Xây dựng đô thị thông minh: Không thể “té nước theo mưa”

Minh Trang | 22:27 16/04/2022

Để xây dựng đô thị thông minh cần dựa trên những điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương mang tính “chuyên biệt”, chứ không thể “té nước theo mưa”...

Xây dựng đô thị thông minh: Không thể “té nước theo mưa”
Xây dựng đô thị thông minh phải phù hợp với từng địa phương.

Đó  là  nhận  định  được  các  chuyên  gia  đưa  ra  tại buổi toạ đàm trực tuyến “Đô thị thông minh – từ thực tiễn đến chính sách" vừa  quaa.

Mô hình nào cho Việt Nam?

Đến nay, cả nước đã có 41/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã hoặc đang triển khai xây dựng đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế-xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành, từng vùng.

Ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng cho biết, Đề án Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án 950) đã được ban hành, song hiện nay vẫn còn những bất cập trong phát triển đô thị. Bởi quá trình học tập kinh nghiệm từ các nước, mỗi nước có cách tiếp cận đô thị thông minh khác nhau. Điều đó cũng đặt ra phát triển đô thị thông minh nhưng phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Với đô thị Việt Nam, theo quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan, được phân định thành nhiều loại như thành phố, thị xã, thị trấn. Do đó, phát triển đô thị hay phát triển đô thị thông minh, tùy từng đô thị, từng cấp độ, mà có định hướng khác nhau.

Thực tế, trên thế giới cũng không có mô hình chuẩn cho đô thị thông minh, mà từng đô thị chọn thách thức, giải pháp của họ. Các thành phố già cỗi như London, Tokyo muốn tái thiết đô thị thông minh phải đối mặt với dân số già, biến đổi khí hậu... Hay như Ấn Độ đặt ra mục tiêu 100 thành phố thông minh, có thành phố chỉ giải quyết về rác thải, có thành phố xử lý không khí ô nhiễm... Vì vậy chúng ta không thể đặt mục tiêu đô thị thông minh theo hướng tổng hòa tất cả.

Có thể thấy, tiếp cận đô thị thông minh Việt Nam có những thách thức. Trong Đề án 950, Bộ Xây dựng nhận định đô thị thông minh là vấn đề mới, do đó cần xây dựng thể chế, công cụ, cần có văn bản pháp luật để quy định, hỗ trợ thúc đẩy nhà đầu tư phát triển đô thị thông minh.

Tại Việt Nam, nhiều đô thị đang chạy theo phong trào, các tập đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ lập đề án xong, nhưng không biết nguồn lực nào để phát triển, không biết bắt đầu từ đâu. Với đô thị Việt Nam, chúng ta sẽ lựa chọn vấn đề ưu tiên, ví dụ Phú Quốc chọn du lịch thông minh…

Khó khăn nữa là dữ liệu, nếu đô thị thông minh không có dữ liệu đầu vào để phân tích thì sẽ không có đô thị thông minh. Chúng ta đang bắt đầu triển khai chuyển đổi số để xây dựng dữ liệu, nhưng hiện tại cách thức làm giàu kho dữ liệu đang thiếu hụt.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đồng tình cho rằng, thách thức lớn nhất là hiểu thế nào cho đúng về đô thị thông minh. Thực chất là khái niệm "động”, không có mô hình chuẩn áp dụng cho tất cả các thành phố. Nhưng nó có một số đặc điểm chung đó là đô thị thông minh sẽ giải quyết các vấn đề về môi trường, giao thông… và dịch vụ được tiếp cận dễ dàng.

“Tôi cho rằng, bản chất của đô thị thông minh là phải có giải pháp quản trị thông minh để phục vụ người dân được tốt hơn, phải xác định được mục tiêu, cả về mặt tư duy”. 

 Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Mỗi địa phương 1 cách tiếp cận

Theo ông Nguyễn Hoài Bắc, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển và Đầu tư Đại Sơn, muốn xây dựng Hà Nội thành một đô thị thông minhkhông phải chuyện một sớm một chiều. Bởi ngay việc hoàn thiện phần mềm để biết là đoạn đường nào đang bị tắc và khu vực nào đang bị ô nhiễm môitrường cũng còn là một bài toán.

Ông Bắc cho rằng, để người dân có một cuộc sống tốt hơn thì chúng ta buộc phải bắt đầu làm từ bây giờ, từ cụm dân cư cho đến các khu đô thị mới, buộc phải dựng tốt cơ sở hạ tầng rồi mới tính tới phát triển đô thị thông minh.

Để xây dựng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh cũng như nền tảng pháp lý và các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho đô thị thông minh, ông Lê Hoàng Trung cho biết, rất khó vì chưa có tiêu chí nào đo đếm.

Đề án 950 đề ra cách tiếp cận, nhận diện, có những trụ cột: Đầu tiên, đô thị thông minh bắt đầu từ công tác quy hoạch thông minh. Thứ hai, công tác quy hoạch liên quan dữ liệu đầu vào. Dữ liệu đô thị thông minh phải có sự liên thông, mỗi bộ ngành quản lý theo một lĩnh vực, nhưng đô thị là đa ngành, đa lĩnh vực. Thứ ba, liên quan đến đầu tư và quản lý đô thị thông minh, có đô thị hiện hữu và đô thị mới.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, các bộ tiêu chí, nên thay đổi vì nó không còn phù hợp. Các tiêu chuẩn không phải là miêu tả, bộ tiêu chuẩn phải chống sốc, an toàn, sao cho sử dụng được tốt nhất.

“Tôi nhấn mạnh về quản trị nhà nước, vấn đề nào Nhà nước thực hiện, vấn đề nào cộng đồng có thể thực hiện thì trao quyền cho họ. Khi có giải pháp thì mọi nguồn lực sẽ được tận dụng tốt hơn”, ông Hiếu nói.

Một số đại biểu cho rằng, các đô thị như Đà Nẵng, Bình Dương từ lâu đã quan tâm xây dựng và có giải pháp thông minh, liên quan đến trật tự giao thông, trật tự xây dựng...

Với đô thị đã và đang triển khai như Phú Quốc chọn phát triển du lịch, họ có trung tâm điều hành cung cấp cho khách du lịch các dịch vụ khách sạn nhà hàng, khu giải trí, có camera để giám sát an ninh an toàn cho khách du lịch; Thủ Dầu Một lựa chọn quản lý đô thị trên nền tảng GIS, sử dụng công nghệ viễn thám để giám sát thực hiện quy hoạch xây dựng, để xử lý xử phạt hiệu quả...

“Chúng tôi quan niệm với mỗi địa phương phải có cách tiếp cận tổng thể khi phát triển đô thị thông minh, vì đô thị có nhiều vấn đề. Giống như thư viện, chúng ta đang có 100 đầu sách, nhưng thiết kế sẵn 1.000 ô trống, chuẩn bị trước”, ông Lê Hoàng Trung nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Xây dựng đô thị thông minh: Không thể “té nước theo mưa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO