Họp với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công thương nói gì về kế hoạch xuất khẩu và đàm phán thương mại với Hoa Kỳ trong thời gian tới?

Hoàng Nguyễn | 12:05 16/07/2025

Tại Hội nghị Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương cho ý kiến về Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2025 sáng nay, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã thay mặt Bộ Công thương đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm, trong đó có giải pháp liên quan đến xuất nhập khẩu.

Họp với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công thương nói gì về kế hoạch xuất khẩu và đàm phán thương mại với Hoa Kỳ trong thời gian tới?

2/6 chỉ tiêu của ngành Công thương vượt kịch bản đề ra trong nửa đầu năm 

Theo đó, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, ngay từ đầu năm 2025, Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành tương ứng với tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 140/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/2024.

Tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên, ngành Công Thương được Chính phủ giao các chỉ tiêu tăng trưởng năm 2025 như: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,5%; Điện sản xuất và nhập khẩu tăng 12,5%; Tổng mức BLHH & doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12%, Kim ngạch xuất khẩu tăng 12%...

Như vậy, các chỉ tiêu về xuất khẩu, cán cân thương mại và tổng mức bán lẻ hàng hóa & doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Bộ Công Thương được giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP đều đã tương ứng với kịch bản tăng trưởng hai con số.

Để triển khai thực hiện Nghị quyết 25/NQ-CP, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản tăng trưởng của ngành theo tháng/quý và gửi Bộ Tài chính (trước đây là Bộ KH&ĐT) tổng hợp.

Căn cứ kết quả 6 tháng đầu năm 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết có 2/6 chỉ tiêu của ngành vượt kịch bản đề ra; 2/6 chỉ tiêu chưa đạt so với kỳ vọng nhưng cơ bản tiến sát kịch bản (đạt gần 90%); 1 chỉ tiêu chỉ đánh giá vào thời điểm kết thúc năm (chỉ tiêu về xuất siêu, do chỉ tiêu này liên quan đến thặng dư thương mại không phải số tương đối như các chỉ tiêu khác mà là số tuyệt đối, mỗi tháng mức thặng dư/thâm hụt thương mại sẽ được cộng/trừ lũy kế); 1 chỉ tiêu (về điện) mặc dù chưa sát kế hoạch nhưng đây là chỉ tiêu tăng trưởng theo nhu cầu phụ tải và vẫn đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của dân cư.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, nguyên nhân chủ yếu của việc chưa đạt chỉ tiêu về IIP và thị trường trong nước so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2025 là do các chỉ tiêu này được xây dựng khá cao (tương ứng với kịch bản tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025).

Nhiệm vụ, giải pháp nửa cuối năm 2025

Cũng tại Hội nghị, thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng của cả năm 2025.

Đầu tiên là tiếp tục hoàn thiện thể chế để khơi thông nguồn lực. Bộ Công Thương sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn để triển khai các Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 (Luật Hóa chất sửa đổi; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm năng lượng sửa đổi) và khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật Thương mại điện tử để trình Quốc hội tại kỳ họp tới.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp và năng lượng bằng việc tập trung tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế tạo thiết bị phục vụ ngành năng lượng tái tạo, nội địa hoá ngành công nghiệp đường sắt phục vụ các dự án đường sắt quốc gia.

Triển khai hiệu quả Quy hoạch điện 8 điều chỉnh; tập trung tháo gỡ khó khăn, phấn đấu sớm đưa vào vận hành các công trình nguồn và lưới điện quan trọng trong năm 2025 để bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt. Trong dài hạn, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về phát triển công nghiệp trên cơ sở bám sát chủ trương tại 4 Nghị quyết là "bộ tứ trụ cột" của Bộ Chính trị.

Thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Khuyến khích đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và sản xuất xanh để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng của sản phẩm thông qua việc mở rộng các chương trình hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp chế biến chế tạo vừa và nhỏ.

Thúc đẩy sản xuất xanh và tiết kiệm năng lượng, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và hướng dẫn thực thi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả sửa đổi, đặt các mục tiêu cụ thể về giảm định mức năng lượng trên một đơn vị sản phẩm. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ giảm phát thải, tuần hoàn chất thải.

Ngoài ra, ổn định, phát triển thị trường trong nước. Tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi kinh doanh trên nền tảng số; phối hợp với các đơn vị chức năng tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh trong chuyển đổi phương thức kinh doanh và nộp thuế để sớm ổn định hoạt động phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng.

Thường xuyên theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu, giá cả hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền phối hợp xử lý các biến động bất ổn của thị trường.

Không chỉ vậy, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử và kinh tế số. Bộ Công Thương sẽ khẩn trương hoàn thiện các quy trình xây dựng dự án Luật Thương mại điện tử, phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo, nghiên cứu có ý kiến với các dự án Luật quảng cáo, Luật chất lượng hàng hoá, sản phẩm nhằm tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo và quản lý chất lượng hàng hoá, sản phẩm trên không gian mạng. Đồng thời với việc đẩy mạnh quản lý hoạt động thương mại điện tử.

Về hoạt động xuất nhập khẩu, lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Bộ sẽ tiếp tục triển khai đàm phán Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng với Hoa Kỳ, qua đó duy trì khả năng cạnh tranh của hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường lớn này. 

Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ những thị trường trọng điểm, chiến lược; Đẩy mạnh đàm phán FTA, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về ký MoU, Hiệp định thương mại gạo với Brasil, Philippines, Malaysia, Indonesia... Tăng cường kinh phí xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển, chi phí đầu vào, đơn giản hoá thủ tục hành chính;

Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu. Nâng cao năng lực của doanh nghiệp vừa và nhỏ về xây dựng thương hiệu, marketing, kỹ năng xúc tiến thương mại quốc tế.


(0) Bình luận
Họp với Thủ tướng, lãnh đạo Bộ Công thương nói gì về kế hoạch xuất khẩu và đàm phán thương mại với Hoa Kỳ trong thời gian tới?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO