Bất chấp cạnh tranh gay gắt từ các công ty có vốn Trung Quốc, một doanh nghiệp chuyển phát nhanh Việt Nam tăng trưởng doanh thu 12 năm liên tục

Pha Lê | 15:13 10/04/2023

Doanh nghiệp chuyển phát đầu tiên của Việt Nam kinh doanh tại thị trường nước ngoài đặt ra kế hoạch lợi nhuận sau thuế trong năm 2023 sẽ tăng gần 47% so với năm 2022.

Bất chấp cạnh tranh gay gắt từ các công ty có vốn Trung Quốc, một doanh nghiệp chuyển phát nhanh Việt Nam tăng trưởng doanh thu 12 năm liên tục

Ngày 21/4 tới đây Tổng CTCP Bưu chính Viettel (Viettel Post - mã chứng khoán VTP) sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Để phục vụ cho đại hội, phía VTP đã công bố các tài liệu liên quan đến kết quả kinh doanh của công ty trong năm 2022 vừa qua.

Cụ thể, trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 21.742,76 tỷ đồng, hoàn thành 84,53% kế hoạch, tương đương so với năm 2021 (tăng trưởng 0,87%). Dù doanh thu chỉ tăng nhẹ so với năm 2021 nhưng đây cũng là năm thứ 12 liên tiếp kể từ năm 2010, VTP tăng trưởng doanh thu.

Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của công ty lại có sự sụt giảm mạnh, đạt 323,42 tỷ đồng, hoàn thành 51,91% kế hoạch được giao. Lợi nhuận này cũng giảm 12,73% so với năm 2021.

Theo VTP, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc công ty không hoàn thành kế hoạch doanh thu, lợi nhuận.

Đầu tiên là nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 33,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam (Hàng thương mại điện tử có xuất xứ từ Trung Quốc chiếm 70% – 80% tại Việt Nam). Vì vậy, khi Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero Covid, một số cửa khẩu bị đóng cửa, không thể thông quan hàng hóa điều này đã dẫn đến việc thiếu hụt nguồn hàng, tăng thời gian vận chuyển, khách hàng dừng, giảm sử dụng dịch vụ chuyển phát.

Bên cạnh các tập đoàn TMĐT, Chuyển phát từ Trung Quốc (Alibaba, Tencent, J&T, ZTO, SF, Ninjavan...) tràn sang Việt Nam và đẩy mạnh cạnh tranh về giá để xâm nhập, thao túng thị trường, công ty tại Việt Nam do Trung Quốc đầu tư như GHTK (Giao hàng tiết kiệm), GHN (Giao hàng nhanh), J&T, Best... đẩy mạnh bán phá giá (có nhiều chương trình chuyển phát giá 0 đồng) làm cho biên lợi nhuận lĩnh vực chuyển phát còn rất thấp ~3%, các công ty chuyển phát hầu hết thua lỗ.

Cùng với đó, giá xăng, dầu có sự biến động lớn với hơn 30 lần điều chỉnh trong năm. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu tăng cao, nhanh, đỉnh điểm tại tháng 6 tăng 57,2% so với cùng kỳ 2021 ảnh hưởng nặng nề đến các doanh nghiệp Logistics, trong đó có VTPost: Chi phí xăng dầu/Doanh thu tăng 56,7%, giảm lợi nhuận 33,2 tỷ đồng; Chi phí thuê xe nguyên chuyến/Doanh thu tăng 23,3%, giảm lợi nhuận 28,3 tỷ đồng; Giá xăng tăng ảnh hưởng đến giá tiêu dùng, tăng chi phí đầu vào khác và chi phí phục vụ của nhân viên tuyến đầu dẫn tới VTPost phải có những chính sách hỗ trợ kịp thời.

viettel-post-giao-hang-mua-dich-2.jpg

Năm 2022, mặc dù chưa đạt kế hoạch về lợi nhuận nhưng VTPost vẫn là công ty hoạt động có hiệu quả trong các doanh nghiệp chuyển phát tại Việt Nam, chất lượng ngày càng được cải thiện, thời gian giao hàng được rút ngắn.

Sau 5 tháng triển khai đồng bộ, triệt để với nhiều giải pháp, VTPost đã nhanh chóng được kiểm soát và khẳng định là doanh nghiệp có chất lượng dịch vụ hàng đầu: Thời gian toàn trình bưu gửi đạt 49,5h; Tỉ lệ thu thành công đạt 98,6%.

Các vụ đền bù, giá trị tiền đền bù giảm theo từng tháng, thông tin tích cực của VTPost trên mạng xã hội liên tục tăng, số thông tin tiêu cực giảm qua đó khẳng định lại niềm tin của khách hàng về chất lượng dịch vụ; Doanh thu lĩnh vực Bưu chính chuyển phát tăng trưởng 9,3% (các tháng cuối năm 2022 tăng 17.7% so với cùng kỳ, cao hơn mức trung bình toàn ngành), thị phần tăng từ vị trí thứ 4 lên thứ 3, là một trong ít doanh nghiệp lớn trong ngành kinh doanh hiệu quả.

Về việc phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại năm 2021, công ty đã hoàn thành việc chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 9,33% bằng cổ phiếu (số lượng cổ phiếu phát hành để trả cổ tức là 9.658.745 cổ phiếu) và 15% bằng tiền mặt (tương ứng 155,33 tỷ đồng). Việc chi trả cổ tức đã hoàn thành trong tháng 11 và 12 năm 2022. Sau khi hoàn thành chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, Tổng Công ty đã thực hiện thành công tăng vốn điều lệ từ 1.035 tỷ đồng lên 1.132 tỷ đồng.

1955966(1).jpg

Trong kỳ, HĐQT đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-HĐQT về việc điều chỉnh phương án thu hồi cổ phiếu ESOP 2019 của Người lao động nghỉ việc từ phương án Công đoàn mua lại sang phương án Công ty mua lại. Hiện tại VTPost đã hoàn thiện các thủ tục chuyển quyền sở hữu từ Người lao động sang Tổng công ty với số lượng cổ phiếu mua lại là 43.180 cổ phiếu.

Tổng tài sản của VTP tính đến hết năm 2022 đạt 5.731,17 tỷ đồng, tăng trưởng 5,55% so với cùng kỳ năm 2021. VTPost nộp ngân sách Nhà nước 775 tỷ đồng (tăng 16,36% so với cùng kỳ năm 2021).

Dự báo về khó khăn kinh tế năm 2023, VTP đã đưa ra kế hoạch kinh doanh với tổng doanh thu và thu nhập khác là 18.464,2 tỷ đồng, giảm 15,08% so với năm 2022. Nguyên nhân giảm doanh thu kế hoạch năm 2023 so với 2022 là do giảm doanh thu từ bán thẻ cào viễn thông, kế hoạch doanh thu lõi Chuyển phát và Logistics tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt lần lượt là 470,46 tỷ đồng và 376,37 tỷ đồng, tăng 45,47% và 46,65% so với 2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bất chấp cạnh tranh gay gắt từ các công ty có vốn Trung Quốc, một doanh nghiệp chuyển phát nhanh Việt Nam tăng trưởng doanh thu 12 năm liên tục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO