VietinBank mời đấu giá khách sạn trăm tỷ ở Hội An sau 2 lần bán “ế”

Lê Sáng | 15:16 18/03/2024

VietinBank lần thứ 3 rao bán đấu giá khách sạn 4 sao ở Hội An với mức khởi điểm 110 tỷ đồng - giảm hơn 21% so với trước sau 2 lần rao bán bất thành.

VietinBank mời đấu giá khách sạn trăm tỷ ở Hội An sau 2 lần bán “ế”
Khách sạn 4 sao tại Hội An đang được ngân hàng rao bán. Ảnh: Website Le Pavillon Paradise Hoi An Hotel & Spa

Ngân hàng Công Thương (VietinBank) chi nhánh Hội An vừa thông báo bán quyền sử dụng hơn 636 m2 đất, khách sạn và toàn bộ trang thiết bị gắn liền với đất tại thửa số 89, phường Tân An, TP Hội An. Đây là tài sản đảm bảo của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Ngọc Phát.

Theo đó, tài sản trên đất là khách sạn 4 sao Le Pavillon Paradise Hoi An Hotel & Spa với tổng diện tích sàn hơn 2.600 m2. Khách sạn có một hồ bơi với diện tích sàn hơn 120 m2.

VietinBank đã chào đấu giá tài sản này hai lần trước đó vào tháng 8 và 9 năm ngoái, khởi điểm từ 140 tỷ đồng. Tại lần đấu giá thứ ba, giá khởi điểm của tài sản còn 110 tỷ đồng, giảm hơn 21%, chưa gồm thuế, phí, lệ phí và các chi phí khác. Người muốn tham gia cuộc đấu giá cần nộp cọc trước 11 tỷ đồng, tương đương 10% giá khởi điểm.

Trước đó, VietinBank cũng rao bán hai khách sạn cùng thương hiệu Le Parillon Hoi An. Trong đó quyền sử dụng đất và công trình khách sạn Le Parillon Hoi An Central Luxury Hotel & Spa hình thành trong tương lai là tài sản đảm bảo của Công ty Hoàng Hùng Phát. Tài sản này có diện tích gần 850 m2, tại phường Cẩm Phô, TP Hội An. Khách sạn gồm 6 tầng, quy mô 84 phòng. Giá khởi điểm tại tháng 11/2023 là 92 tỷ đồng.

Tài sản thứ hai là khách sạn Le Pavillon Hoi An Square Luxury Hotel của Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoàng Liên Phát với diện tích hơn 610 m2, cũng tại phường Cẩm Phô. Khách sạn cao 7 tầng, được chào bán với giá khởi điểm tại tháng 11/2023 là hơn 97 tỷ đồng.

Khó xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản

Thực tế cho thấy, hiện nay, tổng giá trị bất động sản thế chấp tại các ngân hàng chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay. Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ này thậm chí lên đến 80 - 90% và lớn hơn nhiều lần tổng dư nợ cho vay. Do đó, bất động sản thường là tài sản được các tổ chức tài chính đem ra phát mãi nhiều nhất khi khách hàng vay vốn vì nhiều lý do mà không trả được nợ.

Thời gian gần đây, với việc nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng, để xử lý nợ xấu, các ngân hàng đã liên tục công bố danh sách ngày càng nhiều bất động sản là tài sản thế chấp cho các khoản vay của khách hàng cần xử lý để thu hồi nợ với giá trị hàng chục nghìn tỷ đồng.

Trong đó phần lớn là các dự án bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn 4 - 5 sao ở nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Dương, Quảng Nam, Khánh Hòa, Kiên Giang...

Theo TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA), với khoảng 70% tài sản đảm bảo là bất động sản, việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nhiều phụ thuộc vào bất động sản.

Theo ông Đính, rủi ro nợ xấu ngày càng gia tăng buộc ngân hàng phải liên tục rao bán hàng nghìn tài sản bảo đảm với mức chiết khấu hấp dẫn nhưng vẫn khó thanh khoản.

“Mua bất động sản phát mãi có thể là cơ hội để sở hữu món hời, đồng thời cũng đầy rủi ro”, TS. Nguyễn Văn Đính đánh giá.

Về triển vọng phục hồi của hoạt động mua, bán bất động sản phát mãi, TS. Nguyễn Văn Đính dự báo thanh khoản có khả năng cao sẽ được cải thiện cùng với tiến trình phục hồi tích cực của thị trường bất động sản.

“Hiện cũng đã có nhiều quỹ đầu tư do một số cá nhân thành lập với nguồn vốn khoảng vài trăm tỷ đồng tiến hành mua các bất động sản trước thời điểm bị ngân hàng tịch thu, phát mãi”, ông Đính cho biết.

Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch VNREA, để tránh được những rủi ro tiềm ẩn, người mua cần cẩn trọng, lưu ý một số vấn đề.

Thứ nhất, định giá lại BĐS, do nhiều tài sản bảo đảm được định giá cao hơn giá trị thực tế khi phê duyệt khoản vay. Trong khi, giá trị phát mãi thường có xu hướng định giá theo khoản nợ và khoản lãi phát sinh mà không sát với thực tế thị trường.

Thứ hai, người mua cần nắm được lý do bị phát mãi, tránh trường hợp có tranh chấp với bên thứ ba; Thứ ba, người mua cần lên phương án tài chính, tính toán chi phí lãi vay và vốn đầu tư bỏ ra để tránh “ham rẻ” vô tình lại dính vào vòng xoáy “nợ nần”.


(0) Bình luận
VietinBank mời đấu giá khách sạn trăm tỷ ở Hội An sau 2 lần bán “ế”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO