Cái hay của Phở là xuất hiện trong nỗi nhớ của từng người với những hình dáng, những hương vị hay những nét duyên rất khác. Có người nhớ về Phở như một thức quà quê hương, thân thuộc và ấm áp. Có người lại thích thú với màu nước lèo trong vắt mà ngọt thanh hòa lẫn vào từng sợi Phở. Và cũng có người mến Phở chỉ vì sự dung hòa đến khó tin của nước, của từng thớ thịt, của những hành ngò thơm nức lòng…
Phở gần gũi nhưng lại khó nắm bắt. Vì Phở không yêu vội. Phở kiếm tìm sự đồng điệu hơn là gói mình trong một món ăn no bụng, một thức hàng trao qua đổi lại với tờ tiền giấy. Phở tìm sự đồng điệu giữa người nấu và kẻ thưởng thức. Phở tìm những người hiểu mình, nếm ra được vị ngọt đậm rất riêng và rồi yêu lấy Phở như nỗi nhung nhớ về một mối tình đầu.
Phở không bao giờ chỉ là sự trình diễn ích kỷ, cố phô trương những kỹ xảo của một đầu bếp thiện nghệ nào đó. Phở coi trọng cái tâm của nghề, sự tinh tế và chăm chút trong từng lát cắt. Đời Phở thích nhất là nỗi nhớ của những người từng thưởng thức qua hắn. Để làm ai đó yêu, đôi khi chỉ cần mình thật hợp vị hay cho họ được niềm vui trong một phút giây thoáng qua. Nhưng để họ nhớ mình, Phở phải thật lưu luyến, phải len lỏi được vào tâm trí họ, phải khuấy động từng hơi thở và ghim sâu vào trái tim hình bóng êm đềm của Phở. Lòng người dễ xao động, người ta dễ yêu rồi cũng dễ quên. Chỉ có những thứ phải rất đặc biệt, rất day dứt thì mới khơi dậy được sự nhung nhớ.
Thứ khiến chúng ta rạo rực và mong nhớ về Phở không phải là những thành phần hữu hình trong nó. Chúng ta nhớ cảm xúc, nhớ hương vị, nhớ những kỷ niệm mà Phở âm thầm tạo ra. Chúng ta nhớ vì Phở đã viết nên những cái kết rất đẹp trong lòng người thưởng thức. Mỗi lần đến với Phở, ta lại thêm một lần tương tư…
Lạ lùng thay, con người thường khắc ghi những lần kết thúc. Kết thúc một món ngon, kết thúc một mối tình, kết thúc một bài thuyết trình… những cái kết luôn quyết định, hoặc là ta rời đi, hoặc sẽ ôm lòng tương tư.
Ngày đi học thuyết trình, nhiều bạn hay kháo nhau 10 giây đầu tiên sẽ tạo nên ấn tượng, 60 giây tiếp theo sẽ quyết định sự thành-bại của bài nói. Thế là người ta lao vào viết nên những phần mở đầu thật hấp dẫn, thật độc đáo. Nhưng thuyết trình vốn dĩ được đánh giá không phải bởi kiến thức bạn gửi gắm mà bởi những gì người nghe nhận được. Nghĩa là việc họ nhớ được gì, nghĩ gì, nói gì về bài thuyết trình quan trọng hơn nhiều so với việc bạn đã trình bày được những gì. Giây phút kết thúc bài thuyết trình mới là giây phút quyết định sự thành - bại.
Có người khép lại phần trình bày bằng một thông điệp. Có người thả nhẹ một câu chuyện ý tứ. Cũng có người vội vã kết thúc như sắp buông bỏ được một gánh nặng trong lòng. Tùy vào những cách kết thúc khác nhau mà giá trị của một bài thuyết trình cũng có sự thay đổi. Có lẽ vì lý do đó mà chúng ta luôn nhìn thấy những cái kết rất độc đáo từ những người diễn giả có tầm.
Cựu tổng thống Mỹ Barack Obama như một cách bày tỏ lòng mến yêu và gắn bó sâu sắc với dân tộc Việt Nam, khi kết thúc bài thuyết trình, ông dùng cách lấy hai câu trong truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du: "Sau này khi người Mỹ Việt Nam học cùng nhau, cùng phối hợp sáng tạo với nhau thì các bạn hãy nhớ khoảnh khắc tôi đứng ở đây trước các bạn như Nguyễn Du đã nói: Rằng trăm năm cũng từ đây. Của tin gọi một chút này làm ghi". Ông dùng chính những thứ người Việt trân quý nhất để nói thay lời hứa hẹn của mình với người Việt Nam. Ông kết thúc bài nói bằng một tình cảm lưu luyến và đầy hy vọng. Điều ấy khiến trái tim người Việt vỡ òa, khiến bài nói của ông trở thành một bảo bối đúng nghĩa trong việc "quyến rũ" và chinh phục tình yêu của dân tộc Việt Nam.
Hay như Steve Jobs – nhà diễn thuyết tài tình bậc nhất thế giới, ông luôn luôn kết thúc bài nói của mình bằng cách thu hút và lôi kéo sự chú ý của khán giả quay trở lại với "Một điều nữa" (One more thing), "Một điều cuối cùng" (One last thing). Điều này cũng giống như việc ông bày món tráng miệng bí mật lên bàn sau khi đã kết thúc bữa tối vậy. Vừa đủ cho một cái kết hấp dẫn, vừa mở đường cho những bài thuyết trình về sau này. Đây quả là một món ăn hấp dẫn và đáng mong chờ với tất cả mọi người. Cũng nhờ thế mà cứ sau mỗi lần Steve Jobs thuyết trình ra mắt sản phẩm mới, Apple lại tạo nên những cơn sóng trong dư luận. Mọi người bàn nhau về những gì nghe được, dự đoán về Apple của tương lai và cả việc phấn khích với những ý tưởng mới mẻ.
Chúng ta không có mẫu số chung cho bất cứ cái kết nào. Ngay cả những cơ sở đào tạo thuyết trình cũng luôn khuyến khích sự sáng tạo của học viên đối với phần kết thúc của mình. Thuyết trình cũng giống như bát Phở Hà Nội, sẽ chẳng có sự nhung nhớ, sẽ chẳng có những luyến lưu nếu chính bản thân Phở không tạo được cảm xúc, không mơn trớn được từng tế bào của thực khách. "Bài thuyết trình giá trị cũng phải là một bài thuyết trình có phần kết biết gợi mở và thôi thúc hành động từ người nghe", ông Nguyễn Trung Quân, đồng sáng lập của Học viện Kỹ năng VTALK khẳng định.
Đó là cách mà Phở đã lần tìm và chinh phục trái tim người thưởng thức. Phở đã trót yêu, đã chọn ai thì dứt khoát lưu lại một hương vị rất đặc trưng, không quá khoa trương nhưng vừa đủ để ám ảnh vào cổ họng bần thần mà say đắm. Một hương vị của lắng đọng và nhung nhớ. Nó khiến người ta phải quay lại với Phở thêm một lần, rồi hai lần, rồi đến… mãi khi không còn có thể dứt ra được nữa!
Một bài thuyết trình hoàn hảo đôi khi cũng chỉ cần gieo được một hương vị đặc trưng như thế. Cả một bài nói dài gần 30 phút nhưng lắng đọng được một câu vào lòng khán giả cũng đã đủ để minh chứng cho sự thành công của một cái kết bài mỹ mãn. Một câu thôi, nhưng phải là một câu khiến người ta suy nghĩ và day dứt không ngừng. Đó là những đau đáu của nỗi niềm trăn trở. Đó là cơn ám ảnh những giấc ngủ sâu. Đó là sự tê dại của đầu lưỡi khi mà vị Phở không còn hiện rõ… Tất cả chỉ vì một ý vị làm cho người nghe không dứt mình ra được. Và khi sự ngộ thức ùa về, lòng người bừng tỉnh, nó thôi thúc một động lực hành động đến không ngừng…
Và đó là một kết thúc bài thuyết trình hoàn hảo.