Từ khi được phát hiện và đưa vào khai thác, dầu mỏ chỉ được dùng làm nguồn nhiên liệu chiếu sáng và chữa bệnh da, sau dần phát triển và trở thành "vàng đen" vô giá. Không chỉ cung cấp năng lượng cho sản xuất điện, mà còn là nguồn nhiên liệu cho mọi phương tiện giao thông vận tải.
Ngoài ra, đây còn là linh hồn của ngành công nghiệp hóa học, sinh ra hơn 2.000 sản phẩm thông dụng, từ chất dẻo (plastic) đến vô số ứng dụng khác, khẳng định vị trí đặc biệt trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, dầu mỏ của Việt Nam thuộc loại dầu nhẹ, ngọt. Giá dầu của Việt Nam cũng vì thế mà có giá cao hơn giá dầu của một số nước khác.
Việt Nam hiện có nguồn dầu mỏ với trữ lượng khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới. Từ 1986, dòng dầu thô đầu tiên được khai thác tại mỏ Bạch Hổ. Tháng 4 năm 1987 Việt Nam bắt đầu xuất khẩu dầu thô.
Hiện nay, Việt Nam xếp thứ 4 trong khối Đông Nam Á về xuất khẩu dầu mỏ. Việt Nam có thể sẽ duy trì sản lượng khai thác ở mức khoảng 340.000 thùng/ngày trong vài năm tớ
Theo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, cho đến năm 2021, tổng trữ lượng dầu khí đã phát hiện trên thềm lục địa Việt Nam vào khoảng trên 1,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó có khoảng 734 triệu m3 dầu và condensate và 798 tỷ m3 khí. Trữ lượng các mỏ đang khai thác tập trung chủ yếu ở bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Sông Hồng, Malay-Thổ Chu.
Ngoài các khu vực đã có phát hiện dầu khí, ở các bể trầm tích trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam còn nhiều cấu tạo chưa được thăm dò với tiềm năng có thể thu hồi từ 1,5-2,5 tỷ m3 quy dầu, trong đó khu vực nước sâu, xa bờ, phức tạp chiếm khoảng 50%, được phân bổ như sau: Bể Cửu Long (9%), Sông Hồng (20%), Malay - Thổ Chu (3%), Phú Quốc (2%), Nam Côn Sơn (15%), Phú Khánh (16%), Tư Chính - Vũng Mây (32%), Hoàng Sa (5%).
Tiềm năng các cấu tạo này phân bố ở các khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện thi công thực địa phức tạp, khó khăn, khó chủ động thực hiện ở các bể Tư Chính - Vũng Mây, Sông Hồng, Phú Khánh và Nam Côn Sơn (>50% tổng tiềm năng), các khu vực này ít được thăm dò, mới chỉ có phát hiện dầu khí, tài liệu còn hạn chế nên dự báo tiềm ẩn rủi ro cao.
Bà Rịa – Vũng Tàu chiếm 93,29% trữ lượng dầu cả nước
Dù có diện tích nhỏ nhất Đông Nam Bộ nhưng Bà Rịa - Vũng Tàu lại là một trong những trung tâm khai thác, chế biến dầu lớn nhất Việt Nam. Từ năm 2000 tới nay, tỉnh này trở thành địa phương đi đầu trong lĩnh vực năng lượng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có trữ lượng dầu khoảng 400 triệu tấn, chiếm 93,29% cả nước; trữ lượng khí trên 100 tỷ m3, chiếm 16,2% cả nước. Bà Rịa – Vũng Tàu đang là một trong những trung tâm khai thác, chế biến dầu lớn nhất Việt Nam. Nhiều năm nay, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương đi đầu trong lĩnh vực năng lượng.
Dầu mỏ và khí đốt của Bà Rịa - Vũng Tàu phân bố chủ yếu ở Bể Cửu Long và Bể Nam Côn Sơn. Bể Cửu Long có trữ lượng khai thác khoảng 170 triệu tấn dầu và 28 – 41 tỷ m3 khí. Trong đó, mỏ Bạch Hổ trữ lượng 100 triệu tấn dầu và 25 - 27 tỷ m3 khí, mỏ Rồng trữ lượng 10 triệu tấn dầu và 2 tỷ m3 khí, mỏ Hồng Ngọc và Rạng Đông trữ lượng 50 - 70 triệu tấn dầu và 10 - 15 tỷ m3 khí.
Từ mỏ này có đường ống dẫn khí đồng hành vào bờ cung cấp cho Nhà máy khí hóa lỏng Dinh Cố, Nhà máy điện Bà Rịa và Trung tâm điện lực Phú Mỹ cách Vũng Tàu 40km. Mỏ Bạch Hổ hiện đang khai thác bằng chế độ tự phun, góp phần không nhỏ cho nền kinh tế nước nhà.
So với 30 năm trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Bà Rịa – Vũng Tàu đạt hơn 390.000 tỷ đồng. Tính riêng ngành Dầu khí đã đóng góp hơn 163.000 tỷ đồng, tức là chiếm 41,84%. Được công nhận là đô thị loại một từ năm 2013 đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu luôn là một trong những tỉnh thành có GRDP bình quân đầu người lọt top đầu cả nước.
Theo quy hoạch, Bà Rịa – Vũng Tàu đặt mục tiêu đến năm 2030 cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, đến năm 2030 trở thành đô thị loại 1 trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, có kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai xây dựng và bước đầu xây dựng đề án phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia với mục tiêu nhận diện rõ lợi thế cũng như nút thắt phát triển của ngành kinh tế biển của tỉnh. Từ đó, đề xuất các mô hình phát triển, xác định rõ các đột phá chiến lược phát triển kinh tế biển, thúc đẩy phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn.