Khi còn là một cậu bé 10 tuổi lớn lên ở Athens, Hy Lạp, Alex Symeonoglou đã có sở thích xem những chương trình về thị trường chứng khoán. "Tôi không hiểu gì cả, nhưng tôi cực kỳ thích xem nó," anh nói.
Cho đến khi trở thành sinh viên đại học ở Anh năm 2004, Symeonoglou vẫn tiếp tục niềm đam mê đó. Anh theo dõi cổ phiếu hàng ngày và thậm chí còn cùng bố anh tham gia vào các khoản đầu tư. Đến nay, đầu tư với Symeonoglou đã trở thành một "nghề tay trái".
"Tôi chia sẻ điều đó với tất cả bạn bè và gia đình của mình," anh nói. Ở tuổi 34, Symeonoglou đã tích lũy được một khoản đầu tư trị giá 410.795 USD.
Khi không theo dõi thị trường chứng khoán, Symeonoglou làm trợ lý chiến lược và giám đốc nhân sự cho một công ty dược phẩm lớn ở London và kiếm được khoảng 181.000 USD/năm. Khoản thu nhập này đã bao gồm tiền lương cơ bản, tiền thưởng, cũng như 9.311 USD từ tiền trợ cấp ôtô hàng năm của công ty - một đặc quyền không phổ biến ở Anh và tiền "bán" các ngày nghỉ phép mỗi năm.
Cách Alex Symeonoglou phân bổ chi tiêu
Dưới đây là cách Symeonoglou phân bổ chi tiêu kể từ tháng 7 năm 2021:
Tiết kiệm: 2.888 USD được đóng vào kế hoạch lương hưu mỗi tháng, bằng 27% tiền lương mỗi năm trước thuế. Phía công ty của Symeonoglou sẽ đóng 8% theo quy định.
Đầu tư: Tổng cộng 2.602 USD. Trong đó phần lớn gồm 2.396 USD được chuyển vào các khoản đầu tư chịu mức thuế thấp là ISA hoặc tài khoản tiết kiệm cá nhân. Ngoài ra, Symeonoglou đóng góp 205 USD tiền lương trước thuế của mình vào tài khoản cổ phiếu công ty.
Chi phí nhà ở: Tổng 2.294 USD. Bao gồm 1.976 USD mỗi tháng cho khoản thế chấp, 201 USD cho phí bảo trì căn hộ và 116 USD cho thuế.
Ăn uống: 733 USD, bao gồm tiền mua hàng tạp hóa, ăn ngoài, hay những khoản lặt vặt khác.
Xe hơi: 170 USD bao gồm tiền bảo hiểm và tiền xăng.
Thể thao: 122 USD cho hội phí CLB và thẻ gym.
Sinh hoạt và tiện ích khác: 217 USD, bao gồm Netflix, mua hàng online, Wi-Fi và điện nước sinh hoạt.
Bảo hiểm: 11 USD cho bảo hiểm răng miệng.
Ở tuổi 34, Symeonoglou đã mua một căn hộ 2 phòng ngủ ở Maidenhead, Berkshire, vào năm 2015. Anh ấy quyết định mua ở Maidenhead vì nó đủ gần để lái xe đến London. Điều này cũng giúp anh có thể kiếm được một khoản tiền thay vì chọn sống ở thành phố đắt đỏ bậc nhất thế giới.
Symeonoglou mua căn hộ này với giá 383.340 USD, cộng thêm khoản phí 20.540 USD cho chỗ đậu xe của tòa nhà. Anh đã đặt cọc 123.238 USD cho căn hộ và vay thế chấp trong 13 năm. Theo dự tính của Symeonoglou, anh ấy sẽ cố gắng trả hết số tiền đó trong vòng 9 năm vì không muốn mắc nợ. Tuy nhiên, anh ấy không có kế hoạch sống ở đó lâu dài.
"Nếu mọi việc suôn sẻ, tôi sẽ chuyển sang một căn hộ hoặc ngôi nhà khác, dù ở Anh hay nước ngoài và sẽ cho thuê căn hộ đó để có một khoản thu nhập thụ động", anh nói.
Tư duy tiết kiệm
Symeonoglou sống ở Athens cho đến khi vào đại học năm 18 tuổi. Anh học kinh doanh, tiếp thị, kinh tế và tài chính tại Đại học Lancaster ở Anh trước khi quay trở lại Hy Lạp để phục vụ trong quân đội - nghĩa vụ bắt buộc đối với nam giới từ 19 đến 45 tuổi ở quốc gia này. Sau khi phục vụ trong hải quân được 11 tháng, Symeonoglou bắt đầu kinh doanh drop shipping và nhập khẩu thực phẩm bổ sung dinh dưỡng tại Hy Lạp từ năm 2008 đến năm 2011.
Căn hộ của Alex Symeonoglou nằm tại Maidenhead, Berkshire, Anh.
Khi nói đến quản lý tiền bạc, bố luôn là hình mẫu lý tưởng của Symeonoglou. Ông ấy không chỉ dạy Symeonoglou cách quản lý tiền bạc mà còn dạy anh tầm quan trọng của việc chi tiêu ít hơn so với mức thu nhập và không sử dụng tiền để phô trương, khoe mẽ. Nhờ đó, Symeonoglou luôn tuân thủ nghiêm ngặt kế hoạch chi tiêu hàng tháng của mình.
Tuy nhiên, đôi khi anh ấy cũng có những "khoản phung phí bất ngờ", chẳng hạn như khi mua chiếc Audi vào tháng 7 năm 2019. Mặc dù mua được chiếc xe này với giá "hời" nhưng Symeonoglou cũng phải thừa nhận rằng đó là thứ không quá cần thiết và số tiền mà anh đã bỏ ra có thể sẽ được dùng tốt hơn nếu dành để đầu tư hoặc tiết kiệm."
Phương pháp đầu tư
Để nắm rõ các khoản đầu tư của mình, Symeonoglou cho biết anh luôn kiểm tra tin tức và xem xét giá cổ phiếu nhiều lần trong ngày.
"Một trong những nguyên tắc quan trọng nhất khi đầu tư là tôi phải thực sự hiểu công ty đó", anh nói.
Khi mua cổ phiếu của một công ty riêng lẻ, Symeonoglou luôn đánh giá hoạt động hiện tại, cách họ sẽ hoạt động trong tương lai và những con số cụ thể của công ty đó, chẳng hạn như doanh thu và số nợ. Anh ấy ưu tiên cho những công ty có sự tăng trưởng dài hạn và tránh các "mẹo làm giàu".
Symeonoglou nói: "Tôi không hề cố gắng kiếm lợi nhuận nhanh chóng hay trở thành tỷ phú chỉ trong một tháng."
Anh cho rằng "khả năng kiểm soát cảm xúc" rất quan trọng khi đầu tư và đã học cách giữ bình tĩnh bất chấp sự biến động về giá cổ phiếu của mình. Tuy nhiên, Symeonoglou thường đầu tư vào các quỹ chỉ số (index fund), ít rủi ro hơn và có xu hướng hoạt động tốt hơn so với việc chủ động chọn cổ phiếu. Tất cả các khoản đầu tư mới của Symeonoglou trong năm 2021 đều vào các quỹ chỉ số và anh ấy có kế hoạch bán dần tất cả các cổ phiếu riêng lẻ để chuyển sang kênh này.
Symeonoglou nói rằng một trong những sai lầm lớn nhất mà anh ấy mắc phải là đầu tư vào những công ty mà anh ấy không hiểu rõ về họ. Sai lầm này đôi khi khiến anh ấy mất tới 60% số tiền đã đầu tư. Ngoài việc thăng tiến trong sự nghiệp, Symeonoglou cũng muốn thử sống ở một quốc gia khác và lập gia đình.
Theo thời gian, Symeonoglou nhận ra rằng bên cạnh việc tập trung vào sự nghiệp, thì có một gia đình hạnh phúc cũng là điều quan trọng anh đấy muốn hướng đến trong tương lai. Và không giống như những người muốn nghỉ hưu sớm, Symeonoglou có kế hoạch làm việc qua 66 tuổi - tuổi nghỉ hưu điển hình ở Anh.
"Một trong những điều tôi thích khi làm việc không phải là tiền bạc hay chức vụ, mà đó thực sự là cơ hội để trở nên hữu ích và tạo ra ảnh hưởng trong cuộc sống của tôi", anh giải thích.
(Theo CNBC)