VN-Index hướng đến vùng 1.513 – 1.756 trong vòng 6–8 tháng tới
Trong báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2025 và 6 tháng đầu năm 2026 mới công bố, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng tác động trực tiếp từ thuế quan lên tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 sẽ không quá lớn. Tăng trưởng EPS của VN-Index trong năm 2025 khoảng 15–22% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, theo phương pháp tiếp cận “top-down”, dựa trên tăng trưởng GDP, tín dụng và biên lợi nhuận, EPS ước tính tăng 15,3% so với cùng kỳ. Mặt khác, dữ liệu từ danh sách cổ phiếu phân tích của Rồng Việt cho thấy mức tăng EPS khoảng 16,5% so với cùng kỳ. Với cách tiếp cận “bottom-up”, tổng hợp từ từng doanh nghiệp, tăng trưởng EPS toàn thị trường có thể đạt 21,6% so với cùng kỳ.

Nhóm phân tích VDSC điều chỉnh vùng P/E mục tiêu cho VN-Index trong 6–8 tháng tới lên mức 13,3x–14,7x (so với 13,5x–14,5x trước đó) nhằm phản ánh các yếu tố hỗ trợ tích cực như chính sách tài khóa – tiền tệ nới lỏng giúp duy trì lãi suất thấp, và kỳ vọng nâng hạng thị trường trong kỳ đánh giá tháng 9/2025 của FTSE.
"Đánh giá kỳ tháng 3/2025 của FTSE Russell cho thấy khả năng Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi là rất gần", nhận định lạc quan của VDSC.
FTSE đã nhấn mạnh yêu cầu cải thiện cơ chế giao dịch và mở tài khoản minh bạch, thuận tiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Để đáp ứng yêu cầu này, Chính phủ đã ban hành thêm các thông tư như 18, 03 trong năm 2025 (sau Thông tư 68/2024) và chính thức vận hành hệ thống KRX từ tháng 5/2025.
Khi nâng hạng thành hiện thực, kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ thu hút dòng vốn lớn từ các quỹ tham chiếu toàn toàn cầu quy mô ~ 1 tỷ USD, góp phần cải thiện thanh khoản và định giá.

Dựa vào các phân tích trên, VDSC dự báo VN-Index có thể hướng đến vùng 1.513 – 1.756 trong vòng 6–8 tháng tới, tương đương mức tăng 6%–23% so với mức đóng cửa ngày 9/7/2025.
Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn cần theo dõi các rủi ro như biến động địa chính trị, áp lực tỷ giá nếu FED trì hoãn hạ lãi suất, và sự bất định trong chính sách của chính quyền Trump. Dù vậy, các rủi ro này phần lớn chỉ mang tính nguy cơ và có thể tác động tâm lý thị trường trong thời gian ngắn và khó ảnh hưởng đến nền tảng cơ bản của doanh nghiệp nếu không mang tính cấu trúc.
Nhóm ngành đáng chú ý trong năm 2025
VDSC cho biết trong bức tranh tăng trưởng lợi nhuận năm 2025, Ngân hàng, Tiện ích, Bất động sản và Nguyên vật liệu là 4 nhóm ngành nổi bật nhất.

Ngành ngân hàng đóng vai trò trụ cột với mức đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng toàn thị trường, nhờ kỳ vọng nới lỏng tín dụng và giảm chi phí dự phòng.
Nhóm tiện ích ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ khi biên lợi nhuận cải thiện rõ rệt từ nền thấp, đặc biệt là mảng điện nhờ điều kiện thủy văn và chính sách huy động của EVN thuận lợi hơn.
Bất động sản được kỳ vọng tăng trưởng mạnh nhờ hoạt động bàn giao dự án và cho thuê khu công nghiệp phục hồi, cùng với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài quay trở lại.
Trong khi đó, nhóm nguyên vật liệu dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận nhờ nhu cầu hồi phục và xu hướng tích cực của giá hàng hóa. Đây là những nhóm ngành đóng vai trò dẫn dắt xu hướng hồi phục lợi nhuận toàn thị trường trong năm tới.