Việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng

Nguyên Trang | 11:39 05/06/2023

Việc xây dựng dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng, bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng
Thống đốc Ngân hàng Nhà ước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Luật Các TCTD số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 47/2010/QH12.

Sáng ngày 5/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Thừa ủy quyền của Thủ tướng chính phủ, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) (Luật Các TCTD). So với Luật hiện hành, dự thảo Luật giữ nguyên 48 điều, sửa đổi, bổ sung 144 điều và bổ sung mới 10 điều.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, Luật Các TCTD số 47/2010/QH12, Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 (gọi chung là Luật Các TCTD) đã tạo hành lang pháp lý cần thiết cho hoạt động của các TCTD, tạo cơ sở để các TCTD nâng cao chất lượng quản trị, năng lực quản trị rủi ro, tiếp cận dần với những chuẩn mực và thông lệ quốc tế trong hoạt động ngân hàng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, sau hơn 12 năm thực hiện, một số quy định của Luật Các TCTD đã không còn phù hợp cần xem xét để sửa đổi, bổ sung.

Bên cạnh đó, sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42 đã tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu tạo chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu cũng như kết quả cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu.

Ngày 16/6/2022, tại Nghị quyết số 63/2022/QH15, Quốc hội đã quyết định kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết ngày 31/12/2023 và giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các TCTD. Quy định tại Nghị quyết số 42 cần được nghiên cứu để luật hóa cũng như cần hoàn thiện thêm, khắc phục được các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên thực tiễn.

Việc xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về TCTD; Luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.

Đồng thời, việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) nhằm tăng cường phòng ngừa rủi ro, tăng cường năng lực tự kiểm tra, kiểm soát nội bộ, tự chịu trách nhiệm của TCTD; Xây dựng công cụ để quản lý các TCTD; Phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD; Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với kiểm tra, giám sát, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng.

Ngoài ra, Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) để bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD; Tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Đồng thời có sự tham gia của Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, ngành để quản lý, kiểm soát hoạt động tín dụng, chống thao túng, lợi ích nhóm, sở hữu chéo; xử lý tình huống người gửi tiền rút tiền hàng loạt và có cơ chế hiệu quả để cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Việc xây dựng Luật Các TCTD (sửa đổi) bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động ngân hàng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO