Các nền kinh tế ‘con hổ’ của ASEAN trước cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc: Ai ‘gầm’ yếu ớt, ai vững đà?

Y Vân | 19:36 13/02/2025

Theo Nikkei Asia, sự cạnh tranh mạnh mẽ của Trung Quốc trên toàn cầu có tác động rõ rệt tới các nền kinh tế được mệnh danh là con hổ của ASEAN, trong đó nước thì hụt hơi, nước vẫn giữ được động lực.

Các nền kinh tế ‘con hổ’ của ASEAN trước cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc: Ai ‘gầm’ yếu ớt, ai vững đà?

Bài viết thể hiện quan điểm của Henny Sender, nhà sáng lập và đối tác quản lý của công ty tư vấn chiến lược cho các công ty dịch vụ tài chính Apsara Advisory. Sender từng giám đốc điều hành tại công ty đầu tư BlackRock.

Trong giai đoạn bong bóng vào cuối những năm 1980, sự tăng giá của đồng yên Nhật đã tạo ra một làn sóng đầu tư từ các công ty Nhật Bản tới các nền kinh tế phát triển nhanh của Đông Nam Á.

Panasonic chiếm 2-3% GDP của Malaysia khi xuất khẩu đồ điện tử tiêu dùng ra thế giới từ các nhà máy tại đây. Các hãng ô tô Nhật Bản sản xuất ô tô tại Thái Lan. Còn các “ông lớn” như Mitsui và Mitsubishi đã nhập khẩu dầu và khí đốt từ Suharto (Indonesia) về quê nhà Nhật Bản.

Tuy nhiên, những diễn biến đó xảy ra trước khi Trung Quốc vươn lên trở thành cường quốc sản xuất vào những năm 1990. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc được cấu thành từ nhiều yếu tố, bao gồm lực lượng lao động đông đảo và quy mô khổng lồ mà không quốc gia nào khác có thể sánh kịp.

Có thể mất nửa giờ lái xe từ đầu này đến đầu kia của một nhà máy thép. Các nhà máy của các công ty như Foxconn (Đài Loan) có tới 300.000 công nhân. Trung Quốc hiện dẫn đầu trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành pin, năng lượng tái tạo và xe điện.

Nhưng ngày nay, sự lạc quan đi kèm với sự trỗi dậy của Trung Quốc đã suy yếu. Rất ít hộ gia đình tin rằng ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm nay. Quá nhiều người đã mất tiền vào thị trường bất động sản và chứng khoán cũng như khó kiếm lời từ tiền gửi ngân hàng. Nhu cầu trong nước không còn đủ mạnh để hấp thụ sản lượng khổng lồ. Thay vào đó, nhu cầu từ nước ngoài đã trở thành chất xúc tác cho sự tăng trưởng của Trung Quốc.

Và điều đó có nghĩa là Trung Quốc có nhiều khả năng cạnh tranh với các nền kinh tế ASEAN hơn là hỗ trợ họ. Tình hình hiện tại rất khác so với 2008-2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ gây ra một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Khi đó, Trung Quốc đã lấp đầy khoảng trống bằng các chính sách tài khóa và tiền tệ tích cực giúp châu Á phục hồi.

Không nơi nào chứng kiến “cú đảo lộn” rõ ràng hơn ở Thái Lan. Trước đây, nước này sản xuất khoảng 2 triệu ô tô mỗi năm, với khoảng 900.000 chiếc bán trong nước và phần còn lại được xuất khẩu. Ngành ô tô từng chiếm 10-12% GDP của Thái Lan, 11% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo việc làm cho 1 triệu người, tương đương 16% lực lượng lao động của đất nước, Bank of America (BofA) cho biết.

Tuy nhiên, năm 2024, doanh số đã lao dốc xuống 572.675 chiếc, mức thất trong 14 năm, Liên đoàn Công nghiệp nước này cho biết.

Sự sụp đổ này cho thấy vấn đề khả năng chi trả đã phát triển thành một cuộc khủng hoảng tín dụng, các nhà phân tích của BofA lưu ý trong một báo cáo gần đây. Báo cáo cho rằng nguyên nhân là do “suy giảm khả năng cạnh tranh với Trung Quốc”.

Indonesia, quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên và khoáng sản dồi dào, cũng đáng lẽ phải làm tốt hơn hiện tại. “Trong vài tháng qua, động lực trong nước tiếp tục suy yếu”, theo Emerging Advisors Group, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Bắc Kinh.

“Sự phục hồi trong nước mới chớm nở dường như đã lại yếu đi, chu kỳ tín dụng suy giảm, các chỉ số khác đang chậm lại hoặc giảm sút”, nhóm nghiên cứu nhận định.

Hơn nữa, thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho châu Á trùng hợp với động thái của Mỹ nhằm phá bỏ chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là châu Á, và tái cơ cấu sản xuất. Trong khi đó, lãi suất tương đối cao của Fed tiếp tục hỗ trợ đồng đô la, ngăn cản hầu hết các ngân hàng trung ương trogn khu vực cắt giảm lãi suất để kích thích chi tiêu và tăng trưởng.

Helen Qiao, trưởng bộ phận nghiên cứu châu Á của BofA tại Hong Kong, lưu ý: “Châu Á sẽ phải đối mặt với tác động kép từ việc tăng thuế đối với hàng xuất khẩu sang Mỹ và nhu cầu yếu hơn của Trung Quốc đối với hàng xuất khẩu trung gian”.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ Đông Nam Á đều mất đi động lực “hổ”.

Ví dụ, Việt Nam hiện không còn lao động dư thừa để làm việc tại các nhà máy. Nói cách khác, nguồn nhân lực của nước này phần lớn được tối ưu hóa. Youngone (Hàn Quốc), chuyên sản xuất trang phục mùa đông cao cấp, là một trong những công ty đầu tiên chuyển đến Trung Quốc và sau đó là Việt Nam. Nhưng ngày nay, do không thể tìm đủ lao động tại Việt Nam, công ty đang mở rộng hoạt động ra ngoài ASEAN, đến Bangladesh và hiện là nhà tuyển dụng tư nhân lớn nhất tại quốc gia này, với hơn 70.000 người làm việc tại các nhà máy may mặc của công ty.

Các nhà kinh tế từng tiếc cho Lào vì không giáp biển, gặp khó khăn trong việc thu hút FDI do thiếu cảng. Nhưng giờ đây Lào bán thủy điện cho các nước láng giềng vào thời điểm điện giá rẻ đang ngày càng trở thành lợi thế cạnh tranh lớn.

Trong khi đó, Malaysia được hưởng lợi vì gần Singapore. Malaysia là điển hình về “một câu chuyện thị trường mới nổi có phát triển tích cực về mặt cấu trúc”, Johanna Chua, giám đốc kinh tế châu Á tại Hồng Kông của Citigroup, nhận định. Đặc khu kinh tế Johor Singapore là tiêu biểu cho câu chuyện này, khi sự hội nhập như vậy giúp thu hút thêm các công ty đa quốc gia muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc.

Nền kinh tế 'Tiger Cub' là tên gọi dành cho 5 nền kinh tế đang phát triển của Đông Nam Á gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Thuật ngữ này được đặt ra để ngụ ý rằng các nền kinh tế này tuân theo cùng một mô hình tăng trưởng tương tự như mô hình của Bốn 'con hổ' châu Á – Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Nikkei Asia


(0) Bình luận
Các nền kinh tế ‘con hổ’ của ASEAN trước cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc: Ai ‘gầm’ yếu ớt, ai vững đà?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO