Ông Ngô Chí Dũng: VPBank vừa nhận gần 3.600 tỷ đồng đặt cọc mua 15% vốn từ SMBC

Minh Vy - H. Kim | 16:02 18/04/2023

Chủ tịch VPBank cho biết, sau khi ký kết hợp tác với SMBC, ngân hàng đã mở rộng hoạt động sang mảng khách hàng FDI và đã thành lập trung tâm FDI được 1 tháng.

Ông Ngô Chí Dũng: VPBank vừa nhận gần 3.600 tỷ đồng đặt cọc mua 15% vốn từ SMBC

Chiều ngày 18/4, Ngân hàng VPBank tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.

Trong phần thảo luận, cổ đông VPBank đặt nhiều câu hỏi liên quan tới thương vụ bán vốn, tình hình kinh doanh, trái phiếu doanh nghiệp...

Đã nhận cọc 10%, ngân hàng hưởng lợi lớn từ sự hợp tác

Liên quan thương vụ bán 15 vốn cho đối tác Nhật SMBC, Ông Ngô Chí Dũng, chủ tịch VPBank cho biết, ngày 27/3 hai bên đã ký hợp tác chiến lược. Và ngày 17/4 (tức là hôm qua), VPBank đã nhận được đặt cọc 10% giá trị thương vụ, hơn 3.900 tỷ. Còn một số thủ tục khi phát hành riêng lẻ, dự kiến sẽ kéo dài 2-3 tháng và đến khoảng cuối tháng 7, đầu tháng 8 sẽ hoàn tất thương vụ, khi đó đối tác sẽ chuyển tiền vào.

VPBank được lợi gì từ thương vụ này? ông Dũng cho biết, thương vụ giúp VPBank có nguồn vốn lớn thứ 2 trong hệ thống, giúp có nền tảng vốn vững chắc để nâng cao sản phẩm, dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của mọi phân khúc khách hàng, đặc biệt là những phân khúc trước nay chưa làm mạnh như nhóm khách hàng lớn, FDI...Hiện VPBank đã mở bộ phận kinh doanh mới liên quan khách hàng FDI được 1 tháng và đã có những kết quả tích cực ban đầu.

SMBC sẽ chia sẻ bí quyết, kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, chuyển đổi số mà SMBC tích luỹ được trên thị trường toàn cầu. Với mạng lưới đa quốc gia, vị thế mà SMBC hỗ trợ cho VPBank sẽ giúp ngân hàng tiếp tục huy động vốn thuận lợi hơn trên thị trường quốc tế.

Tham gia tái cơ cấu TCTD yếu kém và nhận chuyển giao bắt buộc

Cổ đông hỏi, VPBank có nằm trong những ngân hàng tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém hay không và có cơ hội được nới room ngoại lên 49% hay không?

Ông Ngô Chí Dũng cho biết, VPBank là một trong 4 ngân hàng tham gia vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, chuyển giao bắt buộc. hiện Ban lãnh đạo đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất cơ quan chức năng. 

Trong dự thảo đề án, trong 4 ngân hàng tham gia thì có 2 ngân hàng được nới room ngoại lên 49%. Trong đề án có nội dung vậy, nhưng còn phụ thuộc vào quá trình phê duyệt. Bởi vậy lãnh đạo VPBank chưa thể nói điều gì chính xác được điều gì ở thời điểm này.

Quý 1 đạt lợi nhuận hơn 4.000 tỷ ở ngân hàng mẹ, Fe Credit không có lãi nhưng tự tin kế hoạch cả năm

Tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, ban lãnh đạo lại có kế hoạch khá tham vọng, cổ đông hỏi ngân hàng có cách thức để thực hiện như thế nào. Quý 1 đã hoàn thành được bao nhiêu % cả năm?

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank trả lời: Quý 1, ngân hàng mẹ có lợi nhuận hơn 4.000 tỷ, tăng trưởng tín dụng 7% và huy động là 11,5%. FE Credit vẫn còn khó khăn, không có lãi quý 1 và không hoàn thành kế hoạch.

Với 4.000 tỷ lợi nhuận, ngân hàng mới đi 1/5 chặng đường, nhưng với tăng trưởng tới đây thì mục tiêu lợi nhuận riêng lẻ 22.000 tỷ vẫn trong tầm tay.

Nợ xấu cũng được cổ đông hỏi, ông Vinh cho biết, cuộc khủng hoảng thanh khoản cuối 2022 đã thể hiện trong quý 1, doanh nghiệp không có đơn hàng, khách hàng cá nhân do lãi suất tăng cao không thể trả nợ. Một số tập đoàn BĐS có mâu thuẫn với người mua nhà, dẫn đến một số khoản nợ xấu nảy sinh. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 2,19% lên 2,6%. Dự kiến mức độ tăng này tiếp tục trong quý 2, nhưng duy trì dưới 3%. Ban lãnh đạo đang có biện pháp hỗ trợ khách hàng. Dự kiến nợ xấu giảm dần từ quý 3, quý 4.

Kế hoạch chia cổ tức tiền mặt 5 năm liên tiếp

Cổ đông hỏi năm nay thì chia cổ tức tiền mặt còn Kế hoạch cổ tức những năm tới ra sao?

Ông Ngô Chí Dũng cho biết, trong chiến lược 5 năm, ban lãnh đạo có đưa hạng mục chia cổ tức tiền mặt trong 5 năm liền. Với nền tảng vốn chúng ta có được, chúng ta duy trì đủ tăng tưởng cao và đủ trích lợi nhuận hàng năm để chia cổ tức tiền mặt cho các cổ đông.


(0) Bình luận
Ông Ngô Chí Dũng: VPBank vừa nhận gần 3.600 tỷ đồng đặt cọc mua 15% vốn từ SMBC
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO