Báo cáo cập nhất ngành ngân hàng quý 1/2025 của VIS Rating cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2025, năng lực tín nhiệm suy giảm đối với một số ngân hàng quốc doanh (SOB) và ngân hàng quy mô vừa, do gia tăng nợ xấu (NPL) từ các khoản cho vay mua nhà cá nhân trong phân khúc mang tính đầu cơ và từ các khách hàng doanh nghiệp gặp khó khăn dòng tiền. Điều này làm giảm tỷ suất sinh lời trên bình quân tổng tài sản (ROAA) và bộ đệm hấp thụ rủi ro.
Ngược lại, các ngân hàng lớn vẫn duy trì ổn định nhờ hạn chế cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư gặp khó khăn. Hồ sơ nguồn vốn và thanh khoản toàn ngành suy giảm, do tăng trưởng cho vay vượt huy động tiền gửi. Trong thời gian tới, VIS Rating kỳ vọng chất lượng tài sản và khả năng sinh lời sẽ dần cải thiện trong năm 2025, nhờ thị trường bất động sản hồi phục và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt là các SOB và các ngân hàng lớn.
Theo VIS Rating, tỷ lệ NPL toàn ngành tăng 20 điểm cơ bản (bps) so với quý trước (QoQ) lên mức 2,5% trong 3 tháng năm 2025, với tỷ lệ hình thành nợ xấu gia tăng ở hầu hết các ngân hàng.
NPL đối với một số ngân hàng tư nhân như VPB, MBB, OCB, TPB, VIB tăng đáng kể từ cho vay mua nhà cá nhân trong phân khúc mang tính đầu cơ hoặc liên quan đến các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn. SOB như BID, CTG tăng nợ xấu từ khách hàng doanh nghiệp trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Ngược lại, các ngân hàng tư nhân lớn như ACB, TCB duy trì tỷ lệ hình thành nợ xấu ổn định do hạn chế cấp tín dụng đối với các chủ đầu tư bất động sản gặp khó khăn.
Rủi ro tài sản tiềm ẩn đang gia tăng cho các SOB có quy mô đáng kể đối với khách hàng là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) như VCB, BID và đối với các ngân hàng có danh mục cho vay tài chính tiêu dùng cá nhân lớn như VPB, HDB, MBB, trong bối cảnh rủi ro thuế quan đối ứng của Mỹ.
“Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ hình thành nợ xấu của ngành sẽ giảm trong năm 2025, nhờ thị trường bất động sản phục hồi làm giảm nợ xấu từ cho vay mua nhà cá nhân, và các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm cải thiện khả năng trả nợ của các doanh nghiệp”, báo cáo của VIS Rating cho hay.
Bên cạnh đó, cũng theo VIS Rating, ROAA toàn ngành đi ngang ở mức 1.5% trong 3T2025, nhờ tăng trưởng tín dụng tính từ đầu năm đến nay ở mức 3.6% từ cả phân khúc cá nhân và doanh nghiệp.
NIM giảm trung bình 40bps QoQ, đặc biệt là ngân hàng quy mô vừa do lãi suất cho vay thấp hơn và chi phí huy động cao hơn. Do đó, ROAA của các ngân hàng quy mô vừa sụt giảm, ngoại trừ SSB được lợi từ thoái vốn công ty tài chính tiêu dùng. SOB cũng chứng kiến lợi nhuận thấp hơn, ảnh hưởng bởi chi phí tín dụng tăng như CTG hoặc lợi nhuận đầu tư trái phiếu thấp hơn như BID.
Ngược lại, ngân hàng tư nhân lớn như TCB, HDB, MBB cải thiện ROAA nhờ chi phí tín dụng thấp hơn, thu nhập từ phí cao hơn và/hoặc tăng thu hồi nợ xấu.
VIS Rating nhận định, ROAA toàn ngành sẽ cải thiện trong năm 2025, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn từ cho vay dài hạn doanh nghiệp và cho vay mua nhà, cũng như giảm chi phí tín dụng.
VIS Rating cho biết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) của ngành giảm từ 91% vào năm 2024 xuống còn 80% trong 3 tháng năm 2025, phản ánh bộ đệm dự phòng giảm khi các khoản nợ có vấn đề gia tăng. Sự suy giảm này rõ rệt nhất ở các SOB như BID, CTG và các ngân hàng quy mô vừa như LPB, TPB, VIB.
Các ngân hàng nhỏ như KLB, NVB, VAB vẫn giữ quy mô vốn ở mức thấp nhất do lợi nhuận khiêm tốn và tăng trưởng tín dụng mạnh trong 3 tháng năm 2025.
Ngoài ra, các khoản chi trả cổ tức bằng tiền mặt lớn theo kế hoạch của một số ngân hàng quy mô vừa như LPB, OCB sẽ làm suy giảm bộ đệm vốn trong năm 2025, hạn chế khả năng hấp thụ các rủi ro tín dụng trong tương lai.
Hiện nguồn vốn và thanh khoản suy giảm, các ngân hàng quy mô vừa đối mặt với áp lực lớn hơn. Theo đó, tỷ lệ tiền gửi CASA trên tổng dư nợ cho vay toàn ngành giảm 2 điểm phần trăm QoQ xuống 18,8% trong 3 tháng năm 2025, do doanh nghiệp rút tiền gửi ở một số ngân hàng như LPB, MBB, SSB, TPB. Ngược lại, OCB tiếp tục cải thiện CASA nhờ các nỗ lực số hóa liên tục của mình.
Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi khách hàng (LDR) của ngành tăng lên mức cao nhất trong 5 năm ở mức 108% tại 3 tháng năm 2025. Áp lực thanh khoản rõ rệt hơn tại một vài ngân hàng quy mô vừa do mức tài sản thanh khoản thấp hơn như LPB, TPB và lượng tiền gửi rút ra đáng kể như TPB, SSB.
Với tăng trưởng cho vay vượt huy động tiền gửi, chúng tôi kỳ vọng ngân hàng sẽ gia tăng phụ thuộc vào trái phiếu dài hạn để bổ sung nhu cầu vốn.