Các ngân hàng nhỏ rủi ro thanh khoản vẫn cao

Dương Trang | 15:25 24/02/2025

Theo VIS Rating, ngân hàng lớn khép lại năm 2024 với lợi nhuận và chất lượng tài sản cải thiện. Rủi ro thanh khoản vẫn ở mức cao đối với các ngân hàng nhỏ do gia tăng huy động nguồn vốn thị trường ngắn hạn để bổ sung cho tăng trưởng cho vay.

Các ngân hàng nhỏ rủi ro thanh khoản vẫn cao
Rủi ro thanh khoản vẫn ở mức cao đối với các ngân hàng nhỏ. (Ảnh: Int)

22% ngân hàng có rủi ro tài sản ở mức yếu

Mới đây, VIS Rating vừa có báo cáo đánh giá về chất lượng tài sản ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng khép lại năm 2024 với kết quả khả quan, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh (SOBs) và các ngân hàng lớn. Sự phục hồi của các khoản vay mua nhà với lợi tức cao và tỷ lệ hình thành nợ xấu chậm lại trong quý 4/2024 đã thúc đẩy lợi nhuận và cải thiện chất lượng tài sản cho các ngân hàng này.

Trái lại, năng lực tín nhiệm của một số ngân hàng nhỏ vẫn ở mức yếu, do nợ xấu cao và chi phí tín dụng tăng từ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs), cùng với áp lực biên lợi nhuận và vấn đề thanh khoản giữa bối cảnh cạnh tranh huy động tiền gửi gia tăng.

Rủi ro tài sản của ngành đã dần ổn định trong năm 2024, khi tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm đối với một số ngân hàng quốc doanh và ngân hàng lớn. Tỷ lệ nợ xấu của ngành giảm nhẹ 5 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái (YoY), xuống còn 2,25% trong năm 2024.

Một số ngân hàng lớn đã chủ động thắt chặt việc cấp tín dụng cho các khoản vay tiêu dùng mới Ngânhàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPB) và có tỷ lệ nợ xấu các khoản vay mua nhà thấp hơn trong nửa cuối năm 2024 như Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB).

Trong các ngân hàng quốc doanh, tỷ lệ nợ xấu phát sinh mới của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG) đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2024, trong khi Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương (VCB) đã giảm nợ xấu thông qua việc đẩy mạnh xóa nợ.

Ngược lại, chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ tập trung vào khách hàng cá nhân và SMEs nhưNgân hàng TMCP Công thương Sài Gòn (SGB); Ngân hàng TMCP An Bình (ABB); Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAB) bị suy giảm, chủ yếu do nợ xấu từ các khoản vay mua nhà.

“22% ngân hàng theo phân tích của chúng tôi có rủi ro tài sản ở mức yếu, không thay đổi so với năm 2023. Trong năm 2025, chúng tôi kỳ vọng điều kiện kinh doanh tích cực hơn sẽ thúc đẩy việc giảm tỷ lệ hình thành nợ xấu của toàn ngành”, báo cáo của VIS Rating cho hay.

Quy mô vốn của toàn ngành vẫn khiêm tốn

Lợi nhuận toàn ngành nhìn chung vẫn ổn định, các ngân hàng nhỏ chịu ảnh hưởng mạnh bởi chi phí huy động và chi phí tín dụng tăng cao. Tỷ suất sinh lời trên bình quân tổng tài sản (ROAA) của các ngân hàng nhỏ giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái từ 0,3% xuống 0%. Trong số các ngân hàng nhỏ, Ngânhàng TMCP Quốc dân (NVB) ghi nhận khoản lỗ ròng lớn nhất do tăng mạnh trích lập dự phòng sau khi đẩy mạnh xóa nợ, theo kế hoạch tái cấu trúc của ngân hàng này. Các ngân hàng nhỏ khác như SGB, PGB cũng ghi nhận sự sụt giảm ROAA do chi phí huy động tăng trong bối cảnh cạnh tranh tiền gửi gay gắt.

Tính đến cuối năm 2024, khoảng 30% ngân hàng có khả năng sinh lời thấp, chủ yếu là các ngân hàng nhỏ. Xu hướng lợi nhuận của các ngân hàng lớn có sự phân hóa. Một số ngân hàng ghi nhận ROAA tăng nhờ đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực có lợi tức cao như bất động sản và vay tiêu dùng như VPB, giảm chi phí dự phòng hoặc tăng lợi nhuận từ thu hồi nợ như STB, CTG, VPB. Trong khi đó, một số ngân hàng khác ghi nhận ROAA giảm trong quý 4/2024 do phí bồi thường chấm dứt hợp tác phân phối bảo hiểm trước hạn như TCB, biên lãi ròng (NIM) giảm và thu nhập từ hoạt động đầu tư thấp hơn như ACB.

Theo báo cáo, tăng trưởng tín dụng của toàn ngành đạt 15% trong năm 2024, tăng từ 14,5% trong năm 2023, nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ cho vay khách hàng doanh nghiệp và sự phục hồi cho vay mua nhà trong quý 4/2024. Chuyên gia kỳ vọng rằng ROAA toàn ngành sẽ tăng nhẹ trong năm 2025 nhờ NIM cải thiện trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng dài hạn cao hơn từ khách hàng doanh nghiệp và cho vay mua nhà, và chi phí tín dụng giảm đi.

Quy mô vốn của toàn ngành vẫn ở mức khiêm tốn do lợi nhuận ổn định và hạn chế trong việc huy động vốn mới. Tỷ lệ vốn chủ sở hữu hữu hình/tổng tài sản hữu hình (TCE/TA) duy trì ổn định ở mức 8,5% năm 2024. NVB là ngân hàng duy nhất tăng vốn trong quý 4/2024 theo kế hoạch tái cấu trúc của ngân hàng này. 20% các ngân hàng trong phân tích có quy mô vốn yếu do lợi nhuận thấp và/hoặc khả năng huy động vốn hạn chế. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của ngành đã cải thiện đáng kể lên mức 91% trong quý 4/2024, tăng từ 83% trong quý 3/2024, nhờ tỷ lệ hình thành nợ xấu giảm (TCB, CTG, MBB) và tăng cường xóa nợ (VCB, BID).

Hầu hết các ngân hàng nhỏ vẫn duy trì LLCR ở mức dưới trung bình ngành bởi lợi nhuận tăng trưởng thấp và tỷ lệ hình thành nợ xấu cao hơn. VIS Rating kỳ vọng quy mô vốn sẽ duy trì ổn định trong năm 2025 khi mức cải thiện của lợi nhuận và khả năng tạo vốn nội bộ sẽ đi cùng với tốc độ tăng trưởng tài sản.

Rủi ro thanh khoản vẫn ở mức cao đối với các ngân hàng nhỏ do gia tăng huy động nguồn vốn thị trường ngắn hạn để bổ sung cho tăng trưởng cho vay. Tỷ lệ tiền gửi CASA/tổng dư nợ cho vay của ngành duy trì ổn định ở mức 21% so với năm trước, trong đó các ngân hàng lớn (TCB, VCB, CTG) cải thiện mạnh nhất nhờ vào mạng lưới chi nhánh rộng lớn và năng lực chuyển đổi số.

Các ngân hàng lớn (BID, VCB, HDB, TCB) cũng đã đa dạng hóa các nguồn huy động vốn và cam kết cho vay bền vững trong các kế hoạch chiến lược của họ thông qua việc phát hành khung trái phiếu xanh và bền vững và/hoặc phát hành trái phiếu. Rủi ro thanh khoản của các ngân hàng nhỏ (ABB, VAB, SGB) tăng lên so với một năm trước đó, do gia tăng sử dụng nguồn vốn vay liên ngân hàng ngắn hạn trong bối cảnh tăng trưởng tiền gửi chậm lại.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các ngân hàng nhỏ rủi ro thanh khoản vẫn cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO