Bưu điện Mỹ 'quay xe' tiếp tục nhập 4 triệu bưu kiện giá trị thấp mỗi ngày từ Trung Quốc chỉ vài giờ sau lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump, liệu Temu và Shein có còn cơ hội?

Băng Băng | 10:28 06/02/2025

Lệnh hành pháp có hiệu lực sau 3 ngày của Tổng thống Donald Trump mà không có thông báo nào trước đó đang khiến ngành bưu chính và Hải quan Mỹ hỗn loạn.

Bưu điện Mỹ 'quay xe' tiếp tục nhập 4 triệu bưu kiện giá trị thấp mỗi ngày từ Trung Quốc chỉ vài giờ sau lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump, liệu Temu và Shein có còn cơ hội?

Tờ Fortune cho hay Công ty dịch vụ bưu chính Mỹ (USPS) mới đây đã phải đảo ngược quyết định tạm dừng các chấp nhận các gói hàng từ Trung Quốc, tức chỉ vài giờ sau lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc chấm dứt xử lý miễn thuế với các gói hàng giá trị nhỏ.

Việc USPS buộc phải chấp nhận tiếp tục nhận hàng từ Trung Quốc cho thấy sự hỗn loạn trong ngành bưu điện Mỹ khi các nhân viên đang phải vật lộn với sự thay đổi chính sách thương mại đột ngột, gây ra rối loạn ở mảng logistic, làm trễ các chuyến hàng và gây thiệt hại kinh tế.

4 triệu mỗi ngày

Ngày 1/2/2025, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh rằng tất cả các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ phải chịu thuế bắt đầu từ ngày 4/2/2025, bao gồm cả những bưu kiện có giá trị dưới 800 USD.

Trước đó những bưu kiện có giá trị nhỏ này không phải chịu thuế cũng như các khâu kiểm định nghiêm ngặt với nhiều giấy tờ như bưu kiện có giá trị lớn.

Điều khoản này mang tên De Minimis đã giúp những hãng thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc như Temu, Shein tận dụng giao hàng giá rẻ đến người dân Mỹ mà không phải trả thuế.

Quay trở lại với câu chuyện, quyết định của Tổng thống Donald Trump đã gây ra hỗn loạn tại USPS bởi Mỹ nhập khẩu đến 4 triệu bưu kiện giá trị thấp mỗi ngày, hầu hết là từ Trung Quốc, với rất ít hoặc không có kiểm tra hải quan và không thu thuế.

"Tính từ ngày 5/2/2025, USPS sẽ tiếp tục chấp nhận tất cả các thư và bưu kiện quốc tế đến từ Trung Quốc. USPS, Hải quan Mỹ và Cơ quan bảo vệ biên giới đang hợp tác chặt chẽ với nhau để triển khai cơ chế thu thập hiệu quả đối với mức thuế quan mới cho hàng Trung Quốc nhằm đảm bảo việc giao hàng bị gián đoạn ít nhất", người phát ngôn của USPS cho hay.

Phía Nhà Trắng đã chỉ trích rằng việc cho phép điều khoản De Minimis đã tạo cơ hội cho những chuyến hàng vận chuyển chất cấm vào Mỹ, trong khi nhiều công ty TMĐT tận dụng điều khoản này để trốn thuế.

Trong khi đó, các hãng vận chuyển tư nhân như FedEx và UPS cũng bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong các quy tắc hải quan, vì họ vận chuyển hàng triệu bưu kiện từ Trung Quốc đến Mỹ trên các chuyến bay thuê riêng, tách biệt với USPS.

Tuy nhiên không giống USPS buộc phải thay đổi liên tục các chính sách, hãng FedEx không dừng việc nhập hàng từ Trung Quốc sau lệnh của Tổng thống Donald Trump.

Thay vào đó, FedEx cho biết đã tập trung làm việc với khách hàng để "thích ứng với những thay đổi đáng kể do các thông báo về thuế quan gần đây gây ra" và các chuyên gia của hãng đang làm việc ngày đêm cho thủ tục thông quan.

"Chúng tôi có thể xác nhận rằng các lô hàng vẫn tiếp tục di chuyển qua mạng lưới của chúng tôi giữa Mỹ và Trung Quốc khi chúng tôi thích ứng với những thay đổi về quy định, bao gồm các lô hàng trước đây được miễn trừ De Minimis", người phát ngôn của FedEx nói.

Luật mới của Tổng thống Donald Trump không chỉ loại bỏ De Minimis mà còn áp thuế bổ sung 10% với tất cả các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Phía Bắc Kinh đã đệ đơn tranh chấp lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tuyên bố rằng mức thuế này đi ngược lại các quy tắc thương mại toàn cầu.

Các bưu kiện có giá trị thấp hơn từ Trung Quốc hiện không chỉ phải đối mặt với mức thuế 10% bổ sung mà còn phải đối mặt với nhiều mức thuế phức tạp đối với mọi loại hàng hóa mà trước đây họ đã né tránh.

Hỗn loạn

Tờ Fortune cho hay việc ngừng hoạt động bưu chính nhập hàng từ Trung Quốc là do lệnh của Tổng thống Donald Trump khi yêu cầu tất cả các lô hàng nhập khẩu từ thị trường này phải được gửi dưới dạng "nhập cảnh chính thức", với nhiều giấy tờ và lệ phí hơn.

Tuy nhiên quyết định quá vội vàng này khiến các viên chức bưu chính và Hải quan không có nhiều thời gian để chuẩn bị xem xét kỹ lưỡng nhiều bưu kiện như vậy.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump đã thêm Trung Quốc vào danh sách áp thêm thuế sau Canada và Mexico nhưng không có bất kỳ thông báo nào trước đó về lệnh cấm xử lý miễn thuế đối với các lô hàng dưới 800 USD từ bất kỳ nước nào trong 3 quốc gia trên.

Vậy là lệnh hành pháp ngày 1/2/2025 của Tổng thống Donald Trump có hiệu lực sau 3 ngày mà không có thông báo nào trước đó đã khiến ngành bưu chính và Hải quan Mỹ rơi vào hỗn loạn vì quá bất ngờ.

Sau đó, Tổng thống Donald Trump bất ngờ đình chỉ lệnh áp thuế bổ sung với Canada và Mexico nhưng vẫn giữ nguyên thuế quan và dẹp bỏ quy tắc De Minimis đối với Trung Quốc.

Nghị viên Linda T. Sánchez cho hay Tổng thống Donald Trump có sự ủng hộ của lưỡng đảng tại Nghị viện Mỹ nhưng việc ký lệnh hành pháp mà bỏ qua Nghị viện mới đây đã khiến "USPS và Hải quan Mỹ quan phải loay hoay giải quyết mớ hỗn độn".

Theo bà Sánchez, việc ký các sắc lệnh mà không cân nhắc đến những tác động lâu dài của chúng hoặc cách chúng sẽ được thực hiện sẽ gây ra sự hỗn loạn.

Trên thực tế, những chính trị gia ủng hộ De Minimis cho hay việc loại bỏ điều khoản này sẽ làm tăng gánh nặng cho các viên chức Hải quan Mỹ.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch Ralph Carter của FedEx vào tháng 10/2024 đã cảnh báo ngành Hải quan Mỹ có thể bị quá tải dẫn đến tắc nghẽn vận chuyển nếu De Minimis bị loại bỏ.

"Nếu chúng tôi chuyển đổi hàng triệu lô hàng giá trị thấp từ De Minimis sang thành thông quan chính thức, thì chúng tôi sẽ gặp phải tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng trong chuỗi cung ứng,vì đơn giản là không có đủ nguồn lực để xử lý. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nhà nhập khẩu chứ không riêng gì những nhà nhập khẩu De Minimis", ông Carter cảnh báo.

Tương tự hãng DHL, một công ty hậu cần nổi tiếng cho biết việc áp dụng thuế quan đối với các lô hàng có giá trị thấp vào Mỹ sẽ buộc công ty phải đánh giá lại quy trình xử lý các gói hàng.

Theo giám đốc John Pickel của Hội đồng Thương mại Đối ngoại Quốc gia (NFTC) cho hay De Minimis bao gồm nhiều nguồn cung đầu vào cho các nhà máy Mỹ chứ không riêng gì tiêu dùng, qua đó có thể ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

"Chúng ta không chỉ nói về những chiếc váy 5 USD hay các loại quần áo giá rẻ mà còn đang nói về đầu vào thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng kinh tế Mỹ", giám đốc Pickel nhận định.

Gấp 10 lần

Shein và Temu là hai trong số những công ty TMĐT lớn nhất kết nối các nhà máy Trung Quốc giá rẻ với hàng triệu hộ gia đình Mỹ. Bởi vậy đây là những hãng chịu ảnh hưởng nhất từ quyết định của Tổng thống Donald Trump.

Trên thực tế, sự bùng nổ của TMĐT hàng giá rẻ trong nhiều năm đã tạo nên tình thế lưỡng nan cho Hải quan Mỹ.

Kể từ năm 2016, cơ quan này đã bị ngập trong các gói bưu kiện từ Trung Quốc nên đã đề nghị chính phủ nâng tiêu chuẩn De Minmis từ 200 USD lên thành 800 USD, nghĩa là những gói hàng có giá trị dưới con số này sẽ được thông quan dễ dàng hơn, giảm bớt áp lực cho nhân viên.

Đồng thời, việc thay đổi này khiến hàng triệu hộ gia đình Mỹ tiếp cận được nhiều hàng giá rẻ hơn từ Trung Quốc qua Temu và Shein.

Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực dệt may tại Mỹ lại phản đối vì cho rằng động thái này làm suy giảm khả năng cạnh tranh của họ trên chính sân nhà.

Sau khi De Minimis được thay đổi vào năm 2016, số bưu kiện giá trị nhỏ nhập khẩu vào Mỹ đã tăng gấp 10 lần, gây ra tranh cãi lớn.

Hiện vẫn chưa rõ Tổng thống Donald Trump có đạt được thỏa thuận nào với Trung Quốc về việc loại bỏ De Minimis hay không

Vẫn chưa biết liệu ông Trump có đạt được thỏa thuận với các viên chức Trung Quốc để có thể tạm dừng biện pháp này hay không nhưng rõ ràng, ngành bưu điện và Hải quan Mỹ lại đang khá vất vả để theo kịp các chính sách bất ngờ này.

*Nguồn: Fortune, CNN, CNBC


(0) Bình luận
Bưu điện Mỹ 'quay xe' tiếp tục nhập 4 triệu bưu kiện giá trị thấp mỗi ngày từ Trung Quốc chỉ vài giờ sau lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump, liệu Temu và Shein có còn cơ hội?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO