Những tòa cao ốc để chăn nuôi lợn
Cuối tháng 9 năm ngoái, 3.700 chú lợn nái đầu tiên được chuyển đến một tòa nhà cao 26 tầng, tọa lạc ở một ngôi làng nông thôn tại thành phố Ngạc Châu, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Hàng chục heo nái mỗi lượt được đưa vào các thang máy công nghiệp để di chuyển lên các tầng cao hơn, nơi chúng sẽ được chăm sóc cho đến khi thụ tinh và trưởng thành.
Đây chính là cách Trung Quốc xây dựng ngành chăn nuôi lợn, nơi đất nông nghiệp khan hiếm, sản xuất lương thực bị tụt hậu và nguồn cung thịt lợn là một yêu cầu chiến lược.
Bên trong tòa nhà này, các kỹ thuật viên mặc đồng phục, làm việc trong một trung tâm điều hành giám sát đàn heo nái bằng camera có độ phân giải cao. Mỗi tầng của tòa nhà vận hành giống như một một hệ thống chuồng trại khép kín dành cho các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của heo, bao gồm khu vực dành cho lợn mang thai, khu vực dành cho lợn con và không gian để vỗ béo lợn con.
Thức ăn được vận chuyển trên một băng chuyền lên tầng trên cùng rồi được đưa vào các bể khổng lồ, nơi có thể cung cấp hơn 450 tấn thức ăn mỗi ngày, sau đó đưa xuống các tầng bên dưới thông qua các máng ăn công nghệ cao. Hệ thống này tự động phân phối thức ăn dựa trên nhu cầu của từng giai đoạn trưởng thành, cân nặng và sức khỏe của heo.
Tòa nhà cao tầng này được ca ngợi là trang trại nuôi heo độc lập lớn nhất thế giới. Một tòa nhà cao tầng nuôi heo thứ hai của UZKMAH cũng sẽ sớm được khai trương tại đây. Khi cả hai trang trại cao tầng đạt công suất tối đa vào cuối năm nay, dự kiến sẽ nuôi 1,2 triệu con lợn mỗi năm.
Tăng năng suất để đáp ứng nhu cầu thịt trong nước
Ngày nay, không quốc gia nào tiêu thụ thịt lợn nhiều hơn Trung Quốc. Nước này tiêu thụ một nửa số lượng thịt lợn của thế giới. Giá thịt lợn được giám sát chặt chẽ như một thước đo lạm phát và được quản lý cẩn thận thông qua kho dự trữ thịt chiến lược của nhà nước, có thể được trích xuất để bán ra thị trường để ổn định giá khi nguồn cung cạn kiệt.
Tuy nhiên, thịt lợn ở Trung Quốc thường có giá cao hơn so với giá thịt của những quốc gia khác, nơi chăn nuôi heo đã trở thành một ngành công nghiệp lâu đời. Vì vậy, trong vài năm gần đây, hàng chục trang trại heo công nghiệp khổng lồ mọc lên khắp Trung Quốc như một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm thu hẹp khoảng cách với các nước khác.
Được xây dựng bởi Công ty Hubei Zhongxin Kaiwei Modern Animal Husbandry (UZKMAH), trang trại heo cao tầng ở Ngạc Châu giống như một biểu tượng cho tham vọng hiện đại hóa sản xuất thịt heo của Trung Quốc.
“Trình độ chăn nuôi heo lợn hiện tại của Trung Quốc vẫn chậm hơn các nước tiên tiến nhất hàng chục năm. Điều này cung cấp cho chúng tôi cơ hội cải thiện để bắt kịp”, Zhuge Wenda, Chủ tịch UZKMAH nói.
Trang trại cao tầng của UZKMAH hoạt động thực sự giống như một nhà máy hiện đại với những dây chuyền sản xuất chính xác chẳng kém nhà máy lắp ráp sản xuất iPhone của Foxconn.
Sáu thập niên sau khi nạn đói giết chết hàng chục triệu người, Trung Quốc vẫn đi sau hầu hết các nước phát triển về sản xuất lương thực hiệu quả. Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu nông sản lớn nhất, bao gồm hơn một nửa lượng đậu tương của thế giới, chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi.
Chi phí sản xuất nông nghiệp của Trung Quốc cao hơn nhưng năng suất bắp, lúa mì và đậu nành lại thấp hơn so với các nền kinh tế lớn khác.
Rủi ro về kiểm soát dịch bệnh
Sự chuyển hướng sang các siêu trang trại tăng tốc vào năm 2018 khi dịch tả lợn châu Phi tàn phá ngành công nghiệp thịt lợn của Trung Quốc và theo ước tính, khoảng 40% đàn lợn của nước này đã bị xóa sổ.
Tuy nhiên, Brett Stuart, người sáng lập Global AgriTrends, một công ty nghiên cứu thị trường, cho biết các 'chung cư' nuôi lợn và các trang trại khổng lồ khác làm trầm trọng thêm rủi ro lớn nhất mà ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc phải đối mặt. Đó là dịch bệnh.
Việc nuôi quá nhiều lợn cùng nhau trong một cơ sở duy nhất khiến việc ngăn ngừa lây nhiễm bệnh trở nên khó khăn hơn. Ông lưu ý các nhà sản xuất thịt lợn lớn của Mỹ đã mở rộng diện tích trang trại để giảm rủi ro về an toàn sinh học.
“Nếu người nuôi lợn Mỹ nhìn vào những bức hình về trang trại heo cao tầng ở Trung Quốc, họ chỉ biết gãi đầu và nói: ‘Chúng tôi sẽ không bao giờ dám làm điều đó. Nó quá mạo hiểm".
Tuy nhiên, khi giá thịt heo tăng gấp 3 lần trong một năm, cùng với sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với các trang trại heo quy mô lớn thì phần thưởng dường như lớn hơn rủi ro. Cơn bùng nổ xây dựng trang trại heo quy mô lớn lớn xảy ra sau đó, dẫn đến một thị trường tràn ngập nguồn cung.
Hậu quả là hiện nay, giá thịt heo giảm khoảng 60% so với mức cao nhất năm 2019. Ngành công nghiệp thịt heo của Trung Quốc đã chứng kiến sự biến động tương tự đồng tiền ảo Bitcoin, với các chu kỳ bùng nổ hoặc sụp đổ, mang lại lợi nhuận hoặc thua lỗ khổng lồ tùy thuộc vào sự dao động giá cả. Kéo theo đó, những người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ lại đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp với quy mô lớn này.
Tham khảo: NYT