Công ty CP Y Dược phẩm Vimedimex (HoSE: VMD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu thuần đạt 1.115,7 tỷ đồng, giảm tới 41% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm 40,5% so với cùng kỳ chỉ còn 87,3 tỷ đồng.
Trong kỳ kinh doanh, hoạt động tài chính của doanh nghiệp cũng ghi nhận giảm mạnh 71% so với cùng kỳ về còn 4,3 tỷ đồng, tương ứng giảm 10,5 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp ở mức 84,8 tỷ đồng, giảm 65,9 tỷ đồng so với cùng kỳ, mức giảm 43,8%; lợi nhuận khác giảm 94,6% về còn 21,8 triệu đồng. Các khoản mục khác biến động không đáng kể.
Nhờ tiết giảm các loại chi phí, nên đến hết quý 1, lợi nhuận trước thuế của Vimedimex vẫn tăng 13% so với cùng kỳ, đạt 6,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế giảm 200 triệu đồng còn 3,9 tỷ đồng.
Về phần nợ phải trả, tổng nợ của công ty giảm 77 tỷ đồng so với đầu kỳ còn 2.557,8 tỷ đồng. Trong đó, vay nợ tài chính ngắn hạn phát sinh trong kỳ có giá trị 30 tỷ đồng cho vay bởi Ngân hàng TNHH MTV ANZ. Khoản vay ngân hàng ANZ được đảm bảo bằng quyền ưu tiên thanh toán thứ nhất đối với các khoản phải thu của Bên vay với giá trị sổ sách tương đương 500 tỷ đồng.
Khoản mục phải trả người bán ngắn hạn giảm 7% xuống còn 1.778,8 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Vimedimex là Công ty TNHH DKSH Pharma Việt Nam với gần 702 tỷ đồng. Kế đến là Công ty TNHH Boehringer Ingelheim Việt Nam với 421 tỷ đồng, Công ty TNHH Johnson & Johnson với 291 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/3/2023, tổng tài sản của Vimedimex đạt 2.987 tỷ đồng, giảm 69 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn khác đạt 1.459 tỷ đồn, chiếm 48,8% tổng tài sản; khoản hàng tồn kho ở mức 922 tỷ đồng, có giá trị 30,8% tổng tài sản. Khoản đầu tư tài chính đến cuối kỳ ở mức 50,5 tỷ đồng, chiếm 1,7% tổng tài sản với chủ yếu là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn 42,6 tỷ đồng và khoản đầu tư tài chính dài hạn 7,9 tỷ đồng, đồng loạt giảm nhẹ so với đầu kỳ.
Hoạt động kinh doanh của VMD cũng ghi nhận nhiều biến động khi loạt lãnh đạo của công ty có sự thay đổi.
Cụ thể, ngày 16/11/2021, Vimedimex đã miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với bà Nguyễn Thị Loan. Một trong những nguyên nhân khiến bà Nguyễn Thị Loan rời ghế Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex do vướng vào sai phạm trong đấu giá đất cùng 8 đồng phạm khác tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Để thay thế vị trí của bà Loan, HĐQT Vimedimex đã bổ nhiệm Thành viên HĐQT là Trần Đình Huynh vào vị trí Chủ tịch HĐQT cho đến khi công ty tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường.
Dưới thời bà Loan, kể từ năm 2013 Vimedimex liên tục duy trì vị thế đứng đầu trong Top 10 công ty phân phối dược phẩm uy tín trên thị trường Việt Nam. Trong nhiều năm liên tiếp từ năm 2013 đến năm 2020, công ty liên tục trả cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 20%/năm. Tuy nhiên, sau khi có thông tin bà Loan bị bắt, cổ phiếu Vimedimex đã liên tục giảm sàn đưa cổ phiếu từ 83.190 đồng/ cổ phiếu về vùng giá 24.080 đồng/ cổ phiếu trong 5 tháng, thanh khoản giảm mạnh.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng miễn nhiệm chức vụ của loạt phó tổng giám đốc như ông Nguyễn Luy Xít, bà Nguyễn Thị Thanh Lan, bà Tạ Thị Thùy Trang, ông Nguyễn Minh Sơn, ông Bế Công Sơn, ông Kiều Huy Hoàng, ông Phạm Ngọc Quân.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VMD của Vimedimex ngày hôm nay (10/5) giảm 0,6% về mức 25.000/ cổ phiếu, thanh khoản ở mức 12.400 cổ phiếu. Trước đó, công ty đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) nhắc nhở chậm công bố báo cáo thường niên 2022 hai lần, một lần vào ngày 5/5 và một lần ngày 21/4.