WHO: Việt Nam nên áp thuế TTĐB với đồ uống có đường ở mức 20%

PV | 13:06 24/10/2023

Theo dõi 40.000 nam giới trong 2 thập kỷ trên thế giới cho thấy, những người uống trung bình 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, hoặc chết vì nhồi máu cơ tim cao hơn 20% so với những người hiếm khi uống.

WHO: Việt Nam nên áp thuế TTĐB với đồ uống có đường ở mức 20%
Nhồi máu cơ tim liên quan đến uống sản phẩm có đường (ảnh minh họa).

Theo bà Trần Thị Tuyết - Trưởng phòng Chính sách thuế giá trị gia tăng và tiêu thụ đặc biệt, Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, cần thiết bổ sung đồ uống có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB phù hợp với Quyết định số 155/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025, khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và xu thế phát triển của thế giới.

Trao đổi với báo chí, TS. BS Nguyễn Thị Hồng Diễm - Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, tại chương trình quốc gia về sức khỏe của Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu giảm tác hại của đồ uống có đường…Vì vậy, thu thuế trong sản xuất và kinh doanh đồ uống có đường, thực phẩm chứa nhiều đường là một trong những giải pháp hạn chế mặt hàng này, kiểm soát hành vi tiêu dùng, chế biến.

“Nhiều nghiên cứu đã tìm ra mối liên quan giữa đồ uống có đường và bệnh tim, nhất là đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Theo dõi 40.000 nam giới trong 2 thập kỷ trên thế giới cho thấy, những người uống trung bình 1 lon đồ uống có đường mỗi ngày có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, hoặc chết vì nhồi máu cơ tim cao hơn 20% so với những người hiếm khi uống. Chưa kể, tiêu thụ nước ngọt thường xuyên làm tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa béo phì, rối loạn lipid máu, tăng glucose máu”, TS. BS Nguyễn Thị Hồng Diễm chỉ ra.

Ths. Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm – Chuyên gia của WHO; Hiện nay đã có 85 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường và việc này đã mang lại hiệu quả. Thực tế, tại Thái Lan cho thấy, 2 năm sau khi thực hiện đánh thuế đồ uống có đường, lượng tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 2,8% trong đó tiêu thụ đồ uống có ga giảm nhiều nhất, với mức tiêu thụ trung bình hàng ngày giảm 17,7%.

WHO khuyến cáo mạnh mẽ về việc cần giảm dung nạp lượng đường tự do mỗi ngày với cả người lớn và trẻ em xuống mức dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và sẽ có lợi hơn cho sức khỏe nếu giảm xuống dưới 5% (tương đương 25 gram hoặc 6 muỗng cà phê).

WHO cũng khuyến cáo các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam áp thuế TTĐB ở mức 20% để điều chỉnh hành vi của người dùng, qua đó giảm thiểu tác hại của đồ uống có đường, đánh vào lượng đường trong sản phẩm…

WHO đưa ra 4 phương án áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường:

Phương án 1, áp thuế 3.500 đồng/lít đồ uống có đường. Theo đó, giá sẽ tăng từ 14% (nước quả) tới 23% (trà và cà phê uống sẵn). Khi có thuế, tiêu thụ sản phẩm này sẽ giảm khoảng 864 triệu lít, số thuế thu được sẽ khoảng 12.090 tỷ đồng. Phương án này làm giảm số lượng lớn đồ uống có đường, tạo động cơ giảm tiêu dùng hoặc đồ uống có đường chứa trong bao bì nhỏ hơn.

Phương án 2, áp thuế 35 đồng mỗi gam đường trong 100 ml. Khi đó, giá sẽ tăng từ 10% (nước quả và nước thể thao) tới 25% (nước uống tăng lực).

Sức tiêu thụ sẽ giảm khoảng 880 triệu lít; tăng thu ngân sách lên tới 12.400 tỷ đồng. Phương án thứ hai nhằm tác động trực tiếp làm giảm hàm lượng đường trong đồ uống, từ đó, tạo động cơ giảm tiêu dùng hoặc thay thế đồ uống có hàm lượng đường cao bằng đồ uống có hàm lượng đường thấp hoặc không chứa hàm lượng đường.

Phương án 3, áp thuế 40% giá xuất xưởng. Khi đó giá bán lẻ sẽ tăng khoảng 20%; tiêu thụ sẽ giảm 863 triệu lít; thuế thu được là 12.400 tỷ đồng.

Phương án 4, áp thuế 10% giá xuất xưởng. Theo đó, giá tiêu thụ sẽ tăng khoảng 5%; tiêu thụ sẽ giảm 216 triệu lít; thuế thu được khoảng 3.690 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
WHO: Việt Nam nên áp thuế TTĐB với đồ uống có đường ở mức 20%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO