“19 tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016-2019 hầu như không có dự án mới”

PV (TH) | 10:45 19/03/2023

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Vướng mắc lớn nhất là về pháp lý; sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khănvà sự nỗ lực, chủ động của Ủy ban và các doanh nghiệp.

“19 tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016-2019 hầu như không có dự án mới”
19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước. (Ảnh VGP)

Tại Hội nghị Thủ tướng làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước mới đây nhiều doanh nghiệp đã có kiến nghị lên Chính phủ giải quyết các khó khăn.

Vướng mắc hành lang pháp lý

Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, Tập đoàn đặt ra các chỉ tiêu đầu tư năm 2023 khoảng hơn 57,8 nghìn tỷ phân bổ cho các lĩnh vực cốt lõi như khai thác dầu khí, công nghiệp điện, công nghiệp khí, lọc hoá dầu…  Tuy nhiên, hiện tại, với những khó khăn về cơ chế giải ngân vốn đầu tư các dự án lớn, PVN đề xuất kiến nghị: Cần sớm có các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Dầu khí, đặc biệt là vấn đề đầu tư ra nước ngoài.

Đại diện PVN cũng đề nghị Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho chuỗi dự án như: Đẩy nhanh việc thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Nhà máy điện Ô Môn II… Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án nhà máy điện Ô Môn III để EVN có thể triển khai thực hiện Dự án đáp ứng tiến độ cấp khí thượng nguồn.

19.3_pvn.jpg
Khó khăn chung của 19 tập đoàn, tổng Công ty trực thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước đều vướng mắc về pháp lý. (Ảnh: Int)

Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) Bùi Thị Thanh Tâm, chia sẻ, doanh nghiệp này luôn bảo đảm cung cấp lương thực kịp thời ngay cả những thời điểm khó khăn do dịch COVID-19. Doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm mở rộng hợp tác với các đối tác lớn, có trình độ quản trị vượt trội, phát triển các thị trường mới tiềm năng.

Hiện Vinafood1 cũng đang phải cạnh tranh khốc liệt với hơn 200 thương nhân xuất khẩu gạo và hàng trăm doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực này, do đó, đơn vị này kiến nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện hành lang pháp lý, giúp doanh nghiệp cơ cấu lại tài chính, đầu tư hiệu quả và tận dụng được cơ hội.

Còn ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) cho biết, năm 2022, Tập đoàn đạt kết quả tích cực , doanh thu, lợi nhuận khả quan, không có đơn vị thua lỗ. Các dự án thua lỗ trước đây thuộc diện tái cơ cấu đều có lãi (nhà máy đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình và DAP số 2 Lào Cai).

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hoạt động, đại diện Vinachem đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa Luật số 106/2016/QH13 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, loại trừ các sản phẩm phân bón urê, phân lân chế biến không phải chịu thuế suất 5%, giúp giảm giá thành, giảm bớt khó khăn trong hoạt động xuất khẩu.

Vinachem cũng kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương duy trì biện pháp phòng vệ đối với các sản phẩm phân DAP và MAP nhập khẩu nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, tạo điều kiện phát triển bền vững doanh nghiệp trong nước, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ...

Đóng góp chưa tương xứng

Trước những khó khăn của 19 tập đoàn, tổng công ty do Uỷ ban quản lý vốn quản lý, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tưcho thấy, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn.

Trong giai đoạn 2016-2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, đã báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác…

Thủ tướng chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan lớn: Vướng mắc lớn nhất là về pháp lý; sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc nói chung là chưa thật sự chặt chẽ, có hiệu quả; cần sự nỗ lực, cố gắng, chủ động hơn nữa của Ủy ban và các doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành có liên quan, cụ thể là Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban và các doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động, tích cực xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập của 19 tập đoàn, tổng công ty.

Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, truyền thống, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng.

Tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, thực chất nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tương xứng với nguồn lực nắm giữ, đầu tư cho đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ, các ngành mới nổi liên quan tới chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…

Ủy ban tập trung triển khai Kết luận của Bộ Chính trị để hoàn thiện mô hình Ủy ban tốt nhất có thể, tách bạch quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, giảm bớt can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch được Chính phủ giao; tích cực, chủ động xử lý xong dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý và Chính phủ đã có kế hoạch; khẩn trương xây dựng, trình phương án xử lý đối với 4/12 dự án, doanh nghiệp còn lại để trình Bộ Chính trị.

Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn là rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoặc chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.

Bài liên quan

(0) Bình luận
“19 tập đoàn, tổng công ty giai đoạn 2016-2019 hầu như không có dự án mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO