Nội dung chính:
- Thị trường chứng khoán diễn biến tiêu cực khiến hàng loạt lãnh đạo của các doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu.
- Việc bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo các doanh nghiệp khiến thị trường tiếp tục giảm sâu.
3 tháng gần đây, chỉ số VN-Index liên tục giảm sâu, đến nay đã trượt xa khỏi mốc 1.000 điểm. VN-Index đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/11 với gần 982 điểm, giảm 486 điểm so với một năm trước (ngày 8/11/2021).
Thị trường chứng khoán đi xuống khiến tình trạng bán giải chấp cổ phiếu diễn ra thường xuyên hơn. Ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) đã nhiều lần rơi vào cảnh bán giải chấp cổ phiếu kể từ đầu năm đến nay.
Mới đây, ngày 7/11, Chứng khoán Yuanta Việt Nam thông báo về việc dự kiến bán giải chấp hơn 2,1 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn và tổng cộng gần 3 triệu cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của con trai và con gái ông Tuấn - đều giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp.
Thông tin được đăng tải trên website chính thức của Chứng khoán Yuanta Việt Nam.
Trước đó, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng đã thông báo dự kiến bán giải chấp cổ phiếu DIG thuộc sở hữu của ông Nguyễn Thiện Tuấn với tổng số lượng lên đến 7,8 triệu cổ phiếu.
Cũng trong ngày 7/11, Chứng khoán Tân Việt công bố bán giải chấp 1,8 triệu cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) và 1,9 triệu cổ phiếu PDR thuộc sở hữu của Công ty TNHH Phát Đạt Holdings.
Giá cổ phiếu PDR liên tục đi xuống, hiện đang ở vùng giá thấp nhất 22 tháng qua.
Trường hợp tương tự cũng xảy ra với ông Nguyễn Khánh Hưng - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư LDG, ông Đinh Văn Thanh - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình hay thành viên HĐQT CTCP Phát triển Nhà Bà Rịa - Vũng Tàu - Hodeco Nguyễn Tuấn Anh…
Vòng lặp thị trường chứng khoán: suy giảm - bán ra - lại giảm
Ngay từ đầu tuần, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) lần lượt thông báo bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp. Tình huống này bắt nguồn từ việc nhà đầu tư, ở đây là các lãnh đạo, sử dụng hình thức giao dịch ký quỹ (margin) để mua bán cổ phiếu.
Giao dịch ký quỹ được biết đến như một đòn bẩy tài chính, là việc nhà đầu tư vay tiền của CTCK, cộng với khoản tiền sẵn có của mình (vốn tự có) để mua cổ phiếu. Thông thường CTCK dùng chính các cổ phiếu nhà đầu tư đã mua làm tài sản thế chấp cho khoản vay.
Thị trường chứng khoán liên tục đi xuống trong thời gian qua khiến hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bị bán giải chấp. Việc các lãnh đạo chấp nhận bán giải chấp cổ phiếu thay vì nộp thêm tiền vào CTCK cho thấy tình hình tài chính eo hẹp của họ, hoặc bản thân họ không dám kỳ vọng mã cổ phiếu đang nắm giữ sẽ sớm phục hồi.
Bán giải chấp cổ phiếu (force-sell) là việc công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để giảm tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định của từng công ty. Nếu nhà đầu tư bổ sung thêm tài sản đảm bảo (tiền hoặc cổ phiếu), tài khoản ký quỹ sẽ trở lại ngưỡng an toàn và không bị bán giải chấp cổ phiếu.
“Áp lực giải chấp buộc nhà đầu tư phải bán cổ phiếu trong thời gian gần đây và tâm lý hoảng loạn của nhà đầu tư vẫn chưa tới hồi kết. Dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán trong thời gian qua khá hạn chế, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng tăng mạnh”, ông Phùng Trung Kiên, nhà sáng lập công ty quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc chia sẻ với Bloomberg cách đây 1 tháng.
Trên thực tế, việc bán giải chấp cổ phiếu vẫn thường diễn ra với nhà đầu tư nhỏ lẻ khi cổ phiếu giảm giá. Riêng giao dịch cổ phiếu của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ (lãnh đạo, người nhà) phải được công bố thông tin theo quy định, nên các CTCK buộc phải thông báo trước khi bán giải chấp.
Thị trường giảm điểm khiến các lãnh đạo bị bán giải chấp cổ phiếu, nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng thuận đà bán theo làm cho thị trường tiếp tục đi xuống, từ đó trở thành một vòng luẩn quẩn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm và các CTCK bị siết cho vay margin (do nguồn cho vay đến từ ngân hàng thương mại), việc bán giải chấp có thể chỉ dừng lại khi nhà đầu tư thanh toán hết khoản nợ vay cho CTCK.
Ước tính đến ngày 30/9, dư nợ cho vay margin tại 40 công ty chứng khoán hàng đầu xấp xỉ 170.000 tỷ đồng, giảm đáng kể so với hồi đầu năm.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định CTCK chỉ được cho nhà đầu tư vay với tỷ lệ 50%, tương đương tỷ lệ đòn bẩy 1:2. Tức là để mua số cổ phiếu trị giá 100 triệu đồng, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất 50 triệu đồng và đi vay tối đa 50 triệu đồng còn lại (nợ/vốn không vượt quá 50%).
Mỗi CTCK áp dụng một tỷ lệ ký quỹ riêng nằm trong hạn mức cho phép. Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay ký quỹ dao động khoảng 12%-14%/năm. Chỉ khi trừ đi chi phí lãi vay, nhà đầu tư vẫn có lợi nhuận mới được xem là đạt hiệu quả sử dụng đòn bẩy tài chính.
Giao dịch ký quỹ giúp nhà đầu tư tăng tỷ suất lợi nhuận (tỷ lệ lợi nhuận trên vốn tự có) khi cổ phiếu lên giá. Tuy nhiên, khoản lỗ cũng bị khuếch đại tương ứng khi cổ phiếu giảm giá, bởi nhà đầu tư phải chịu thêm chi phí lãi vay.