Bí mật đằng sau chiếc áo khoác 'Made in France' siêu xa xỉ giá 1,1 tỷ đồng: Thực tế sản xuất ở 1 quốc gia châu Á rồi đem về Pháp... dán nhãn

Băng Băng | 14:09 29/09/2023

Một chiếc áo khoác “Made in France” được sản xuất hơn 2.000 giờ ở Châu Á và chỉ tốn chưa đến 100 tiếng hoàn thành tại Pháp có thể dễ dàng bán được 43.000 Euro.

Bí mật đằng sau chiếc áo khoác 'Made in France' siêu xa xỉ giá 1,1 tỷ đồng: Thực tế sản xuất ở 1 quốc gia châu Á rồi đem về Pháp... dán nhãn

Hãng tin Bloomberg cho hay kể từ thập niên 2000, thương hiệu thời trang xa xỉ Prada đã ký hợp đồng với 2 nhà máy ở một quốc gia Đông Nam Á.

Thế nhưng thương hiệu này lại chẳng đề tên tuổi các nhà máy này vào danh sách cung ứng chính thức của mình mà chỉ nói về những xưởng sản xuất tại Italy, nhấn mạnh về chi phí sản xuất đắt đỏ của hãng.

Đây chỉ là một trong vô số những ví dụ về thị trường thời trang xa xỉ trị giá 200 tỷ USD khi các hãng thời trang hạng sang ở Châu Âu trong nhiều năm đã ký kết hợp đồng cung ứng từ các nhà máy tại Ấn Độ, Trung Quốc và Đông Nam Á nhưng chẳng bao giờ vinh danh họ.

Thậm chí những thương hiệu này còn cố tình lờ đi để giữ hình ảnh và duy trì lý do chi phí sản xuất nhằm tăng giá bán.

“Thời trang cao cấp hiện nay thực tế đều được sản xuất ở Ấn Độ”, nhà thiết kế người Pháp Isabel Marant làm việc cho một hãng thời trang cao cấp đã nói thẳng với hãng tin Bloomberg.

Cũng theo Bloomberg, sự giám sát ngày càng chặt chẽ trong chuỗi cung ứng và sự bùng nổ của mạng xã hội đã khiến nhiều thương hiệu xa xỉ buộc phải công nhận vai trò của những công xưởng Châu Á hơn thay vì bấu víu vào niềm tự hào hạng sang truyền thống.

Hơn nữa, cả Mỹ và Châu Âu hiện đang ngày càng thắt chặt kiểm soát với nguồn gốc xuất xứ sản phẩm.

Hội đồng Châu Âu (EP) vào tháng 6/2023 đã thông qua việc gia tăng các khoản phạt cho những doanh nghiệp không đảm báo được tính xác minh của chuỗi cung ứng.

Nhận thức được tình hình, một số thương hiệu như Dior đã quyết định công khai hơn nhà cung ứng từ Ấn Độ của mình thay vì cố gắng duy trì “Made in Europe” như trước.

Các giám đốc của Dior từng lo ngại sản phẩm làm từ Ấn Độ sẽ bị khách hàng coi nhẹ, mất hình ảnh hạng sang hay bị nhầm lẫn là hàng giả, nhưng quy định của Châu Âu thì không thể không theo.

Bất chấp điều đó, nhiều thương hiệu xa xỉ vẫn không muốn ghi “Made in India” trên các sản phẩm của mình kể cả khi 90% chuỗi cung ứng của họ là tại Ấn Độ.

Một ví dụ điển hình là chiếc áo khoác đính hạt kính nhỏ được ra mắt vào cuối tháng 6/2023 của một thương hiệu xa xỉ “Made in France” có giá 43.000 Euro, tương đương 45.000 USD (khoảng 1,1 tỷ đồng).

Thế nhưng sự thật là chiếc áo này được làm ở Ấn Độ với hơn 2.000 giờ lao động, trong khi nhà máy ở Châu Âu chỉ tốn chưa đến 100 giờ cho khâu hoàn thiện.

Chiếc áo khoác "Made in France" được sản xuất chủ yếu ở Ấn Độ có giá 43.000 Euro

Rất rõ ràng, quy định tại Châu Âu vẫn chỉ chú ý đến khâu sản xuất cuối cùng mà chẳng quan tâm đầy đủ đến quy trình sản xuất ra chúng.

“Rất dễ dàng để sản xuất sản phẩm tại Ấn Độ và chỉ làm vài mũi khâu nút hoàn thiện ở Pháp để rồi nói rằng chúng là ‘Made in France’. Tôi nghĩ điều này thật đáng khinh bỉ”, nhà thiết kế Marant nói thẳng.

Tự hào dân tộc?

Theo Bloomberg, sự tranh cãi giữa những người muốn bảo vệ truyền thống lâu đời của ngành thời trang xa xỉ và những người ủng hộ sự tiến bộ đang ngày càng căng thẳng.

Đối với các nền kinh tế nổi tiếng về mảng này như Pháp và Italy, thời trang cao cấp không chỉ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng về kinh tế mà còn là kênh truyền bá văn hóa hiệu quả.

Về logic, nếu gắn mác “Made in India” lên các sản phẩm hạng sang này sẽ làm giảm đi niềm tự hào dân tộc và đặc biệt là đe dọa đến lợi nhuận.

Xin được nhắc rằng ngành này chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn về hình ảnh thương hiệu khi người tiêu dùng vẫn gắn các quốc gia đang phát triển với chất lượng kém bất chấp các thành quả xuất sắc về chất lượng sản phẩm.

Lướt qua các báo cáo bền vững của hàng loạt những thương hiệu xa xỉ nổi tiếng, chẳng doanh nghiệp nào đề cập nhiều đến những nhà máy ở nước thứ 3 đang phát triển. Thậm chí nhiều công ty còn yêu cầu ký cam kết bảo mật khi thuê ngoài hợp đồng với các nhà máy này.

Rất rõ ràng, việc đặt những cái tên có thể ảnh hưởng đến định vị hình ảnh hạng sang trong tâm trí khách hàng là điều mà nhiều thương hiệu xa xỉ thường lựa chọn thay vì tính công khai, minh bạch của chuỗi cung ứng.

Khách hàng không quan tâm nguồn gốc sản phẩm từ đâu, cái họ muốn là những giá trị xã hội về bản thân đi kèm và chính điều này vô hình chung khiến các thương hiệu “chơi đùa” với luật lệ về nguồn gốc xuất xứ.

“Rất nhiều thương hiệu lách luật. Họ làm tốt đến mức nhiều người vẫn lầm tưởng Ấn Độ không thể sản xuất ra được các sản phẩm thời trang hạng sang”, chủ nhà máy Maximiliano Modesti của Les Ateliers 2M, một công ty sản xuất cho xuất khẩu tại Mumbai-Ấn Độ có hợp đồng với nhiều hãng thời trang xa xỉ nổi tiếng thế giới cười nhạo.

Thay đổi

Theo Bloomberg, tình hình hiện nay đang dần chuyển biến khi ngày càng nhiều thương hiệu thời trang xa xỉ có nguồn doanh thu chính đến từ chính Châu Á.

Ví dụ điển hình là LVMH, tập đoàn hàng xa xỉ lớn nhất Châu Âu và là công ty mẹ của nhãn hàng Dior, thu được 42,2 tỷ Euro doanh thu trong nửa đầu năm nay chủ yếu từ thị trường Châu Á.

Trong 6 tháng đầu năm, khoảng 41% doanh số của LVMH đến từ Châu Á, nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới bao gồm cả Châu Âu, vốn chỉ đóng góp 23%.

Chủ tịch Rachid Mohamed Rachid của nhà Valentino nhận định việc gắn “Made in India” hiện nay có thể giúp các hãng thời trang tiếp cận thị trường 1,4 tỷ dân ở Nam Á này, đem lại cảm giác tự hào dân tộc hơn và kích thích nhu cầu mua sắm.

Vào năm 2022, Valentino đã mở cửa hàng đầu tiên ở Ấn Độ và hãng Balenciaga cũng nối gót theo sau đó.

Quay ngược dòng lịch sử, Ấn Độ là nơi tập trung khá nhiều những nghệ nhân (Karigar) thêu thùa với lịch sử hàng trăm năm. Khi ngành may mặc, thêu thùa thủ công không còn phổ biến ở Châu Âu thì Ấn Độ đã trở thành điểm đến cho các thương hiệu xa xỉ.

Từ những năm 1980, nhiều thương hiệu hạng sang đã dựa vào các nghệ nhân Ấn Độ cho các sản phẩm thêu tay phức tạp.

Số liệu của Bộ thương mại Ấn Độ cho thấy xuất khẩu hàng thủ công hạng sang của nước này đã tăng gấp 10 lần kể từ cuối thập niên 1990, đạt đến 250 triệu USD/năm ngay trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Chính phủ nước này ước tính tổng giá trị ngành công nghiệp may mặc của Ấn Độ có thể đạt hơn 150 tỷ USD.

Tuy nhiên hình ảnh ngành công nghiệp may mặc Ấn Độ lại bị ảnh hưởng bởi điều kiện làm việc khi các nhà máy bán lại hợp đồng cho những xưởng nhỏ hơn, vốn trả lương bèo bọt và có tiêu chuẩn lao động cực kỳ kém.

Những người công nhân làm nghề trong các xưởng này bị trả lương thấp và phải lao động dưới cái nóng 45 độ C do ông chủ muốn tiết kiệm chi phí.

Chính vì điều này mà nhiều thương hiệu xa xỉ Phương Tây không muốn đưa tên các xưởng cung ứng từ Ấn Độ của họ vào trong báo cáo do lo sợ bị phản ứng.

Thế nhưng với việc doanh thu của nhiều hãng ngày càng đến nhiều từ Châu Á, tình hình có lẽ sẽ thay đổi.

*Nguồn: Bloomberg

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Sau tuần giá vàng giảm mạnh, giới phân tích và đầu tư bỗng 'chia rẽ' quan điểm
Thị trường vàng đã trải qua một tuần rớt thê thảm khi mất hơn 2%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2023. Mặc dù vậy, nhìn lướt qua biểu đồ giá hàng tuần cho thấy hầu hết mức giảm rơi vào gần cuối tuần, khi các nhà giao dịch bán kiếm lời sau khi giá tăng vào đầu tuần, và tăng trở lại vào thứ Sáu, sau dữ liệu lạm phát của Mỹ.
Bí mật đằng sau chiếc áo khoác 'Made in France' siêu xa xỉ giá 1,1 tỷ đồng: Thực tế sản xuất ở 1 quốc gia châu Á rồi đem về Pháp... dán nhãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO