Việt Nam có vị thế độc nhất vô nhị, có thể trở thành trung tâm tài chính như Thụy Sĩ, Singapore và UAE

Minh Hằng | 16:44 22/01/2025

Nhiều doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đang có mong muốn được đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam có vị thế độc nhất vô nhị, có thể trở thành trung tâm tài chính như Thụy Sĩ, Singapore và UAE
Ông Roger Leitner, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Phòng Thương mại ASEAN – Thụy Sĩ tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế tương tự Thụy Sĩ, Singapore và UAE. Ảnh: AT

Trưa 21/1 (theo giờ địa phương), tại Davos (Thụy Sĩ), hơn 30 đại diện các tập đoàn hàng đầu thế giới cùng với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam tham dự tọa đàm với chủ đề "Đầu tư phát triển công nghệ cao tại Việt Nam – Cất cánh trong kỷ nguyên thông minh". Tọa đàm này được tổ chức trong khuôn khổ chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).

Tọa đàm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao và các tập đoàn FPT, VinaCapital cùng phối hợp tổ chức theo hình thức ăn trưa làm việc.

Mở đầu tọa đàm, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam nhờ thế mạnh công nghệ cao sẵn có cũng như sự hỗ trợ toàn diện từ Chính phủ với các định hướng chiến lược quốc gia trong công nghệ.

truong-gia-binh-.jpg

Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giới thiệu về những tiềm năng thu hút đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: VGP

Theo Chủ tịch Tập đoàn FPT, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà hiện nay trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độ là tương xứng. Minh chứng là việc mới đây Nvidia đã chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư như quê hương, ngôi nhà thứ hai. Đồng thời, Việt Nam cũng sở hữu tới 1 triệu kỹ sư công nghệ thông tin và hệ thống giáo dục tốt trong lĩnh vực này.

Sau đó, đại diện của nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được mở rộng đầu tư ở Việt Nam trong những lĩnh vực mới. Cụ thể, ông Sanjay Gupta, Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Google khẳng định rằng, sẽ đem những điều tốt đẹp nhất thế giới đến Việt Nam. Ông đánh giá Việt Nam có lợi thế "độc nhất vô nhị" để trở thành quốc gia phát triển trong khu vực.

Ông Sanjay Gupta đề xuất Chính phủ Việt Nam kết nối và tương tác với Internet mạnh mẽ hơn, đồng thời mở cửa kho dữ liệu để trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ.

Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế như Thuỵ Sĩ

sn-elec.jpg
Lãnh đạo của Schneider Electric (giữa) mong muốn Việt Nam đột phá trong cơ sở về hạ tầng giao thông, sân bay và cảng biển. Ảnh: VGP

Ngoài ra, lãnh đạo của Schneider Electric cũng bày tỏ mong muốn hợp tác cùng với Nvidia để phát triển trung tâm dữ liệu ở Việt Nam. Vị lãnh đạo này mong muốn Việt Nam đột phá trong cơ sở về hạ tầng giao thông, sân bay và cảng biển.

Tương tự về hạ tầng, ông Kim Fejer, Giám đốc điều hành A.P Moller Capital (công ty con của Tập đoàn A.P Moller) chia sẻ rằng đang quan tâm, tìm cơ hội đầu tư, đối tác tại Việt Nam về các dự án hạ tầng, giao thông và logistics. Trên thực tế, doanh nghiệp này sở hữu danh mục đầu tư 2 tỷ USD, trong đó có hãng vận tải biển hàng đầu thế giới Maersk. Thế nhưng, Giám đốc điều hành A.P Moller Capital mong muốn Việt Nam nâng giới hạn sở hữu vốn nước ngoài trong các lĩnh vực hạ tầng quan trọng như sân bay và cảng biển.

dn-.jpg

Đại diện của nhiều doanh nghiệp chia sẻ về việc đang quan tâm, tìm cơ hội đầu tư, đối tác tại Việt Nam các dự án hạ tầng, giao thông, logistics. Ảnh: VGP

Bên cạnh đó, ông Roger Leitner, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Phòng Thương mại ASEAN – Thụy Sĩ tin tưởng rằng, Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành trung tâm tài chính quốc tế tương tự Thụy Sĩ, Singapore và UAE. Theo ông, Việt Nam có thể phát triển trung tâm tài chính thông qua việc tập trung vào mở cửa cho các tổ chức tài chính hàng đầu thế giới phát triển tài năng địa phương, tài sản số và hợp tác cùng các ngân hàng tư nhân ở địa phương.

Ngoài ra, vị chuyên gia này gợi ý rằng Việt Nam có thể phát triển và thúc đẩy du lịch chữa bệnh vì sở hữu tiềm năng lớn. Đơn vị này có nhiều phòng thí nghiệm hiện đại và có thể đưa bác sĩ từ Nhật Bản sang hỗ trợ tại Việt Nam. Ông Roger Leitner từng làm việc tại nhà băng hàng đầu Thụy Sĩ UBS tại Thụy Sĩ, Singapore và UAE.

philip-.jpg
Ông Philip Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Đại sứ danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, cho rằng đây là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: VGP

Trong khi đó, theo ông Philip Rosler, nguyên Phó Thủ tướng Đức, Đại sứ danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, nhận định hiện nay là thời điểm tốt nhất để các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Nguyên nhân là vì Việt Nam có chính trị ổn định, môi trường đầu tư hấp dẫn, dân số trẻ với 100 triệu người, yêu thích công nghệ, học vấn cao, thông minh, làm việc rất chăm chỉ và nhất là tinh thần doanh nghiệp rất cao. Việt Nam có thể nhảy vọt. Sự nhảy vọt này không phải từ điện thoại cố định sang cáp quang mà có thể nhảy thẳng lên 5G.

"Đúng cơ hội, đúng thời điểm, đúng quốc gia. Hãy đến Việt Nam", Đại sứ danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ nhấn mạnh.

"Chúng tôi sẽ cung cấp điều các bạn cần, chứ không phải cái Việt Nam có"

bo-truong-khdt-.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VGP

Sau khi lắng nghe các ý kiến của đại diện các doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đang nỗ lực cải cách môi trường, thủ tục đầu tư để trở thành điểm đến an toàn, hiệu quả và cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Bộ trưởng dẫn chứng về thủ tục đầu tư các ngành công nghệ cao tại khu công nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiện nay chỉ cần đăng ký là thực hiện được ngay thay vì phải mất 2 - 3 năm chờ đợi phê duyệt đầu tư, thẩm định các thủ tục đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy như trước đây. Tất cả các thủ tục đã có sẵn tiêu chuẩn, quy chuẩn để sau đó cơ quản quản lý hậu kiểm.

Về trung tâm tài chính quốc tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Quốc hội đã duyệt chủ trương và hiện đang xây dựng hai trung tâm tại TP HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Việt Nam đang rất cần sự tham gia đóng góp về chính sách và chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp nước ngoài.

"Chúng tôi sẽ cung cấp điều các bạn cần, chứ không phải cái Việt Nam có", Bộ trưởng nhấn mạnh. Việt Nam mong muốn phát triển trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng đồng thời cũng cạnh tranh hơn với các quốc gia, nhằm phục vụ tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ nghiêm túc ghi nhận, nghiên cứu đề xuất nâng tỉ lệ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sân bay, cảng biển nhằm thu hút thêm nguồn vốn vào hạ tầng trong tương lai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Việt Nam có vị thế độc nhất vô nhị, có thể trở thành trung tâm tài chính như Thụy Sĩ, Singapore và UAE
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO