Các doanh nghiệp bất động sản không sợ lãi suất cao?

Văn Tuệ | 10:01 16/02/2023

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM cho rằng doanh nghiệp địa ốc không sợ lãi suất cao chỉ sợ không tiếp cận được vốn ngân hàng.

Các doanh nghiệp bất động sản không sợ lãi suất cao?

Không sợ lãi suất khó, chỉ sợ không có ngân hàng lo

Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, nhà sáng lập công ty tư vấn tài chính FIDT, Ngân hàng Nhà nước đã nắm bắt tình hình về cuộc đua lãi suất, đồng thời có những biện pháp can thiệp. Động thái rõ ràng nhất của nhà điều hành trong thời gian gần đây đó là yêu cầu các ngân hàng thương mại khống chế lãi suất huy động ở mức 9,5%/năm.

"Tuy nhiên, với chi phí vốn như trên, lãi suất đầu ra trên thị trường vẫn đang có thể trong vùng 15-16%/năm, mức cao trong nhiều năm trở lại đây", ông Tuấn đánh giá.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản được tổ chức tại Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ngày 08/02 vừa qua, đại diện của một doanh nghiệp bất động sản cũng cho biết đang có những đơn vị trong ngành này đang phải đi vay đến 14-17%/năm.

Cập nhật gần nhất của chúng tôi cho thấy, lãi suất cơ sở của nhiều ngân hàng vẫn đang ở mức cao so với thời gian trước đây. Thông thường các nhà băng sẽ tính lãi suất cho vay theo công thức lãi suất cơ sở cộng 3-4% biên độ kinh doanh. Theo đó, lãi suất cấp tín dụng cho thị trường đang ở quanh mức 14-17%.

Ví dụ như tại ACB, lãi suất cơ sở vẫn đang là 9,5%; SeABank ghi nhận con số này ở mức 12%/năm; Eximbank (8,8-10,1%); VPBank (10,6-12,6%); TPBank (10,25-11,75%),...

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM ông Lê Hoàng Châu cho biết, doanh nghiệp bất động sản không lo về vấn đề lãi suất mà chỉ ngại không tiếp cận được vốn tín dụng ngân hàng.

“Chúng tôi không sợ lãi suất vay của các ngân hàng dù đang có xu hướng tăng (trên dưới 13%). Lãi suất vay đó chúng tôi chịu được nhưng vấn đề phải tiếp cận được”, ông Châu nhận định.

Các doanh nghiệp bất động sản tại hội nghị cũng chú trọng vấn đề nới room tín dụng, giãn hoãn, tái cơ cấu nợ nhiều hơn vấn đề lãi suất.

"Câu chuyện nằm ở chỗ NHNN nới lỏng room cho vay để doanh nghiệp có nguồn vốn đầu tư để phát triển bất động sản. Lúc đó, doanh nghiệp mới phát triển lành mạnh và nhà đầu tư trái phiếu mới quay trở lại thị trường. Bởi trong bối cảnh hiện nay, các trái chủ đang rất lo ngại về việc các doanh nghiệp có tồn tại được hay không, có bán được sản phẩm không,… Do đó, đề xuất NHNN nới lỏng room và cơ cấu lại nhóm nợ”, đại diện tập đoàn Hưng Thịnh cho biết.

Đại diện Novaland tại hội thảo cũng để xuất được cơ quan điều hành xem xét cho các tập đoàn bất động sản được tái cấu trúc nợ, giãn nợ trong vòng 24-36 tháng.

Đại diện SunGroup tại hội thảo cho biết không gặp khó khăn ở cả phương diện room tín dụng lẫn lãi suất.

Thực tế, bất động sản không thiếu vốn

Đại diện các ngân hàng tại hội nghị lại cho biết tín dụng cho bất động sản hiện đang chiếm đến 20% danh mục cho vay của các đơn vị này và chưa bao giờ có việc thiếu room.

"Cho đến hết 31/12, dư nợ bất động sản chiếm trên 20% dư nợ của ngân hàng, bao gồm cả cho vay doanh nghiệp phát triển và cá nhân. Trong năm 2022, tín dụng bất động sản tăng 17%. Do vậy ngân hàng đã không để lĩnh vực bất động sản thiếu room”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám Đốc Vietcombank chia sẻ tại hội nghị.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng giám đốc BIDV, chia sẻ, hết năm 2022, tổng dư nợ cho vay BĐS tại BIDV là 275 nghìn tỷ đồng, chiếm 18,4% tổng dư nợ tín dụng. Tỷ trọng cho vay BĐS chiếm khá lớn trong danh mục. Riêng năm 2022, dư nợ cho vay BĐS tăng 46 nghìn tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 20% so với năm trước.

Tại tọa đàm "Điểm sáng Đầu tư 2023 - FiinGroup Invest Summit" do Fiin Group phối hợp với Tạp chí kinh tế Việt Nam/ VnEconomy, vào ngày 15/02, các chuyên gia từ FiinRatings, đơn vị xếp hạng tín nhiệm nội địa thuộc FiinGroup cũng cho biết, thực tế nhiều doanh nghiệp trong ngành vẫn tiếp tục huy động được vốn trên thị trường nội địa, hoặc được giải ngân vốn vay bởi ngân hàng và thị trường nợ quốc tế, mặc dù lãi suất có phần cao hơn so với thời gian trước. 

Các chuyên gia cũng chỉ ra các đặc điểm chung của những doanh nghiệp vẫn có thể huy động được vốn đó là minh bạch thông tin về năng lực tín dụng bao gồm phương án và mục đích sử dụng vốn; có cơ hội phục hồi cao trong 12-24 tháng tới; quản trị doanh nghiệp tốt và rủi ro pháp lý thấp; và có mức độ đòn bẩy phù hợp với mô hình kinh doanh và dự phóng về dòng tiền về để đáp ứng nghĩa vụ nợ.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú tại Hội nghị tín dụng bất động sản cũng cho biết, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản vào cuối năm 2022 chiếm khoảng 21,2% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế . Năm 2022, tín dụng bất động sản tăng nhanh hơn mức tăng chung của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này ở mức cao và chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các doanh nghiệp bất động sản không sợ lãi suất cao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO