Ngành năng lượng của Serbia đang trên bờ vực khủng hoảng khi các ngân hàng nước ngoài chuẩn bị đóng tài khoản của Công ty Dầu mỏ Serbia (NIS) do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Đáng chú ý, tập đoàn năng lượng Gazprom (Nga) và công ty con Gazprom Neft vẫn nắm giữ 51% cổ phần tại NIS.
Động thái này có thể gián đoạn hoạt động của NIS vốn kiểm soát 80% thị trường dầu mỏ phái sinh của Serbia và điều hành hơn 400 trạm xăng trên cả nước.
Theo truyền thông địa phương, các ngân hàng nước ngoài sẽ dừng giao dịch với NIS từ 24/2 trước khi lệnh trừng phạt có hiệu lực vào 28/2. Quyết định này dự kiến gây hậu quả nghiêm trọng đối với ngành năng lượng Serbia. Một nguồn tin cho biết việc đóng tài khoản của NIS có thể làm tê liệt hoạt động của công ty.
“Một công ty sẽ không còn tồn tại khi tài khoản bị đóng”, nguồn tin này nói với tạp chí Nova Ekonomija (Serbia). “Ngay cả khi lách lệnh trừng phạt, cũng không có cách nào để thanh toán tiền cho NIS”.
Việc đóng các tài khoản NIS có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho nguồn cung nhiên liệu của Serbia. NIS vận hành nhiều trạm xăng dưới thương hiệu NIS Petrol và Gazprom.
Các nguồn tin cho biết sau khi các tài khoản bị đóng, một số trạm xăng dầu của công ty có thể ngừng cung cấp nhiên liệu. Tuy nhiên, các trạm do các công ty khác như OMV (Áo), MOL (Hungary) và Shell (Anh) điều hành dự kiến sẽ không bị ảnh hưởng.
Để giảm thiểu hậu quả tiềm tàng, gã khổng lồ dầu khí MOL đã công bố kế hoạch tăng cường giao nhiên liệu cho Serbia. MOL cho biết họ đang hợp tác chặt chẽ với cả chính quyền Hungary và Serbia để hợp lý hóa việc vận chuyển dầu. Nhưng các chuyên gia năng lượng cảnh báo rằng các biện pháp này có thể không đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trên diện rộng.
Nhằm ứng phó với các vấn đề thanh khoản có thể xảy ra, ban quản lý NIS đã trả lương trước cho nhân viên vào 19/2. Biện pháp này được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng thanh toán quốc tế bị đình chỉ có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định tài chính của NIS, trừ khi Mỹ chấp thuận đề nghị gia hạn miễn trừ lệnh trừng phạt của Serbia.
NIS kiểm soát gần 50% thị trường nhiên liệu bán lẻ của Serbia. Các quan chức chính phủ đã trấn an rằng các máy bơm sẽ vẫn hoạt động vì một số ngân hàng Serbia dự kiến sẽ tiếp tục xử lý các giao dịch NIS, cho phép thanh toán nhiên liệu bằng thẻ dinar hoặc tiền mặt.
Cuộc khủng hoảng tiềm tàng là hậu quả trực tiếp của các lệnh trừng phạt của Mỹ nhưng cũng là hậu quả của việc Serbia phụ thuộc lâu dài vào năng lượng Nga. Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm đóng băng mô hình hoạt động của NIS và yêu cầu Gazprom Neft phải thoái 50% cổ phần trong vòng 45 ngày (trước 28/2). Serbia đã yêu cầu gia hạn thêm 90 ngày nhưng vẫn đang chờ phản hồi từ Washington.
Chính phủ Serbia đang chịu áp lực ngày càng tăng để đảm bảo tương lai của NIS.
Một phương án đang được xem xét là Serbia mua lại cổ phần của Gazprom hoặc bán NIS cho bên thứ ba. Mặc dù vấn đề quốc hữu hóa cũng đã được thảo luận, nhưng chính phủ đã bác bỏ lo ngại nó có thể gây căng thẳng cho mối quan hệ với Nga, đặc biệt là khi 2 nước chuẩn bị đàm phán gia hạn hợp đồng cung cấp khí đốt sẽ hết hạn vào tháng 3.
Có nhiều đồn đoán rằng các bên thứ ba như Shell, MOL hoặc SOCAR (Azerbaijan) có thể tham gia mua lại cổ phần của Nga tại NIS. Một số chuyên gia trong nước cho rằng khả năng cao các nhà đầu Trung Đông sẽ nhảy vào.
Chính phủ của Serbia đã là ứng cử viên chờ gia nhập EU kể từ năm 2012. Trong khi đó, nước láng giềng Hungary chính thức gia nhập EU năm 2004.
Theo Bne Intellinews