Bộ phận được gọi là “tay hòm chìa khóa” ở Nhật Bản có thể châm ngòi cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán?

Yến Nguyễn | 16:45 14/12/2023

Các hộ gia đình Nhật Bản nắm giữ 14.700 tỷ USD tài sản, trong đó 7.700 tỷ USD được giữ dưới dạng tiền mặt và tiền gửi.

Bộ phận được gọi là “tay hòm chìa khóa” ở Nhật Bản có thể châm ngòi cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán?
Ảnh: FT

Có khoảng 325.000 phụ nữ đã kết hôn ở Nhật Bản mang họ Watanabe, tương đương với số phụ nữ mang họ Itos và Suzuki.

Nhưng vì lý do nào đó và trong nhiều thập kỷ, “bà Watanabe” đã được chọn làm biểu tượng cho tất cả các hộ gia đình Nhật Bản, có quyền ra quyết định quan trọng và kiểm soát hầu bao của gia đình.

Trong nhiều năm kể từ thời kỳ tăng trưởng “thần kỳ” của Nhật Bản vào những năm 1970 và 1980, sức mạnh tài chính của “bà Watanabe” đã thu hút tất cả mọi người, từ các đơn vị quản lý ngân hàng, nhà bán lẻ vàng, cho đến các nhà giao dịch trái phiếu ở Phố Wall. Ngày nay, hơn bao giờ hết, mọi người đều muốn biết động thái tiếp theo của “bà Watanabe”.

Ngay cả sau 30 năm khó khăn, các hộ gia đình Nhật Bản vẫn nắm giữ 2,1 triệu tỷ yên (14.700 tỷ USD) tài sản, trong đó 7.700 tỷ USD được giữ dưới dạng tiền mặt và tiền gửi. Ngược lại, các hộ gia đình ở Mỹ và Anh lần lượt nắm giữ 13% và 31% tiền gửi.

Tính theo giá trị quốc gia, chỉ riêng khoản tiết kiệm tiền mặt của hộ gia đình Nhật Bản đã tương đương với tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Đức và Ấn Độ cộng lại. Về mặt doanh nghiệp, “bà Watanabe” có thể mua Apple, Microsoft và Saudi Aramco bằng số tiền trong ngân hàng.

Khi giá cả ở Nhật Bản đình trệ trệ hoặc sụt giảm gần như trong 25 năm qua, việc các hộ gia đình thích giữ phần lớn tiền tiết kiệm bằng tiền mặt là hợp lý. Cuộc thử nghiệm lâu dài của ngân hàng trung ương với lãi suất cực thấp, bắt đầu từ cuối những năm 1990, khiến các hộ gia đình không thu được bất kỳ đồng lãi nào. Nhưng tài sản của họ cũng không bị xói mòn chừng nào các công ty Nhật Bản còn kìm hãm việc tăng giá.

Nhưng khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản tăng giá trong vài năm qua, “bà Watanabe” đã bước sang một thời điểm quan trọng.

Peter Tasker, chuyên gia của Arcus Research có trụ sở tại Tokyo, cho biết: “Nếu các hộ gia đình phải chịu sự suy giảm về giá trị tiền mặt, họ sẽ phải làm những gì phần còn lại của thế giới làm và chuyển sang đầu tư vào các tài sản thực như cổ phiếu hoặc bất động sản”.

Sau nhiều năm thất bại trong việc thúc đẩy sự chuyển hướng đó, chính phủ Nhật Bản vừa đưa ra một động lực chưa từng có. Từ tháng 1/2024, dưới chương trình Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân Nhật Bản (NISA) mở rộng, các khoản đầu tư cổ phần cá nhân sẽ được miễn thuế trọn đời. Hiện, các hộ gia đình Nhật Bản chỉ nắm giữ 24% (17% trực tiếp và 7% thông qua lương hưu) tài sản dưới dạng cổ phiếu – thấp hơn nhiều so với mức 54% ở Anh và 75% ở Mỹ.

Điều này đặt ra một trong những câu hỏi lớn nhất về thị trường chứng khoán Tokyo: Phải chăng những hộ gia đình sắp trở thành những nhà đầu tư thực thụ và có khả năng gây biến động giá trên thị trường chứng khoán trong nước?

Các nhà phân tích tại AllianceBernstein dự đoán với kịch bản tương đối tích cực, thì chỉ 2% tài sản tiết kiệm được tái đầu tư có thể tạo ra dòng vốn 150 tỷ USD vào cổ phiếu. Nếu điều đó xảy ra, sẽ tạo ra một sự chuyển động của thị trường.

Khoản tiền mặt trị giá 7.700 tỷ USD chủ yếu thuộc về người trung niên và người già. Tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình của Nhật Bản đã giảm từ khoảng 17% thu nhập khả dụng vào đầu những năm 1980 xuống còn khoảng 3% vào đầu những năm 2000.

"Nếu lạm phát tiếp tục kéo dài thì các hộ gia đình Nhật Bản ở giai đoạn nào đó sẽ cần phải tái đầu tư vào những tài sản có thể tạo ra lợi nhuận cao hơn bằng đồng yên”, Bruce Kirk, chiến lược gia cổ phiếu Nhật Bản tại Goldman Sachs, cho biết.

Năm nay, nhờ hoạt động marketing mạnh mẽ, các cá nhân đã mở hơn 2,5 triệu tài khoản mới tại ba công ty môi giới chứng khoán trực tuyến lớn nhất Nhật Bản. Nếu chính phủ thành công trong mục tiêu 34 triệu tài khoản được mở mới trong 5 năm, tổng dòng vốn vào cổ phiếu có thể lên tới hàng trăm tỷ USD.

Stefanie Drews, chủ tịch Nikko Asset Management, nói rằng thách thức quan trọng nhất sẽ nằm ở việc thu hẹp khoảng cách giữa những người có kinh nghiệm đầu tư và những người không có kinh nghiệm đầu tư khi mà hiện chỉ có khoảng 20% cá nhân Nhật Bản có thể được coi là nhà đầu tư. Ngoài ra còn có sự khác biệt thế hệ qua việc đầu tư khi nhiều hộ gia đình trẻ học cách đầu tư thông qua mạng xã hội.

Các nhà môi giới cho biết cũng có sự hoài nghi đối với cổ phiếu Nhật Bản. Nhiều cá nhân làm việc cho các công ty Nhật Bản đều nghĩ là các doanh nghiệp thường không hoạt động vì lợi ích của các cổ đông. Vậy nên đó không nhất thiết được coi là nơi hấp dẫn để đầu tư.

Các nhà môi giới cũng lưu ý khả năng rằng người Nhật sẽ sử dụng chương trình NISA mở rộng và ưu đãi miễn thuế trọn đời không phải để mua cổ phiếu Nhật Bản mà để mua các sản phẩm bằng đồng yên và giúp họ tiếp cận với cổ phiếu Mỹ.

Nguồn: Financial Times

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Bộ phận được gọi là “tay hòm chìa khóa” ở Nhật Bản có thể châm ngòi cho sự bùng nổ của thị trường chứng khoán?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO