Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Thủ tục giải ngân vốn ODA còn phức tạp, kéo dài

PV (TH) | 12:21 06/11/2023

Trong phiên chất vấn các thành viên Chính phủ sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sử dụng nguồn vốn ODA, công nghệ khai thác và chế biến đất hiếm, những vấn đề liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Thủ tục giải ngân vốn ODA còn phức tạp, kéo dài
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thủ tục điều chỉnh lại kéo dài 2 năm. (Ảnh: Quốc hội)

Cần chế biến sâu đất hiếm

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đặt vấn đề về chiến lược đột phá để thu hút đầu tư, tìm kiếm công nghệ khai thác và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực phát triển chíp bán dẫn. Theo Đại biểu Xuân, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam khai thác, tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng chip bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, sản lượng chỉ có 1.000 tấn/năm do chưa có công nghệ khai thác, sản xuất, chế biến sâu, trong khi các nước giữ bí quyết công nghệ độc quyền. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu chính sách phát triển đột phá trong lĩnh vực này nhất là thu hút đầu tư, phát triển nhân lực chất lượng cao và cải cách thể chế.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết đất hiếm là rất cần thiết cho phát triển công nghệ bán dẫn, trữ lượng của nước ta cho thấy sự cần thiết khai thác hiệu quả nguồn kháng sản này. Trước hết, nước ta cần tập trung thu hút đầu tư với các nước có trình độ cao trong lĩnh vực này như Nhật, Mỹ; cần có chính sách chế biến sâu, không xuất thô loại khoáng sản này.

"Quan trọng nhất phải phát triển ngành bán dẫn ở Việt Nam, tham gia chuỗi cung ứng và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên sẵn có và tập trung nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực này để đào tạo nhân lực", ông Dũng nói.

Trả lời về các chính sách hỗ trợ Chính phủ đã ban hành trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã ban hành 2 chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp. Theo đó, Nghị định số 58 về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi, phát triển nhanh và bền vững đến năm 2025.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết 105 năm 2023 về giải pháp để tháo gỡ cho khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Đây là 2 chính sách rất quan trọng nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh, bền vững, đáp ứng phát triển kinh tế chung...

Thủ tục điều chỉnh dự án ODA mất 1-2 năm

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Halcom Việt Nam, nói Nghị quyết 41 của Quốc hội yêu cần khẩn trương xây dựng luật để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư kinh doanh trong năm 2021, sửa đổi quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư làm rõ công tác này đã được thực hiện như thế nào và ảnh hưởng gì đến tiến độ giải ngân vốn ODA.

Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đã ban hành 2 nghị định hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi thích ứng; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và gỡ vướng mắc thủ tục hành chính.

Về dự án ODA, ông Dũng cho rằng tiến độ vẫn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là các dự án có quy trình, thủ tục phức tạp hơn ở cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, quy định của nhà tài trợ nước ngoài phức tạp; điều chỉnh hiệp định vay, khoản vay mất rất nhiều thời gian.

"Các dự án sau khi hoàn tất các thủ tục, mà có sự điều chỉnh lại phải lặp lại vòng thủ tục cả trong nước và các hiệp định, mỗi dự án phải mất ít nhất hai năm để hoàn tất thủ tục, nếu phải điều chỉnh lại mất quy trình 1-2 năm nữa. Bộ sẽ nghiên cứu căn cơ hơn nữa, hài hòa thủ tục trong và ngoài nước, vừa đảm bảo chặt chẽ mà rút ngắn thời gian so với hiện nay”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư: Thủ tục giải ngân vốn ODA còn phức tạp, kéo dài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO