Các công ty Thái Lan muốn chính phủ tăng cường nỗ lực bảo vệ các nhà sản xuất trong nước khỏi làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn vào, sau động thái áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Bloomberg, ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, cho rằng nếu Chính phủ của Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra không hành động, số ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi hàng nhập khẩu giá rẻ có thể tăng từ 23 ngành năm ngoái lên 30 ngành.
Ông cho biết: “Các ngành công nghiệp đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của làn sóng nhập khẩu là thép, nhựa, thiết bị điện và quần áo”.
Lời kêu gọi tăng cường bảo vệ được đưa ra trong bối cảnh lo ngại rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ tràn vào các nước láng giềng với những sản phẩm mà họ không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Chính quyền Thái Lan cũng đang dự kiến mức thuế trả đũa đối với hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nơi nước này đạt thặng dư thương mại 35 tỷ USD vào năm ngoái.
Việc nhập khẩu liên tục các sản phẩm giá rẻ cũng đe dọa gây tổn hại thêm cho ngành sản xuất của Thái Lan, khiến công suất sử dụng trung bình tại các nhà máy giảm xuống còn khoảng 56%.
Công suất các nhà máy của Thái Lan giảm tháng thứ năm liên tiếp vào tháng 12 khi doanh số bán ô tô giảm mạnh do nhu cầu yếu.
Thương chiến Mỹ - Trung nổ ra
Trung Quốc có sức ảnh hưởng đáng kể đến kinh tế Thái Lan, cũng như ASEAN, trong đó nổi bật là du lịch và nông sản. Lượng khách du lịch Trung Quốc suy giảm tác động rất lớn đến nguồn thu của ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của nước Đông Nam Á. Tương tự cho nhóm hàng nông sản, trong đó có sầu riêng.
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và ASEAN đạt 885 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
Trong kỳ, nước này ghi nhận xuất siêu 168 tỷ USD sang khối ASEAN, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 526 tỷ USD (tăng 11,2% YoY) và nhập khẩu đạt 358 tỷ USD (tăng 1,8% YoY).
Trong ASEAN, Việt Nam là thị trường có kim ngạch thương mại lớn nhất với Trung Quốc khi đạt 235 tỷ USD, tăng 14% YoY. Malaysia đứng vị trí thứ hai với 190 tỷ USD, tăng 11,1% YoY; tiếp đến là Indonesia với 132 tỷ USD, tăng 4,3% YoY; Thái Lan với 120,9 tỷ USD, tăng 5% YoY.
Ngoài nhóm trên 100 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc và Singapore đạt 99,4 tỷ USD, tăng 1,8% YoY; Campuchia với 16 tỷ USD, tăng 19,7% YoY; Lào với 7,4 tỷ USD, tăng 18,7% YoY và Brunei với 2,6 tỷ USD, tăng 3,4% YoY.
Về xuất khẩu, theo số liệu từ GACC, lũy kế 11 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN với 146 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước.
Malaysia là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với 90,5 tỷ USD, tăng 15,6% YoY. Trong nhóm thị trường trên 10 tỷ USD, Trung Quốc còn xuất khẩu sang Thái Lan với 77,4 tỷ USD, tăng 12,2% YoY; Singapore với 70,7 tỷ USD, tăng 2,5% YoY; sang Indonesia với 67,8 tỷ USD, tăng 14,4% YoY.
Ngày 4/2, sắc lệnh áp thuế 10% toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực. Vài phút sau, Trung Quốc thông báo áp thuế 15% lên than đá, khí hóa lỏng (LNG) và 10% với dầu thô, máy móc trang trại và một số loại ôtô từ Mỹ, kể từ 10/2. Nước này đồng thời sẽ siết xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng và điều tra hoặc nhắm mục tiêu trừng phạt một số doanh nghiệp Mỹ.
Mỹ và Trung Quốc từng đối đầu kinh tế dưới hình thức thuế quan trả đũa trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Lần phản ứng này, việc lựa chọn thời điểm và quy mô đáp trả mang đến thông điệp muốn hạ nhiệt căng thẳng của Bắc Kinh, theo phân tích của một số chuyên gia.
Theo Oxford Economics, thương chiến chỉ mới bắt đầu nên khả năng có thêm các mức thuế khác là rất cao. Gary Ng của Natixis đánh giá ngay cả khi hai nước có thể nhất trí về một số vấn đề, vẫn có khả năng thuế quan được sử dụng như công cụ thường xuyên, trở thành nguồn cơn chính gây ra biến động thị trường năm nay.
Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo các chính sách bảo hộ gia tăng có thể ảnh hưởng đến đầu tư và làm gián đoạn chuỗi cung ứng. "Vì lợi ích của mọi người, chúng ta cần tìm ra những cách mang tính xây dựng để giải quyết bất đồng và tạo điều kiện cho thương mại", tổ chức này kêu gọi.