60% trái phiếu doanh nghiệp của VPBank nằm ở BĐS, không có áp lực chuyển nợ xấu với Novaland từ nay đến cuối năm

Thủy Tiên | 20:22 18/04/2023

Tuyên bố được lãnh đạo VPBank đưa ra trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của ngân hàng tổ chức chiều 18/4/2023.

60% trái phiếu doanh nghiệp của VPBank nằm ở BĐS, không có áp lực chuyển nợ xấu với Novaland từ nay đến cuối năm
Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 24.000 tỷ đồng và tự tin với kế hoạch này.

Nội dung chính:

  • - VPBank đang nắm giữ khoảng 30.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp, 60% trong số đó là trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản, tất cả đều có tài sản đảm bảo.
  • - Dư nợ trái phiếu của Novaland tại VPBank chiếm dưới 1% tổng dư nợ của VPBank, phía ngân hàng kiểm soát được dòng tiền và khoản nợ của Novaland từ nay đến cuối năm.
  • - Năm 2023, VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận 24.000 tỷ đồng và tự tin với kế hoạch này. 

Chiều nay (18/4), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank, Mã: VPB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Ngoài các thông tin về kết quả hoạt động năm cũ, kế hoạch năm 2023, lãnh đạo nhà băng chia sẻ nhiều thông tin về trái phiếu, vay nợ.

Đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho biết hiện tại ngân hàng đã đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng vào trái phiếu doanh nghiệp. Ông Vinh nhìn nhận 30.000 tỷ đồng là nhiều, song đã giảm khoảng 5.000 tỷ đồng so với cuối năm 2022 và dự kiến tiếp tục giảm về mức xấp xỉ 20.000 tỷ đồng vào giữa năm nay.

“Báo chí, các nhà đầu tư cũng có nhiều phân tích cho rằng năm nay thị trường trái phiếu sẽ tiếp tục khó khăn bởi lượng lớn trái phiếu đến hạn. Tôi rất chia sẻ với những quan điểm này và cho rằng vấn đề trái phiếu doanh nghiệp chỉ được xử lý đồng thời với các giải pháp can thiệp của Chính phủ”, ông Vinh nói.

Về cơ cấu trái phiếu, Tổng Giám đốc ngân hàng cho biết 60% là của doanh nghiệp bất động sản, đầu tư vào hơn 40 dự án bất động sản lớn, nhỏ. Trong số 40 doanh nghiệp này, ông Vinh cho biết không có đơn vị nào chiếm quá 1% tổng dư nợ của VPBank. Một số doanh nghiệp bất động sản lớn được VPBank hỗ trợ vốn thông qua trái phiếu được ông Vinh chỉ ra gồm Novaland, Vingroup, Đất Xanh…

Ông Nguyễn Đức Vinh cũng khẳng định, 100% trái phiếu doanh nghiệp tại ngân hàng này có tài sản đảm bảo. VPBank đồng thời là người quản lý tài sản đảm bảo đó nên có đủ điều kiện để xử lý nếu trái phiếu đến hạn nhưng không trả được. Việc giãn nợ theo Nghị định 08, ngân hàng cũng hết sức cân nhắc, chỉ áp dụng khi khách hàng quá khó khăn.

Riêng với trái phiếu của Novaland,  ông Vinh cho biết VPBank đang kiểm soát nguồn tiền khi khách hàng mua bất động sản của doanh nghiệp này. Tổng Giám đốc VPBank khẳng định “từ nay đến cuối năm, chúng tôi không có sức ép về vấn đề chuyển nợ xấu của Novaland. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc khoản nợ là vấn đề cấp thiết và VPBank đang phối hợp với các bên liên quan để xử lý, thông qua việc chuyển nhượng dự án để đóng dần một phần khoản nợ”.

studio-4.jpg
Tổng Giám đốc VPBank nói về tình hình kinh doanh của nhà băng. 

Đã nhận đặt cọc 3.590 tỷ đồng từ thương vụ bán 15% cổ phần cho SMBC

Chủ tịch HĐQT Ngô Chí Dũng cho biết hôm qua (17/4), VPBank đã nhận đặt cọc 10% giá trị thương vụ bán 15% cổ phần cho SMBC, tương đương khoảng 3.590 tỷ đồng. Hiện tại nhà băng và đối tác đang thực hiện các thủ tục tiếp theo, dự kiến cuối tháng 7 - tháng 8 sẽ nhận số tiền còn lại. 

Nói thêm về thương vụ bán vốn cho SMBC, ông Ngô Chí Dũng cho hay thương vụ giúp VPBank có nguồn vốn lớn thứ 2 trong hệ thống, tạo nền tảng vốn  nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ tài chính, đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, đặc biệt là những phân khúc trước nay chưa làm mạnh như nhóm khách hàng lớn, FDI…

Chủ tịch ngân hàng cũng xác nhận VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém, hiện tại đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất và chờ phê duyệt của cơ quan chức năng.

Ông Ngô Chí Dũng cho hay trong đề án, 2 trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu ngân hàng sẽ được chấp thuận nới room ngoại lên mức 49%, nhưng chưa chắc chắn việc VPBank có được nới room hay không.  

Kiên định với kế hoạch năm 2023

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank cho rằng năm 2023 tiếp tục là một năm có nhiều thách thức với ngân hàng. Quý I và quý II, nền kinh tế tăng trưởng chậm đã tác động tiêu tục lên tình hình hoạt động của VPBank, tuy nhiên, theo ông Vinh, ban lãnh đạo ngân hàng nhìn thấy cơ hội trong 6 tháng cuối năm, kiên định với kế hoạch năm nay với các chỉ tiêu cụ thể.

Trong quý I, VPBank đạt lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt đạt 11,5% và 7%. Mảng tài chính tiêu dùng FE Credit lỗ trong quý đầu năm - ông Nguyễn Đức Vinh thông tin tại đại hội.

Ông Vinh cho rằng với 4.000 tỷ lợi nhuận đạt được trong quý I, ngân hàng mới đi 1/5 chặng đường nhưng nhìn vào các trụ cột như bán lẻ, FDI, chứng khoán… mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ vẫn trong tầm tay.

Tỷ lệ nợ xấu VPBank đã tăng từ 2,19% ở thời điểm cuối năm 2022 lên 2,6% tại thời điểm cuối quý I/2023. Nguyên nhân, theo ông Nguyễn Đức Vinh, cuộc khủng hoảng thanh khoản cuối năm 2022 đã phản ánh vào tình hình hoạt động của ngân hàng trong quý I, hàng loạt doanh nghiệp không có hoặc giảm đơn hàng, không ít khách hàng cá nhân khi lãi suất tăng cao đã mất khả năng trả nợ…

Theo Tổng Giám đốc VPBank, nợ xấu sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong quý II, nhưng ở mức dưới 3%. Lãnh đạo nhà băng cho biết ngân hàng đang áp dụng nhiều biện pháp để kiểm soát và giảm tỷ lệ nợ xấu trong 6 tháng cuối năm, mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu cả năm về mức 2,2%.

(*) Nếu tính trên các hoạt động kinh doanh cốt lõi, mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2023 theo kế hoạch là 53%

“Nếu tình hình 2 quý đầu năm không thuận lợi, chúng tôi sẽ tìm mọi cách để bù đắp lại trong 6 tháng cuối năm.. Nếu khó quá thì sẽ trình cổ đông phương án xem xét, điều chỉnh”, Tổng Giám đốc VPBank nói.

Ông Nguyễn Đức Vinh cũng cho biết mục tiêu lợi nhuận trước thuế 24.000 tỷ đồng không phải là mức cao nếu so sánh với mức tăng trưởng của các năm trước, tuy nhiên ông cho rằng đây là mức phù hợp với bối cảnh thị trường hiện tại.

“Chúng ta có nguồn vốn lớn, có nền tảng để đề ra các kế hoạch, để có tham vọng. Nhưng chúng tôi cũng không đưa ra các mục tiêu viển vông, tất cả mục tiêu đưa ra đều có đủ nền tảng, cơ sở”, ông Vinh nói. 

Chủ tịch nhà băng Ngô Chí Dũng thông tin, trong chiến lược 5 năm 2022 - 2026 VPBank đã đưa mục tiêu chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Với nền tảng hiện tại, ngân hàng vẫn dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền mặt cho cổ đông.

z4275021557254_10c74c6dd8a28ea314f839d408ed9f10(1).jpg
Theo lãnh đạo VPBank, dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ tới mảng tài chính tiêu dùng FE Credit.

Trước đó, năm 2022, dư nợ tín dụng của VPBank đạt gần 480.000 tỷ đồng. tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng riêng lẻ khoảng 30%, hơn gấp đôi so với trung bình ngành 14,5%. Huy động khách hàng đạt 303.151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 21.220 tỷ đồng. 

Bán lẻ tiếp tục là trụ cột đóng góp chính vào quy mô danh mục tín dụng, trong đó 2 phân khúc KHCN và SME tăng trưởng 38% so với cuối năm 2021. 

Theo lãnh đạo VPBank, năm 2022, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro của ngân hàng tăng trưởng gần 14% so với năm 2021. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối năm 2022 tại ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát ở mức 2,19%, tuy nhiên ở phân khúc tài chính tiêu dùng tại FE Credit, nợ xấu hợp nhất ở mức 4,7%.

Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh nhận định hậu quả của Covid kéo dài từ 2020 đến năm 2022 đã ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và ngành ngân hàng. Với VPBank, dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ tới mảng tài chính tiêu dùng FE Credit.

Dù vậy, ông Nguyễn Đức Vinh vẫn nhìn nhận FE Credit là mảng tiềm năng khi 60% người dân không đủ khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trong năm 2023, nhà băng sẽ tập trung tái cấu trúc, củng cố bộ máy của FE Credit để phát triển dài hạn. 


(0) Bình luận
60% trái phiếu doanh nghiệp của VPBank nằm ở BĐS, không có áp lực chuyển nợ xấu với Novaland từ nay đến cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO