Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam hậu Covid - 19?

Hoàng Đàn | 11:00 05/11/2021

“Bất chấp tất cả những thách thức mà chúng ta đã trải qua gần đây, chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng tương lai của Việt Nam vẫn tươi sáng…” ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam hậu Covid - 19?
Việt Nam vẫn là một gợi ý tốt dành cho các nhà đầu tư toàn cầu.

Tại buổi hội thảo trực tuyến “Ngày Việt Nam – Mở cửa Cơ hội Kinh doanh” do Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC Việt Nam tổ chức vừa qua một nhận định được các chuyên gia đưa ra là kinh tế Việt Nam sẽ dần hồi phục trong 6 tháng tới và tăng trưởng bùng nổ trở lại từ nửa sau năm 2022.

Đi qua những ngày u tối

Tại Hội thảo, các chuyên gia của HSBC cho rằng, dường như nền kinh tế đã tìm ra cách để thoát khỏi những ngày u tối và thời gian để các lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện quá trình chuyển đổi và có những trọng tâm mới đã bắt đầu.

Ông Warrick Cleine, Giám đốc điều hành do KPMG cho biết, cuộc khảo sát mà KPMG thực hiện từ tháng 4/2020 đến tháng 4/2021 cho thấy niềm tin của các lãnh đạo doanh nghiệp đã hồi phục và họ tin tưởng nhiều hơn vào sự trở lại của trạng thái bình thường.

Cũng theo ông Warrick Cleine, có một thay đổi khác được ghi nhận là tư duy của các lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là từ việc chỉ tập trung vào sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, cũng như sự sống còn của doanh nghiệp, giờ đây, các lãnh đạo doanh nghiệp đã trở lại với tư duy phát triển, trong khi một số người cũng đã bắt đầu tập trung vào các cơ hội tăng trưởng tự thân.

Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công của thời đại mới. Đây là quốc gia đã tận dụng các cơ hội thương mại toàn cầu để tạo cho mình vị thế ngày càng lớn mạnh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời xây dựng một nền kinh tế trong nước phát triển.

Ông Surendra Rosha

Đồng Tổng Giám đốc HSBC Châu Á Thái Bình Dương 

Nhận định trước xu hướng trong thời gian tới, ông Alain Cany - Chủ tịch Eurocham Việt Nam khuyến nghị các doanh nghiệp nước ngoài tiếp tục đặt Việt Nam trong tầm ngắm lên kế hoạch đầu tư.

“Quốc gia này có cả thị trường trong nước rộng lớn lẫn cơ hội tốt cho sản xuất và xuất khẩu. Với phân khúc người tiêu dùng trung lưu ngày càng tăng, dự kiến sẽ chiếm hơn một nửa dân số vào cuối thập kỷ này. Việt Nam sở hữu một thị trường tăng trưởng đầy hứa hẹn cho các doanh nghiệp nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, từ nhập khẩu ô tô đến giáo dục tư nhân…”, ông Alain Cany lưu ý.

Ông Alain Cany còn khuyên các doanh nghiệp nên tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia và hãy xem việc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là một phương thức phổ biến để thâm nhập thị trường Việt Nam và xây dựng quan hệ với các nhà cung cấp và đối tác tiềm năng.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng thị trường Việt nam có nhiều khả năng phục hồi trong thời gian sớm nhất và là một gợi ý tốt cho các nhà đầu tư toàn cầu.

Cơ hội mới từ góc nhìn của nhà đầu tư.

Một thông tin được đưa ra tại Hội thảo là việc Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (Fed) vừa quyết tăng lãi suất, điều này ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới như thế nào.

Ông Frederic Neumann, Đồng Giám đốc Khối Nghiên cứu Kinh tế Châu Á - Ngân hàng HSBC cho rằng, dù động thái của Fed có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế, nhưng Việt Nam có thể sẽ ít bị ảnh hưởng từ lãi suất tiền USD cao nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ và nền kinh tế với trọng tâm xuất khẩu.

“Giá năng lượng tăng có thể đẩy lạm phát tăng và làm chậm tốc độ phục hồi tăng trưởng của Việt Nam. Giá năng lượng có thể tăng trong những tháng mùa đông tới nhưng tình hình sẽ được cải thiện vào tháng 3 năm sau. Sự thiếu hụt năng lượng có thể tạm thời khiến lạm phát tăng ở các nền kinh tế mà dầu đóng vai trò quan trọng như Việt Nam. Tuy vậy, tình hình sẽ ổn định hơn vào nửa cuối năm 2022…”, ông Neumann nhận định.

Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Ông Vũ Văn Chung

Phó Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trở lại câu chuyện Việt Nam, ông Warrick Cleine, Giám đốc điều hành do KPMG chỉ ra rằng Việt Nam đã tạo ra sự ổn định về kinh tế vĩ mô và xã hội, đây là điều sẽ khuyến khích đầu tư nước ngoài nhiều hơn khi các nhà đầu tư luôn yêu thích những môi trường an toàn, có thể dự đoán được.

“Những lợi thế khác của Việt Nam chính là câu chuyện về tăng trưởng kinh tế và mức độ tương tác của chính phủ với cộng đồng toàn cầu. Tôi cho rằng Việt Nam đang đi đúng hướng trong hoạt động cải cách nội bộ chất lượng với luật pháp và chính sách tốt, và vẫn là môi trường tốt cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài…” ông Warrick Cleine nhấn mạnh.

Nhận định về sự phục hồi kinh tế của Việt Nam, ông Alain Cany - Chủ tịch Eurocham Việt Nam cho rằng nhờ các yếu tố cơ bản vững chắc, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần dần trong ít nhất sáu tháng tới cho đến khi đà tăng trưởng mạnh hơn vào nửa cuối năm 2022.

Các nhà máy tại các khu công nghiệp phía Nam có thể phục hồi chậm hơn so với những khu vực khác do tình trạng phong tỏa kéo dài và nghiêm ngặt trong những tháng gần đây.

Mặc dù kinh tế hiện đang dần mở cửa trở lại, các lĩnh vực đầu tiên phải đóng cửa như du lịch, khách sạn, tổ chức sự kiện… vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, điều này khiến người tiêu dùng e ngại hơn dẫn tới ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị.

Một số công ty sử dụng nhiều lao động đã giảm quy mô sản xuất do làn sóng thứ 4 của Covid -19 có thể phải đối mặt với những thách thức mới trong việc tuyển dụng và đào tạo nhân sự.

Ông Alain Cany cũng chỉ ra rằng, một số lĩnh vực vẫn được hưởng lợi trong đại dịch như Thương mại điện tử với mức tăng trưởng 18%, đạt doanh thu hơn 11 tỷ USD vào năm 2020. Thị trường này sẽ tiếp tục phát triển khi người tiêu dùng ngày càng quen với việc mua sắm hàng hóa và dịch vụ trực tuyến.

Mặt khác, nhờ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam tham gia, sản xuất và xuất khẩu hải sản, cà phê, quần áo, giày dép, thiết bị cơ khí cũng sẽ sớm phục hồi.

Ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT bổ sung thêm, không chỉ các nhà đầu tư nước ngoài mà khu vực kinh tế tư nhân trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng gần đây, họ cũng đang rất kỳ vọng đà tăng trưởng sẽ trở lại.

Ông Trương Gia Bình dẫn chứng, khảo sát trực tuyến của Ban IV vừa qua cho thấy gần 16% doanh nghiệp phải đóng cửa do không có doanh thu và vốn lưu động, gần 35,5% doanh nghiệp tham gia khảo sát phải tạm ngừng hoạt động với lý do đứt gãy chuỗi cung ứng, hầu hết doanh nghiệp thiếu lao động do người lao động di cư về quê.

Tuy nhiên, kể từ khi chính phủ thay đổi chính sách về Covid từ tháng 10, nền kinh tế đã nhanh chóng mở cửa trở lại và quá trình chuyển đổi sang kỹ thuật số đã bắt đầu.

Hiện tại, chính phủ đang lên kế hoạch cho một gói hỗ trợ mới để phục hồi kinh tế, đồng thời cũng đã áp dụng công nghệ trong việc kiểm soát Covid. Dự kiến ​​sẽ có nhiều giải pháp hơn nữa, ứng dụng AI và công nghệ sẽ hỗ trợ kiểm soát tình hình và phục hồi kinh tế nhanh chóng trong thời gian sớm nhất.

Ảnh hưởng của đại dịch dường như sẽ tạo trở ngại cho con đường phục hồi của kinh tế Việt Nam. Cộng đồng nhà đầu tư toàn cầu chắc chắn sẽ theo dõi kỹ lưỡng cách chính phủ chèo lái nền kinh tế vượt qua cơn bão, điều sẽ tác động đến quyết định đầu tư của họ trong thời gian tới.

Ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam tin tưởng: “Bất chấp tất cả những thách thức mà chúng ta đã trải qua gần đây, chúng tôi vẫn giữ quan điểm rằng tương lai của Việt Nam vẫn tươi sáng. Khi những thách thức của Covid qua đi, sẽ có rất nhiều cơ hội dành cho những ai đã được chuẩn bị tốt…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cơ hội nào cho kinh tế Việt Nam hậu Covid - 19?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO