Bay khắp châu Á tìm nơi tránh thuế quan Mỹ, một công ty thốt lên: "Hàng của tôi sắp hết đến nơi rồi"

Quốc Vinh | 16:05 03/04/2025

Suvie đang đi khắp nơi để tìm cách cứu vãn tình thế sản xuất ngặt nghèo của công ty trước rủi ro bị thuế quan Mỹ bóp nghẹt.

Bay khắp châu Á tìm nơi tránh thuế quan Mỹ, một công ty thốt lên: "Hàng của tôi sắp hết đến nơi rồi"

Không có hàng để bán

Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố ông thực sự nghiêm túc trong việc áp thuế quan mới với các đối tác thương mại, Robin Liss biết rằng thương hiệu Suvie của mình đang gặp rắc rối.

Suvie gây nhiều tiếng vang trong những năm qua với sản phẩm robot nhà bếp có thể nấu bữa tối chỉ trong vài phút. Chúng được sản xuất tại một trong những trung tâm sản xuất lớn nhất của Trung Quốc với hơn 500 linh kiện có nguồn gốc từ khắp cả nước.

Sau khi chạy các mô hình tài chính và tính toán chi phí liên quan đến các loại thuế mới, Liss lên đường đến Châu Á vào tháng 3 để tìm kiếm kế hoạch kinh doanh thay thế.

"Hàng của tôi sắp hết đến nơi rồi", Liss nói trước chuyến đi hai tuần tới Đài Loan và Việt Nam, ám chỉ tình trạng sản xuất phải ngừng trệ vì mức thuế quan mới khiến chi phí tăng cao. "Phải tìm cách giải quyết chuyện này".

Robot nhà bếp của Suvie có 10 chế độ nấu ăn khác nhau.

Suvie nằm trong số hàng chục nhà sản xuất đồ gia dụng đang cố gắng tồn tại trong khi xoay xở với các kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump và sự bất ổn mà quyết định này mang lại.

Những thay đổi của Nhà Trắng đã tạo ra sự biến động chưa từng có đối với các gã khổng lồ công nghệ lớn và cảm giác hoảng loạn cho các doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp vốn không có nhiều tiềm lực ứng phó với chi phí hoạt động tăng thêm và tình trạng tắc nghẽn tiềm ẩn trong chuỗi cung ứng.

Ngay cả khi đã chuyển chuỗi sản xuất ra bên ngoài Trung Quốc nhằm tránh tác động thuế quan, nhiều doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh không biết đi đâu về đâu.

"Những người nghĩ mình đã chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc an toàn bỗng dưng tự hỏi liệu đây có phải quyết định đúng đắn hay không", Peter Hanbury, đối tác tại công ty tư vấn Bain, nói với CNBC.

"Có rất nhiều lựa chọn để chuyển nơi sản xuất, nhưng bạn sẽ không muốn đưa ra quyết định khi bạn không biết chính xác thuế quan rồi sẽ áp dụng ở những đâu".

Công ty của Liss đang phải gánh chịu chi phí gia tăng thay vì chuyển cho khách hàng. Sản phẩm thuộc thương hiệu Suvie là những mẫu robot nhà bếp có chức năng nấu ăn, kích thước bằng lò vi sóng nhưng cung cấp hơn 10 chế độ nấu khác nhau.

Liss ra mắt Suvie vào năm 2015 và bắt đầu giao sản phẩm vào năm 2019. Công ty có 20 nhân viên tại Mỹ và đến nay đã tránh được việc sa thải, nhờ mức tăng trưởng 80% vào năm ngoái mà Liss cho biết đã mang lại doanh thu hàng năm từ 20 đến 30 triệu USD.

Liss nói nếu không phải vì mức thuế quan mới đây của Trung Quốc, tăng mức thuế phải trả cho hàng hóa từ 3% lên 23%, Suvie sẽ vẫn có lãi.

Nhiều doanh nghiệp Mỹ phải từ bỏ Trung Quốc để tìm bến đỗ mới.

Mức thuế hiện hành đối với hàng hóa từ Trung Quốc đã khiến nữ giám đốc này phải tìm một quốc gia mới để sản xuất. Công ty ước tính bất cứ nơi nào Suvie đến đều phải mở rộng quy mô trong vòng sáu tháng.

"Tốc độ đó là quá nhanh và chưa từng có", Liss nói. "Nhưng nếu không làm được, chúng tôi sẽ không có sản phẩm cho kỳ nghỉ lễ, vốn là mùa bán hàng chính".

Nháo nhác đi tìm chỗ sản xuất mới

Đối với người sáng lập Austere, Deena Ghazarian, thuế quan đối với các sản phẩm từ Trung Quốc cũng như Mexico đã khiến doanh nghiệp của cô gặp nguy hiểm.

Austere có trụ sở ở Mỹ, sản xuất cáp, thiết bị vệ sinh và đồ điện chống sét. Công ty có 12 nhân viên này được thành lập vào năm 2018, trước đây đã chuyển khoảng một nửa hoạt động từ Trung Quốc sang Đài Loan (Trung Quốc) cũng như đang đàm phán để chuyển sản xuất sang Mexico.

Tùy thuộc vào mặt hàng, có tới 50% linh kiện của công ty đến từ Trung Quốc. Một nửa sản phẩm vẫn được sản xuất tại đó, trong khi phần còn lại được sản xuất tại Đài Loan. Đối với giải pháp sản phẩm vệ sinh, vốn phụ thuộc nhiều nhất vào Trung Quốc, Ghazarian ước tính sẽ mất hơn một năm để chuyển sản xuất sang Thái Lan.

Ghazarian bắt đầu tích trữ sản phẩm vào năm ngoái để ứng phó với mức thuế quan tiềm năng. Cô cho biết những người khác cũng đã làm như vậy. Khoản đầu tư vào hàng tồn kho đã lấy đi nhiều nguồn lực vốn được sử dụng cho việc tuyển dụng, tiếp thị và mở rộng quy mô.

"Tôi đang chạy đua với thời gian", cô nói. "Nếu cứ xoay xở mãi thế này sẽ không mang lại lợi nhuận xứng đáng".

Giải pháp cuối cùng sẽ là tăng giá cho người tiêu dùng, Ghazarian cho biết nhiều đối tác của mình đang có kế hoạch thực hiện điều này.

Về phần mình, công ty Suvie hiện không cân nhắc chuyển hoạt động sản xuất về Mỹ mà đang tập trung tìm kiếm địa điểm thay thế ở châu Á.

Liss đã đặt chuyến bay trở về Đài Loan trong vài tuần nữa. Từ đó, cô sẽ bay đến các quốc gia khác trong khu vực để tìm thêm câu trả lời.

"Có lẽ tôi sẽ đặt chuyến bay tiếp theo ngay trên không", Liss nói khi trên đường về nhà sau chuyến đi vừa xong đến Châu Á.


(0) Bình luận
Bay khắp châu Á tìm nơi tránh thuế quan Mỹ, một công ty thốt lên: "Hàng của tôi sắp hết đến nơi rồi"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO