Thị trường chứng khoán phiên 10/1 chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của hàng loạt cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là dấu ấn của nhóm quốc doanh. Vietcombank một lần nữa chạm mốc nửa triệu tỷ vốn hóa, BIDV lại xác lập đỉnh mới, VietinBank cũng vừa có cú nhấn ga ấn tượng để vượt VinGroup, qua đó lọt vào top 5 cái tên giá trị nhất sàn chứng khoán.
Phiên 10/1, cổ phiếu CTG của VietinBank tăng 3,33% lên mức 31.000 đồng/cp, tương ứng vốn hóa 166.470 tỷ đồng. Con số này vừa đủ để vượt qua VinGroup khi cổ phiếu VIC giảm nhẹ 0,68% xuống mức 43.600 đồng/cp, tương ứng vốn hóa còn 166.288 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2024, vốn hóa của VietinBank đã tăng gần 21.000 tỷ đồng trong khi Vingroup đã mất hơn 3.800 tỷ vốn hóa.
VietinBank được thành lập vào ngày 26/3/1988, trên cơ sở tách ra từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị định số 53/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng. VietinBank được phê duyệt phương án cổ phần hóa vào tháng 9/2008 và IPO thành công vào cuối năm. Nhà băng này chính thức niêm yết tháng 7/2009 với mã chứng khoán là CTG. Ở thời kỳ đỉnh cao, vốn hóa VietinBank đạt xấp xỉ 198.000 tỷ vào cuối tháng 6/2021.
Giai đoạn đầu trước khi cổ phần hóa, tình hình kinh doanh của ngân hàng trải qua nhiều thăng trầm. Tuy nhiên, kết quả đã được cải thiện rõ rệt trong khoảng một thập kỷ trở lại đây sau khi có cổ đông chiến lược là định chế tài chính đến từ Nhật Bản Mitsubishi UFJ vào năm 2013. Lợi nhuận của nhà băng tăng trưởng qua từng năm, trừ năm 2018 do yếu tố khách quan.
Cụ thể, phương án tái cơ cấu lại hoạt động ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016 - 2020 đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt ngày 27/11/2018. Dù vậy, do phương án tăng vốn thời điểm đó chưa được phê duyệt và việc thực hiện bước đầu đề án tái cơ cấu khiến VietinBank phải điều chỉnh giảm một loạt chỉ tiêu trong quý cuối năm.
Lợi nhuận của VietinBank sau đó đã nhanh chóng tăng trưởng trở lại từ năm 2019 và đạt kỷ lục gần 21.000 tỷ đồng năm 2022. Dù chưa công bố con số cụ thể nhưng đại diện ngân hàng cho biết lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 của VietinBank đã vượt mục tiêu kế hoạch (22.500 tỷ đồng) được ĐHĐCĐ giao phó trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động.
Trong khi đó, VinGroup tiền thân là Tập đoàn Technocom, thành lập năm 1993 tại Ucraina. Đầu những năm 2000, Technocom trở về Việt Nam, tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch và bất động sản với 2 thương hiệu chiến lược là Vinpearl và Vincom. Đến tháng 1/2012, Vincom và Vinpearl sáp nhập, chính thức hoạt động dưới mô hình Tập đoàn với tên gọi Tập đoàn VinGroup – CTCP.
Từ khi niêm yết trên HoSE vào tháng 9/2007, VinGroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng luôn nằm trong top những doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán. Thậm chí, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng còn nhiều năm giữ vị trí số 1 thị trường với vốn hóa có thời điểm lên đến hơn 20 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, mảng bất động sản dù vẫn là trụ cột nhưng không còn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao như trước. Lĩnh vực công nghiệp – công nghệ được định hướng trở thành mũi nhọn, cũng chưa đem lại lợi nhuận dù VinFast đã có những dấu ấn nhất định.