Áp thuế TTĐB với đồ uống có đường có thực giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân?

PV | 18:53 05/07/2023

Này 5/7, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Hội thảo góp ý xây dựng Dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) về nọi dung áp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường. Nhiều đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình với đề xuất bổ sung nước giải khát (NGK) có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Áp thuế TTĐB với đồ uống có đường có thực giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân?
Hội thảo góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) ngày 5/7 của VCCI.

Lí do được các đại biểu phản đối đưa ra là trong thực tế chưa có đủ bằng chứng cũng như cơ sở khoa học thuyết phục để khẳng định việc áp dụng thuế TTĐB sẽ giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân, phòng tránh nguy cơ thừa cân béo phì, trong khi đó lại có thể gây ra những tác động tiêu cực lan tỏa đến nhiều ngành kinh tế và đời sống.

PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Việt Nam cho rằng, tình trạng thừa cân béo phì có nguyên nhân từ chế độ dinh dưỡng không lành mạnh, người tiêu dùng tiêu thụ các thực phẩm giàu calories, thời gian ngồi tĩnh tại nhiều, ít vận động làm gia tăng nguy cơ... Đến nay chưa có nghiên cứu tìm thấy mối liên quan duy nhất của thừa cân béo phì với nước giải khát có đường.

“Đường có trong nhiều nguồn thực phẩm khác nhau và nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp calories nhiều nhất trong các thực phẩm. Hiện cũng chưa có nghiên cứu nào xác định tiêu thụ nước giải khát có đường dễ dàng hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác, dẫn đến mức tiêu thụ đường từ NGK có đường cao hơn so với tiêu thụ các thực phẩm có đường khác. Nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất, nếu đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm này, người tiêu dùng vẫn có thể tiêu thụ đường và calo với hàm lượng cao hơn từ các sản phẩm khác” PGS.TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Lâm nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Rượu-Bia-NGK (VBA), cho rằng, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác, như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2024. Nếu cải cách các loại thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của DN và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Bà Nguyễn Minh Thảo - Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cần xem xét các tác động của chính sách thuế này đến không chỉ với ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần…

Cũng theo bà Nguyễn Minh Thảo, nếu bổ sung mặt hàng này vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% sẽ khiến doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát thiệt hại khoảng 3.791,4 tỷ đồng, trong khi đó doanh thu thuế chỉ tăng thêm cho ngân sách 2.722,3 tỷ đồng.

“Chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc, như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường và cả nền kinh tế nói chung. Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% - 0,085%”, bà Nguyễn Minh Thảo phân tích.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Áp thuế TTĐB với đồ uống có đường có thực giúp cải thiện và nâng cao sức khỏe người dân?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO