Bắc Mỹ chỉ có 4% tổng lượng xe xuất xưởng là xe điện

Vũ Anh | 19:31 01/10/2022

Theo Bloomberg NEF và hãng dự báo thị trường LMC Automotive, các nhà máy tại Bắc Mỹ xuất xưởng 7,4 triệu chiếc xe trong nửa đầu năm nay, song chỉ có 323.000 trong số đó chạy bằng pin.

Bắc Mỹ chỉ có 4% tổng lượng xe xuất xưởng là xe điện

Theo Bloomberg, những người quyết tâm mua xe điện tại Mỹ sẽ phải đối mặt với bài toán khó: chỉ có 4% tổng lượng xe xuất xưởng là EV, trong khi nhu cầu đối với các dòng xe thân thiện với môi trường luôn duy trì ở mức khá cao. 

Theo Bloomberg NEF và hãng dự báo thị trường LMC Automotive, các nhà máy tại Bắc Mỹ xuất xưởng 7,4 triệu chiếc xe trong nửa đầu năm nay, song chỉ có 323.000 trong số đó chạy bằng pin. Tình trạng này góp phần vào sự khan hiếm của các mẫu xe điện hiện hành, từ đó đặt ra câu hỏi, rằng liệu người Mỹ có phải chờ đợi thêm nhiều năm nữa để giấc mơ điện khí hóa trở thành hiện thực.

“Trong khoảng hai năm trở lại đây, cầu đang vượt cung”, nhà phân tích Corey Cantor của Bloomberg NEF cho biết. 

Lấy câu chuyện của GM làm ví dụ. Hãng xe này mới đây đã phải ngừng nhận đơn đặt hàng cho dòng xe điện Hummer do không kịp đáp ứng nhu cầu của khách hàng. 90.000 đơn đặt trước đó hiện chưa biết chính xác thời điểm có thể bàn giao. 

“Chúng tôi vui vì nhu cầu không thể tưởng tượng đối với mẫu xe điện mới khiến đơn đặt hàng Hummer quá tải”, đại diện GM cho biết. 

Theo nhiều chuyên gia, đây là hệ luỵ sau thời gian dài các công ty sản xuất ô tô duy trì hoạt động bán xe xăng để tạo nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi sang xe điện. Đa số đều đang gấp rút đảm bảo đồng thời nguồn cung pin, dây chuyền lắp ráp lẫn mục tiêu ngừng hoàn toàn việc sản xuất động cơ khí đốt trong. 

1200x-12.jpeg
Bắc Mỹ chỉ có 4% tổng lượng xe xuất xưởng là xe điện

Trong bối cảnh nhu cầu của người tiêu dùng đối với các dòng xe điện tăng lên nhanh chóng, các hãng sản xuất xe hơi cũng vội vàng chạy theo xu hướng chung. Một số cái tên lớn, bao gồm Honda, Stellantis và Toyota, đã rục rịch sản xuất xe điện, trong khi Tesla đóng góp hơn 3/4 số xe điện được sản xuất tại Bắc Mỹ trong nửa đầu năm nay. Các nhà máy châu Á cũng đang đẩy mạnh sản lượng xe điện lên gấp 5 lần, trong khi sản lượng tại châu Âu tăng gần gấp đôi.

“Nếu bạn đầu tư cho hàng tồn kho quá sớm, bạn sẽ gặp phải các vấn đề về dòng tiền; Kathy Gersch, người sáng lập công ty tư vấn Kotter International, nói. “Tuy nhiên, trong trường hợp này, họ lại đang đầu tư quá muộn”. 

Lấy ví dụ về Stellantis ở Detroit, một trong những nơi sản xuất ô tô bận rộn nhất lục địa. Nhà máy này đã sản xuất gần 175.000 chiếc xe trong nửa đầu năm, song tất cả đều là xe xăng, bao gồm dòng SUV Jeep Grand Cherokees và Dodge Durangos. Còn tại Ford, chỉ có 3% sản lượng Bắc Mỹ trong nửa đầu năm là xe điện, trong khi xe tải và SUV chạy bằng khí đốt chiếm hơn ⅔. 

Thực tế, Ford đã phải vật lộn thu về lợi nhuận từ xe điện, một phần do chi phí hàng hóa tăng cao. Ngành công nghiệp EV còn nhiều dư địa phát triển, song nguồn cung pin lại không ổn định. Stellantis dự kiến sẽ không có đủ nguồn pin cho nhà máy Bắc Mỹ, từ nay cho đến năm 2024.

Đáng nói hơn, vấn đề không chỉ nằm ở mỗi pin. Theo Wall Street Journal, Ford mới đây đã phải trì hoãn thời gian giao một số mẫu xe vì không có đủ logo màu xanh hình bầu dục. Đây là ví dụ điển hình cho thấy việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các hãng sản xuất ô tô nói chung và Ford nói riêng. 

1x-1.jpeg
Xe điện là kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp điện khí hoá.

“Bạn sẽ thấy áp lực lợi nhuận khi ra mắt xe điện. Chúng sẽ không tích cực đâu”, Giám đốc tài chính John Lawler của Ford chia sẻ với các chuyên gia tại một hội nghị vào tháng 6. 

Dẫu vậy, xe điện vẫn là kỷ nguyên mới của ngành công nghiệp điện khí hoá. LMC dự kiến Bắc Mỹ sẽ tăng gần gấp bốn lần số lượng xe EV vào năm 2025. Stellantis đang lên kế hoạch biến xe điện thành sản phẩm chủ lực đóng góp cho một nửa doanh số tại Mỹ vào năm 2030, trong khi General Motors xây dựng một nhà máy pin tại Ohio và hợp tác Hertz để tăng tốc phát triển xe điện. 

Ford cũng đang gấp rút mở rộng 3 nhà máy sản xuất pin và 2 nhà máy lắp ráp phía Đông Nam, với hy vọng có thể sản xuất 600.000 chiếc EV trong một vài năm tới. Một nhà máy khổng lồ có tên BlueOval City cũng đang được khởi công xây dựng, chỉ sau chưa đầy một năm kể từ khi Ford và đối tác Hàn Quốc SK ON công bố khoản đầu tư 11,4 tỷ USD xây dựng 2 nhà máy EV lớn. 

Đây được xem là bước đi quan trọng trong tham vọng sản xuất 2 triệu chiếc xe điện trên toàn cầu vào năm 2026 của hãng xe Mỹ. Eric Grubb, Giám đốc Xây dựng của Ford cho biết nhà máy này sẽ giúp tập đoàn dẫn đầu công cuộc điện hóa ngành công nghiệp ô tô tại nước này. 

Với nhu cầu ngày càng tăng cao, những vụ đặt cược lớn này được cho là yếu tố bắt buộc để tồn tại, ngay cả khi tỷ suất lợi nhuận không cao như những gì các nhà phát triển kỳ vọng. 

1200x-13.jpeg
Dự báo đến năm 2030, hơn một nửa số ô tô được bán ra tại thị trường Mỹ vào năm 2030 sẽ là xe điện.

“Tại thời điểm này, không có lý do gì để các nhà sản xuất ô tô phải chờ đợi,” Cantor nói. “Nếu không, Tesla sẽ nuốt toàn bộ thị phần”. 

Dự báo đến năm 2030, hơn một nửa số ô tô được bán ra tại thị trường Mỹ vào năm 2030 sẽ là xe điện. Động lực này có được một phần nhờ những ưu đãi tiêu dùng nằm trong gói hỗ trợ trị giá 374 tỷ USD cho khí hậu vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden ban hành. Ngoài ra, theo dự báo từ Bloomberg, tỷ lệ sử dụng xe điện của Mỹ sẽ vượt qua mức trung bình toàn cầu vào năm 2026.

Theo: Bloomberg 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bắc Mỹ chỉ có 4% tổng lượng xe xuất xưởng là xe điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO