"Vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy đầu tư nước ngoài toàn cầu tiếp tục được nâng lên"

Dương Trang | 13:58 11/02/2024

Nhìn lại năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bối cảnh, tình hình thế giới đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế của cả nước, nhưng Việt Nam đã “vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trong năm 2023 và trong hơn nửa nhiệm kỳ qua”.

"Vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy đầu tư nước ngoài toàn cầu tiếp tục được nâng lên"
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đầu tư công là điểm sáng

Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ các giải pháp mang tính cấp bách, nhằm hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp. Ấn tượng, cả nước vẫn có hơn 200.000 doanh nghiệp gia nhập thị trường, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022 và gấp 1,3 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong năm qua. Trong đó có gần 160.000 doanh nghiệp mới thành lập và gần 59.000 doanh nghiệp quay lại thị trường.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh, lĩnh vực đầu tư công là một trong những điểm sáng của ngành. Đầu tư công đã nỗ lực khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, chia cắt, lợi ích cục bộ để tập trung nguồn lực đầu tư các công trình, dự án lớn, đường cao tốc, liên vùng, ven biển... các “quả đấm thép” cho đột phá hạ tầng của đất nước và các địa phương.

Theo đó, cắt giảm khoảng 12.000 dự án sử dụng ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2016-2020 xuống dưới 5.000 dự án trong giai đoạn 2021-2025 để tập trung thực hiện mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 3.000 km đường cao tốc và đến năm 2030 có khoảng 5.000 km.

“Nếu không có bước cải cách, đột phá này thì không có nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, không thực hiện được mục tiêu Đại hội Đảng XIII đã đề ra”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt nhiều chuyển biến tích cực, kết quả giải ngân hàng tháng, hàng quý luôn cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối và tuyệt đối. Đến cuối năm đầu tư công đã đạt 95% khối lượng công việc. Và đây là một nỗ lực rất lớn của ngành.

Một điểm sáng mà không thể không nhắc đến đó là quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được nâng lên, tăng trưởng được thúc đẩy trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tăng trưởng năm 2023 đạt 5,05% mặc dù chưa đạt mục tiêu đề ra, nhưng cũng thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới và khu vực.

Điểm nhấn của ngành tiếp theo là các chính sách hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa được triển khai đồng bộ, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thích ứng với các xu hướng mới toàn cầu.

Vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy đầu tư nước ngoài toàn cầu tiếp tục được nâng lên. Việt Nam không chỉ là điểm đến đầu tư hấp dẫn, với số vốn đầu tư nước ngoài đăng ký năm 2023 đạt khoảng 36,6 tỷ USD, tăng trên 32%, mà còn chủ động, tích cực đầu tư ra bên ngoài, sang cả các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada...

screen-shot-2024-02-06-at-13.05.39.png
Số lượng doanh nghiệp thành lập mới năm 2023 cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

“Đây là những kết quả quan trọng, không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, mà còn nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, cải thiện rõ nét các yếu tố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững của đất nước trong tương lai”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, những thành tựu ngày hôm nay của ngành và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là kết quả của quá trình kiên trì đổi mới, là sự kết hợp giữa bản lĩnh, trí tuệ, tư duy đột phá và sự kiên định đến cùng đối với những tham mưu của mình.

Tăng trưởng kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu

Rất nhanh sau khi tổ chức hội nghị với các địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/ NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ ban hành chỉ thị triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ.

Một điểm mới quan trọng, xác định năm 2024 là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Chính phủ đã đặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Đây chính là một trong các lý do khiến Chính phủ quyết định trình mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức 6-6,5% và Quốc hội đã thông qua, dù nhiều dự báo cho thấy, kinh tế 2024 còn rất nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí khó khăn, thách thức còn lớn hơn cơ hội.

Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm nay, Chính phủ đã “xây” kịch bản tăng trưởng cho cả năm và ban hành kèm theo Nghị quyết 01/ NQ-CP. Theo đó, quý I/2024, tăng trưởng GDP phải đạt 5,26 - 5,69%. Quý II, con số là 5,8 - 6,29%, để 6 tháng, có thể đạt được tăng trưởng 5,54 - 6%.

Sang quý III, tăng trưởng GDP phải đạt mức cao hơn, là 6,24 - 6,77%; để 9 tháng, đạt 5,78 - 6,27%. Quý IV/2024 sẽ là quý đóng vai trò quyết định tới tốc độ tăng trưởng kinh tế, do đó, con số phải đạt được là 6,55 - 7,09%.

Đánh giá về tình hình năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong khó khăn luôn có cơ hội, nếu biết chớp thời cơ, thì thách thức có thể trở thành động lực cho sự phát triển của đất nước trong tình hình mới. Và điều này, cần sự kết tinh sức sáng tạo, sức mạnh đoàn kết, sự nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục của cả hệ thống chính trị.

Để có thể hoàn thành “sứ mệnh” của mình, theo Bộ trưởng, cần tập trung triển khai ngay Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới, linh hoạt và hành động quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành hoặc hoàn thành cao hơn mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đã đề ra để tạo tiền đề phát triển cho năm 2025 và cho cả giai đoạn phát triển 2021-2025.

screen-shot-2024-02-06-at-13.06.15.png
Thu hút đầu tư nước ngoài năm 2023 cũng cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 đạt trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục đưa vốn đầu tư công là vốn mồi để thuhút đầu tư của các thành phần kinh tế.

Mục tiêu nhất quán là ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Nắm bắt phản ánh của doanh nghiệp, tham mưu, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp lớn, đầu đàn, doanh nghiệp tư nhân vươn ra thế giới, đầu tư ra nước ngoài.

“Năm 2024, đầu tư tư nhân dự báo tiếp tục khó khăn, đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng, hỗ trợ phát triển nhiều ngành, lĩnh vực. Bộ và toàn ngành cần tiếp tục tập trung tham mưu chỉ đạo, đôn đốc và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kiên quyết điều chuyển vốn từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án có khả năng thực hiện nhưng thiếu vốn, hạn chế tối đa việc kéo dài”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
"Vị trí, vai trò của Việt Nam trong dòng chảy đầu tư nước ngoài toàn cầu tiếp tục được nâng lên"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO