Tại buổi đối thoại, ông Đinh Tiến Dũng Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh; “Chính quyền Thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo kiến nghị của doanh nghiệp. Tiếp tục bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, không kể quy mô lớn nhỏ hay ngành nghề kinh doanh, lĩnh vực hoạt động”.
Ông Đinh Tiến Dũng còn bày tỏ, trong cuộc chiến chống covid -19 vừa qua, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, Thành phố đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch theo phương châm từ sớm, từ xa và luôn chuẩn bị các điều kiện, các phương án phòng, chống dịch bệnh ở cấp độ cao hơn để tránh bị động, bất ngờ trong mọi tình huống của dịch bệnh…. Đến nay Hà Nội đã cơ bản đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh và đang từng bước thiết lập trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả tình hình dịch bệnh, đưa Thủ đô trở lại trạng thái bình thường mới.
Với phương châm lấy doanh nghiệp và người dân là trung tâm phục vụ, Hà Nội đã và đang tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết thêm, đến nay Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đứng thứ 2 trong cả nước và chiếm tới 23,7% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước; các doanh nghiệp góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách Nhà nước, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Nhìn lại chặng đường từ đầu năm 2021 đến nay, ông Đinh Tiến Dũng cho rằng, Covid -19 đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội của Thủ đô. Tổng sản phẩm GRDP của Thành phố 9 tháng đầu năm 2021 tuy vẫn tăng trưởng dương 1,28% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn so với kế hoạch đề ra. Mặc dù trong 10 tháng năm 2021, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở tăng 76%, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm 10%, doanh nghiệp giải thể tăng 26%, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Thời gian qua hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị đình trệ, một số chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ bị gián đoạn. Việc giao thương hàng hóa, đi lại của các doanh nhân, các chuyên gia, người lao động cũng gặp nhiều khó khăn và bị xáo trộn…
Để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Thành phố khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh, Thành phố Hà Nội cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, các Hiệp hội.
Đây cũng sẽ là cơ sở quan trọng để Hà Nội thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.