Việt Nam xuất khẩu rau quả đã qua chế biến vượt 1 tỷ USD năm 2022

Phương Thảo | 23:02 10/02/2023

Dù xuất khẩu toàn ngành rau quả giảm gần 6% so với cùng kỳ, do chủ yếu giảm xuất khẩu trái cây tươi. Nhưng xuất khẩu rau quả đã qua chế biến lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2022.

Việt Nam xuất khẩu rau quả đã qua chế biến vượt 1 tỷ USD năm 2022
Xuất khẩu rau quả đã qua chế biến của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 1 tỷ USD trong năm 2022.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), năm 2022 xuất khẩu toàn ngành rau quả dù chịu ảnh hưởng nặng từ chính sách Zero covid của Trung Quốc khiến xuất khẩu chỉ đạt 3,34 tỷ USD, giảm gần 6% so với năm 2021, nhưng cơ cấu chủng loại rau quả xuất khẩu của Việt Nam có chuyển biến tích cực khi tỷ trọng sản phẩm chế biến tăng.

Cụ thể, giá trị xuất khẩu rau quả năm 2022 đạt 3,34 tỷ USD, giảm 5,9% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu rau quả tươi, đông lạnh đạt 2,32 tỷ USD; rau quả chế biến đạt 1,014 tỷ USD.

Với kim ngạch xuất khẩu 1,014 tỷ USD trong năm 2022, lần đầu tiên xuất khẩu rau quả chế biến đã vượt 1 tỷ USD…

Việt Nam hiện xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng trái cây tươi, khó vận chuyển xa do không thể bảo quản được lâu. Do đó, các doanh nghiệp ngành rau quả cần tập trung vào phân khúc sản phẩm chế biến, bởi đây là xu hướng của thị trường trong thời gian tới.

Trong các sản phẩm rau quả chế biến, các sản phẩm chế biến từ trái chanh leo dẫn đầu về trị giá và có tốc độ tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022 với mức tăng tới 78% và đạt 135 triệu USD. Tiếp theo là các sản phẩm chế biến từ trái dừa (122 triệu USD), trái cây các loại (100 triệu USD), hạt dẻ cười (90 triệu USD), dứa (53 triệu USD)…

Phần lớn rau quả tươi của Việt Nam khi xuất khẩu có đích đến là thị trường Trung Quốc, thì nhóm sản phẩm rau quả chế biến lại đang tăng trưởng nhanh ở những thị trường xa, đặc biệt là EU và Hoa Kỳ.

Điều này dễ lý giải, do trái cây và rau là những mặt hàng nhanh hỏng, thời gian bảo quản rất ngắn, nên chỉ thích hợp lưu thông và tiêu thụ ở các thị trường gần.

Với thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, rau quả tươi rất khó để vượt qua hành trình tàu biển kéo dài cả tháng. Nếu vận chuyển bằng máy bay thì cước phí vận chuyển quá cao. Trong khi đó, trái cây đã chế biến đóng hộp, nước ép trái cây đóng chai có thời gian sử dụng 1-2 năm, giúp vượt qua những thách thức vận chuyển dài ngày.

Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên đề xuất, thời gian tới Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ địa phương quy hoạch khu chế biến và có chính sách khuyến khích đầu tư; hỗ trợ về nguồn vốn cũng như chuyển giao công nghệ...

Ðặc biệt, cần có các hỗ trợ về vốn, kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp xây dựng mô hình liên kết hiệu quả và bền vững tại vùng nguyên liệu; Tăng cường quản lý vùng trồng, quản lý chất lượng vật tư, cây giống và cả quá trình sản xuất, chế biến để đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Việt Nam xuất khẩu rau quả đã qua chế biến vượt 1 tỷ USD năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO