Tham dự diễn đàn có khoảng 150 doanh nghiệp với hơn 200 doanh nhân, trong đó có các tập đoàn lớn như ONGC, Essar, Hinduja, Bharat Biotech, Adani, Trivitron, Biocon, HCL, Indian Oil...
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đã tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm và dự kiến đạt 13 tỷ USD vào năm 2021 bất chấp tác động của đại dịch Covid-19.
Đây là cơ sở để hai nước sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 15 tỷ USD trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Việt Nam hiện có hơn 34.400 dự án đầu tư nước ngoài của 141 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký trên 400 tỷ USD.
Tuy nhiên, số vốn đăng ký của các nhà đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam chưa đến 1 tỷ USD và ngược lại, các nhà đầu tư từ Việt Nam vào Ấn Độ cũng chưa nhiều và điều này chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống từ rất lâu đời, đồng thời là đối tác chiến lược toàn diện, có quan hệ chính trị, ngoại giao tốt đẹp, đáng tin cậy giữa hai nước. Do đó tiềm năng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Việt Nam là thị trường hơn 100 triệu dân với dân số trẻ đang trong thời kỳ dân số vàng và tầng lớp trung lưu đang gia tăng rất nhanh chóng.
Thông qua Việt Nam các doanh nghiệp Ấn Độ có cơ hội tiếp cận với thị trường rộng lớn của ASEAN - nền kinh tế đứng thứ 6 thế giới với tổng dân số đến 650 triệu người.
Đầu tư vào Việt Nam cũng là được tiếp cận với thị trường rộng lớn trên thế giới do Việt Nam là một đối tác đã ký đến 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
Việt Nam có thị trường rất rộng lớn với hệ thống pháp luật khá đồng bộ, với hệ thống chính sách về ưu đãi đầu tư và bảo hộ đầu tư theo những tiêu chuẩn cao không chỉ đối với khu vực mà còn đối với quốc tế.
Chính phủ Việt Nam luôn cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để tạo điều kiện tốt nhất và thuận lợi nhất cho doanh nghiệp các nước đầu tư kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định dư địa và cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước còn rất nhiều. Hai nước cần hướng đến một nền kinh tế xanh, nền kinh tế tuần hoàn.
Hai nước cũng có tiềm năng và lợi thế để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số, năng lượng, thăm dò khai thác và chế biến dầu khí trong vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam cũng như tham gia vào các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng, tái tạo điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, kể cả tham gia đầu tư các hệ thống đường dây truyền tải điện.
Hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine. Việt Nam hoàn toàn có điều kiện để trở thành một trung tâm sản xuất vaccine không chỉ cho người mà cho cả gia súc; trung tâm nghiên cứu sản xuất, chế biến và phân phối thuốc đặc trị cho các bệnh nhiệt đới không chỉ dành cho Việt Nam mà còn cho toàn khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Vì thế, tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này là rất lớn. Theo đó, các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tham gia đầu tư về kết cấu hạ tầng, công nghiệp chế biến, nông sản, đầu tư trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Với tinh thần như vậy, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh các cơ quan đã phối hợp tổ chức diễn đàn này; nhấn mạnh, những thành công gặt hái trong diễn đàn ngày hôm nay là sự khởi đầu rất tốt đẹp cho một làn sóng đầu tư mới giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư của hai nước. Tất cả vì mục tiêu đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Ấn Độ lên một tầm cao mới, mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp, cho nhà đầu tư của hai nước và cao hơn cả là mang lại sự thịnh vượng, ấm no và hạnh phúc cho nhân dân mỗi nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tin tưởng các doanh nghiệp hai nước sẽ thực hiện được mục tiêu đó, đồng thời nhấn mạnh sự thành công của các doanh nghiệp cũng chính là thành công của Việt Nam.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chứng kiến Lễ trao 12 thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ấn Độ trong các lĩnh vực như hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin; chế biến dầu khí và năng lượng; triển khai thực hiện hạ tầng dự án công viên dược tại Việt Nam; thỏa thuận hợp tác về trồng cây dược liệu (nghệ, tiêu đen) theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam; thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực xử lý chất thải thành năng lượng, chất thải công nghiệp và y tế, tái chế; hợp tác đầu tư phát triển các loại thuốc đặc trị COVID-19 mới và các sản phẩm dược tiềm năng khác; hợp tác về chuyển giao công nghệ và công nghệ thông tin; hợp tác về tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư; hợp tác về giáo dục và du lịch…