Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để nâng dự trữ xăng dầu quốc gia

Thu Thủy - Dương Hùng | 20:05 28/02/2023

Để nâng dự trữ xăng dầu quốc gia, ngân sách Nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm.

Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để nâng dự trữ xăng dầu quốc gia
Bộ Tài chính chỉ có 1.500 tỷ đồng ngân sách, mức kinh phí đang vượt quá khả năng cân đối ngân sách.

Sáng 28/2, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu. Cơ quan giải trình là Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên giải trình.

Theo đó, hai bộ quản lý chính gồm Bộ Công Thương và Bộ Tài chính sẽ giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua. Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đang hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên được mời phát biểu trước, nhận định năm 2022 là năm đặc biệt khó khăn đối với thị trường xăng dầu trên phạm vi toàn cầu bởi tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp và khó lường.

Về dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (trong đó lần đầu trình vào ngày 31/3/2022 ngay sau khi có Nghị quyết 499 của UBTV Quốc hội).

Trong đó đề xuất, từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ. Tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối ngân sách nhà nước (hiện nay ngân sách nhà nước mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).

“Tỷ giá USD và lãi suất tín dụng liên tục tăng cao, cùng với sự cố của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sự khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngoại tệ do các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của ngân hàng... đã ảnh hưởng đến tiến độ và tổng mức nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp đầu mối”, ông Diên nói.

Theo Luật Dự trữ quốc gia, xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược, song hiện mức dự trữ này chỉ tương đương 6-7 ngày nhập khẩu ròng. Dự trữ xăng dầu quốc gia tương đối mỏng là một trong số nguyên nhân, theo các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, gây ảnh hưởng nguồn cung khi thị trường biến động, gián đoạn.

Để tránh gián đoạn, Bộ này đề nghị cấp có thẩm quyền cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chung với hàng kinh doanh của doanh nghiệp. Mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản vẫn áp dụng như mức chi từ năm 2003.

Về cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong xác định, điều hành giá xăng dầu trong nước, đảm bảo nguồn cung. Năm ngoái tổng nguồn cung xăng dầu cho thị trường vẫn đạt gần 25,6 triệu m3, tấn. Trong đó, nhập khẩu 8,87 triệu m3, tấn; sản xuất trong nước gần 15,7 triệu m3, tấn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cần tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để nâng dự trữ xăng dầu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO