động tự nhiên của kinh tế thị trường.
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác việc định giá hay thẩm định giá không thể tuân thủ nguyên tắc trên được vì liên quan đến yếu tố đặc thù trong một số ngành, một số việc thuộc nhiệm vụ quản lý của Nhà nước.
Khi thực hiện thẩm định giá hàng hoá nhập khẩu, thẩm định viên về giá cần căn cứ vào những nguyên tắc nào thưa Luật sư?
Luật sư Bùi Thị Kim Liên: Khi tiến hành thẩm định giá hàng hoá nhập khẩu, ngoài vấn đề mấu chốt về giá nhập khẩu, thẩm định viên phải căn cứ trên nguyên tắc của Luật giá như:
Giá thành toàn bộ, chất lượng của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; mức lợi nhuận dự kiến; lộ trình điều chỉnh giá hàng hoá, dịch vụ được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Quan hệ cung cầu của hàng hoá, dịch vụ và sức mua của đồng tiền; khả năng thanh toán của người tiêu dùng.
Giá thị trường trong nước, thế giới và khả năng cạnh tranh của hàng hoá, dịch vụ tại thời điểm định giá; cam kết quốc tế về giá khác mà Việt Nam là thành viên của điều ước quốc tế để tiến hành thẩm định giá hàng hoá nhập khẩu.
Thời gian qua có việc các thẩm định viên về giá đã làm đúng theo các quy định của pháp luật khi thực hiện thẩm định giá hàng hoá nhập khẩu nhưng vẫn bị xem xét trách nhiệm vì mức giá trong chứng thư thẩm định giá cao hơn nhiều lần giá nhập. Trong trường hợp này theo Luật sư, thẩm định viên về giá có phải chịu trách nhiệm không?
Luật sư Bùi Thị Kim Liên: Theo quy luật giá cả do thị trường điều tiết, giá hàng hoá, dịch vụ được hình thành trên cơ sở cung - cầu và do các yếu tố thị trường quyết định, nếu các Thẩm định viên đã thực hiện đúng căn cứ và phương pháp theo quy định, mặc dù giá cao gấp nhiều lần giá nhập khi thẩm định tài sản thì thẩm định viên không phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thực tế thẩm định viên về giá không tham gia vào quyết định cuối cùng về giá tài sản thẩm định mà chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn cho Hội đồng định giá nhưng trong một số trường hợp vẫn bị quy chịu trách nhiệm pháp lý như Hội đồng định giá. Luật sư đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Bùi Thị Kim Liên: Trên căn cứ các thông tin tài liệu liên quan được tiếp cận, Thẩm định viên là người đưa ra nhận định và đánh giá của mình trong quá trình thẩm định giá.
Khi thực hiện nhiệm vụ Thẩm định viên luôn phải đảm bảo tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, tính chính xác, trung thực, khách quan và đồng thời chịu trách nhiệm về chất lượng, tính đầy đủ đối với thông báo kết quả thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá và phải chịu trách nhiệm về ý kiến nhận định, đánh giá của mình khi cung cấp dịch vụ bằng các điều khoản quy định tại Hợp đồng tư vấn và kết thúc bằng chứng thư thẩm định giá gửi, thông báo cho khách hàng (là Hội đồng định giá trong cơ quan Nhà nước, có quyền thuê cá nhân, tổ chức thực hiện dịch vụ thẩm định giá).
Thẩm định viên phải chịu trách nhiệm theo nội dung hợp đồng dân sự. Thẩm định viên chỉ là người “tư vấn” cho “khách hàng” về giá tài sản, mức giá đó có được chủ tài sản – Hội đồng định giá tài sản chấp nhận, phê duyệt hay không thuộc thẩm quyền cuối cùng ở họ và họ phải chịu trách nhiệm đối với quyết định cuối cùng đó.
Nghị định 89/2013/NĐ-CP ngày 6/8/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giá về thẩm định giá: “Các thành viên của Hội đồng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về ý kiến của mình khi nhận định, đánh giá, biểu quyết mức giá tài sản trong quá trình thẩm định giá”.
Vậy trong các các cuộc đấu thầu, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá đến đâu khi Hội đồng này mới là nơi ra quyết định cuối cùng?
Luật sư Bùi Thị Kim Liên: Việc đấu thầu sẽ phải thực hiện theo trình tự quy định của pháp luật về đấu thầu. Khi Hội đồng thẩm định giá tham gia các cuộc đấu thầu cũng dựa trên các căn cứ cơ bản về thẩm định giá để nhận định, đưa ra mức giá về mặt hàng, sản phẩm tham gia cuộc đấu thầu đó.
Giá thẩm định có đi liền với chất lượng, tính hữu ích sử dụng thực tế có phát huy giá trị hay không là phụ thuộc vào trách nhiệm của Hội đồng thẩm định giá.
Gần đây, xảy ra các vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn để thông thầu, nâng giá để hưởng lợi từ ngân sách Nhà nước với các cấp độ đáng báo động trong xã hội tại các cơ quan nhà nước. Vì vậy, cuộc đấu thầu có đạt kết quả như kỳ vọng, đúng quy định và trên tinh thần vận dụng triệt để pháp luật về giá là phụ thuộc vào tính trung thực, khách quan, chính xác của Hội đồng thẩm định giá vì là nơi ra quyết định cuối cùng về giá cho cuộc đấu thầu.
Trân trọng cảm ơn Luật sư!