Biến động "dữ dội" trong Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022: Dược Hậu Giang, Traphaco vững ngôi vương, Pharmacity lần đầu lọt top

Chi Tú | 14:49 24/11/2022

Trong nhóm phân phối, Tổng công ty dược Việt Nam - CTCP từ vị trí thứ 3 trong năm ngoái đã trở thành á quân trong năm nay và Dược liệu Trung ương 2 bị "đẩy" xuống vị trí thứ 8 thay vì vị trí thứ 2 như năm trước.

Biến động "dữ dội" trong Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022: Dược Hậu Giang, Traphaco vững ngôi vương, Pharmacity lần đầu lọt top

Ngày 24/11/2022, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố các bảng xếp hạng doanh nghiệp trong ngành Dược.

Top 10 Công ty Dược uy tín được đánh giá, xếp hạng dựa trên 3 tiêu chí chính:

(i) Năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất.

(ii) Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding - mã hóa các bài viết về công ty trên các kênh truyền thông có ảnh hưởng.

(iii) Khảo sát các đối tượng liên quan được thực hiện trong tháng 10-11/2022.

Top 10 Công ty sản xuất dược phẩm uy tín: Dược Hậu Giang dẫn đầu

gh.jpg

Ở nhóm ngành sản xuất dược phẩm, tuy những cái tên không thay đổi so với bảng xếp hạng năm trước nhưng vị trí đã biến động "dữ dội".

Mặc dù vậy, Dược Hậu Giang và Traphaco vẫn giữ nguyên ngôi vị số 1 và số 2. Trong khi đó,  Sanofi Aventis Việt Nam vươn từ vị trí thứ 6 ở BXH năm ngoái lên vị trí thứ 3 trong năm nay - đổi thứ hạng cho Pymepharco. 

Top 10 Công ty phân phối, kinh doanh dược phẩm; trang thiết bị, vật tư y tế: VNVC giành top 1

htrd.jpg

Giống như năm 2021, CTCP Vacxin Việt Nam vẫn xếp hạng số 1 đơn vị uy tín nhất ở nhóm ngành phân phối, kinh doanh dược phẩm, trang thiết bị y tế năm 2022.

Trong khi đó, Tổng công ty dược Việt Nam - CTCP từ vị trí thứ 3 trong năm ngoái đã trở thành á quân trong năm nay và Dược liệu Trung ương 2 bị "đẩy" xuống vị trí thứ 8 thay vì vị trí thứ 2 như năm trước khi mà đánh giá tài chính và đánh giá qua khảo sát có phần ngang bằng Tổng công ty dược Việt Nam nhưng đánh giá truyền thông kém hơn hẳn.

Trong nhóm này, gương mặt đạt chỉ số cao nhất xét theo tiêu chí tài chính là Công ty TNHH Dược phẩm Khương Duy, đứng ở top 4 chung cuộc. Năm ngoái, Khương Duy đứng thứ 8.

2 gương mặt mới lọt top là Dược phẩm Việt Hà và chuỗi Pharmacity. Theo thông tin từ nhà đầu tư Mekong Capital của chuỗi này, tại cuối quý 3, Pharmacity đã giảm số cửa hàng từ 1.148 xuống còn 1.073 nhà thuốc. Ngày 1/9, nhà sáng lập Chris Blank đã chính thức rời khỏi vị trí Tổng Giám đốc và đại diện pháp luật. 3 tuần sau đó, Công ty chính thức công bố tân tổng giám đốc là bà Trần Tuệ Tri. 

Chuỗi Pharmacity cũng vừa đón thêm nhà đầu tư chiến lược mới là SK Group (tập đoàn đầu tư lớn đến từ Hàn Quốc), cùng với Mekong Capital và TR Capital.

Top 5 Công ty Đông dược Việt Nam uy tín: Traphaco giữ vững ngôi vương

1.jpg

Với nhiều dấu ấn lớn trong mảng đông dược sau 50 năm hoạt động, Traphaco tiếp tục giữ vững ngôi vương ở bảng xếp hạng công ty đông dược uy tín nhất Việt Nam.

CTCP dược phẩm OPC, CTCP dược phẩm Nam Hà, CTCP Nam Dược tiếp nối các thứ hạng, và khép lại top 5 là Dược phẩm Tâm Bình.

Tổng quan thị trường chăm sóc sức khỏe và dược phẩm năm 2022

Theo thống kê, thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đạt giá trị 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6,0% GDP. Tổng chi tiêu cho y tế tăng từ 16,1 tỷ USD vào năm 2017 lên hơn 20 tỷ USD năm 2021, dự kiến đạt 23,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR (2020-2030) là 7,6%. Chi tiêu cho dược phẩm cũng tăng đến hơn 6,6 tỷ USD trong năm 2021.

Còn theo khảo sát của Vietnam Report triển khai trong tháng 10-11/2022, gần 90% số doanh nghiệp sản xuất, phân phối và kinh doanh dược phẩm cho biết doanh thu tăng lên, gần 80% số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Sau khi chứng kiến mức giảm liên tục trong 9 tháng cuối năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành thuốc, hóa dược và dược liệu đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trưởng trở lại trong quý I/2022, khởi sắc vào quý II với mức tăng trưởng 24,6% - gần đạt mức tăng trưởng so với cùng thời điểm năm 2020 khi đại dịch chưa bùng phát tại Việt Nam. Lũy kế 9 tháng đầu năm, chỉ số này đạt tăng trưởng 18,3%.

Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, xung đột Nga – Ukraine kéo theo khủng hoảng năng lượng và nhiều nền kinh tế lớn đang rơi vào suy thoái, ngành dược phẩm cũng chịu những tác động không nhỏ.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, top 4 thách thức ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành bao gồm: Rủi ro từ chuỗi cung ứng, chi phí hậu cần gia tăng; cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong ngành; sự leo thang chi phí nguyên liệu thô; và sức ép từ tỷ giá gia tăng.

Doanh thu từ dược phẩm trong nước sẽ đạt trên 7,5 tỷ USD

IQVIA dự báo đến năm 2025, thị trường dược phẩm toàn cầu được thiết lập trị giá 1,7 nghìn tỷ USD (theo giá nhà sản xuất) còn Fitch Solutions ước tính doanh thu từ dược phẩm trong nước sẽ đạt trên 7,5 tỷ USD, chiếm gần 1,8% GDP.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, 69,2% số doanh nghiệp trong ngành có niềm tin rõ rệt vào triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2023 và 42,9% số doanh nghiệp tỏ ra lạc quan vào triển vọng ngành Dược trong năm tới.

Về cơ cấu, thuốc kê đơn được dự báo đạt 5.754 tỷ USD vào năm 2025, chiếm tỷ trọng đáng kể là 76,6% tổng doanh thu bán thuốc với tốc độ tăng trưởng kép CAGR (2020-2025) đạt 8,4% (theo Fitch Solution).

Về lĩnh vực điều trị, nhu cầu đối với hai nhóm sản phẩm tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng và điều trị, hỗ trợ điều trị ung thư có xu hướng gia tăng lớn nhất trong tối thiểu một năm tới, đạt 85,7%.

Vietnam Report chỉ ra Top 3 chiến lược mà doanh nghiệp dược dự kiến sẽ tập trung trong giai đoạn bình thường tiếp theo bao gồm: Nghiên cứu các sản phẩm thuốc mới, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Biến động "dữ dội" trong Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2022: Dược Hậu Giang, Traphaco vững ngôi vương, Pharmacity lần đầu lọt top
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO