Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo để có các doanh nghiệp lớn

Hải Sơn | 10:26 24/03/2022

Cần thay đổi tư duy quản lý, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo để Việt Nam có các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu quốc gia và đại diện cho dân tộc để tạo nên kỳ tích như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo để có các doanh nghiệp lớn
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Hôm nay (24/3), Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) có chủ đề trọng tâm là "Tiếp tục đổi mới, nâng cao hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế-xã hội"

Thông qua Hội nghị lần này, hai vấn đề sẽ được tập trung làm rõ. Một là Thủ tướng Chính phủ sẽ lắng nghe những vướng mắc, khó khăn mà DNNN đang phải đối mặt để giải quyết vấn đề, đặc biệt là gắn với triển khai Quyết định số 360/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025". Thứ hai, DNNN có nhiều nguồn lực nhưng chưa sử dụng hiệu quả, vì vậy kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ về việc tăng cường hiệu quả của khối kinh tế Nhà nước trong việc dẫn lối của khối này đối với kinh tế đất nước.

MarketTimes: Thưa Bộ trưởng, doanh nghiệp Nhà nước được đánh giá là khối mở đường, dẫn dắt đối với nền kinh tế. Năm 2021 thực sự là khó khăn đối với kinh tế vĩ mô, DNNN đã thể hiện vai trò của mình như thế nào?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo Nghị quyết số 12-NQ/TW và văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, Đảng ta luôn xác định vai trò của DNNN là lực lượng vật chất quan trọng.

Trong năm 2021, mặc dù số lượng DNNN chỉ chiếm chưa đến 0,1% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng hoạt động hiệu quả với hiệu suất sử dụng lao động cao nhất so với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác (18,9 lần); hiệu suất sinh lợi trên doanh thu (ROS) của toàn bộ khu vực doanh nghiệp đạt 3,4%, trong đó DNNN đạt mức cao nhất (5,8%).

Các chỉ số tài chính và kết quả hoạt động kinh doanh đều cho thấy có sự tăng trưởng, phản ánh hiệu quả hoạt động của DNNN ngày càng tăng. Đến đầu năm 2021, tổng giá trị tài sản là 2.965.425 tỷ đồng tăng 8% so với năm 2016; vốn chủ sở hữu là 1.445.877 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng tăng 5% so với năm 2016; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016 - 2020 là 10,46%.

DNNN, đặc biệt là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có vai trò quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, chiếm thị phần rất lớn trong một số lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, ngân hàng…

Đơn cử, trong lĩnh vực viễn thông, thị phần của 3 DNNN lớn trong ngành (Viettel, VNPT, MobiFone) có vai trò chi phối (với thị phần trên 90%). Các DNNN cũng cung cấp các đầu vào quan trọng của nền kinh tế (như điện, than, dầu khí, alumin...). Đồng thời, DNNN đang làm tốt vai trò của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, an sinh xã hội.

MarketTimes: Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, DNNN vẫn chưa thực sự là khối mở đường, dẫn dắt đối với nền kinh tế. Bộ trưởng suy nghĩ sao về điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đúng là thời gian qua, hiệu quả hoạt động của các DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chủ yếu kết quả hoạt động của DNNN đạt được dựa trên các lợi thế sẵn có của doanh nghiệp hoặc có lịch sử hoạt động lâu đời trên thị trường.

Vai trò của DNNN trong dẫn dắt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoài nhà nước, thúc đẩy liên kết, hình thành chuỗi giá trị gia tăng còn hạn chế.

Phần lớn DNNN quy mô lớn hoạt động trong ngành, lĩnh vực then chốt, mũi nhọn đều vận hành theo cơ chế tương đối khép kín, chưa khuyến khích các doanh nghiệp ngoài nhà nước tham gia vào các khâu, công đoạn của quá trình sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, khả năng cạnh tranh, đặc biệt cạnh tranh quốc tế của DNNN, trong đó có DNNN quy mô lớn đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả rõ nét. Nếu sử dụng xuất khẩu là tiêu chí, thước đo để đánh giá năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì có thể thấy khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế của DNNN quy mô lớn còn hạn chế.

MarketTimes: Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế trên, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Theo tôi, một trong những nguyên nhân quan trọng đó là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về DNNN, trong đó có Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty đã được rà soát và hoàn thiện nhưng vẫn còn bất cập. Đặc biệt hệ thống pháp luật về đầu tư, quản lý tài sản, đất đai, đấu giá, đấu thầu…chưa đồng bộ, đã tạo kẽ hở để một số đối tượng lợi dụng nhằm trục lợi.

Đồng thời, chưa có định hướng, chiến lược phát triển cho khu vực DNNN theo hướng bền vững; chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực chưa gắn với chiến lược phát triển của doanh nghiệp, trong đó có DNNN.

Ngoài ra, DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn chưa phát huy hết tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, các quy trình, thủ tục của cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của pháp luật thường có độ trễ nhất định, trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đòi hỏi phải đưa ra những quyết định nhanh, kịp thời để đón cơ hội đầu tư.

MarketTimes: Theo Bộ trưởng, thời gian tới chúng ta cần có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực cho DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn?

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 và những căng thẳng của các cuộc chiến thương mại… DNNN cần thay đổi chiến lược để tăng khả năng thích ứng và tự chủ của nền kinh tế

Theo đó, DNNN lớn cần làm những ngành mới, khó, tập trung vào R&D, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy quản lý, chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo để Việt Nam có các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu quốc gia và đại diện cho dân tộc để tạo nên kỳ tích như Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là phải đưa ra những giải pháp đột phá để cởi trói cho DNNN, để DNNN được tự chủ, sáng tạo, phát triển trong một môi trường kiến tạo.

Như vậy, theo tôi, cần nghiên cứu, đưa ra chính sách phân cấp cho cơ quan đại diện chủ sở hữu; giao quyền cho Hội đồng thành viên/Chủ tịch công ty và Người đại diện phần vốn. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ thực hiện giao mục tiêu, nhiệm vụ cho doanh nghiệp, còn doanh nghiệp chủ động quyết định các vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Xây dựng cơ chế giám sát cho cơ quan đại diện chủ sở hữu. Đổi mới cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN. Phải đánh giá hiệu quả hoạt động/đầu tư theo chỉ tiêu tài chính tổng thể, không đi theo từng dự án/hoạt động cụ thể.

Tạo nguồn lực để tập trung đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ và các dự án quan trọng của doanh nghiệp (thông qua việc cho phép giữ lại một phần lợi nhuận hoặc tiền thu từ thoái vốn, cổ phần hóa) nhằm phấn đấu đưa mỗi Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp, hình thành chuỗi giá trị để làm tốt vai trò mở đường, dẫn dắt.

Cuối cùng, cần tập trung phát triển khoa học công nghệ thông qua hình thức đầu tư mua công nghệ và tham gia mua cổ phần hoặc các dự án của nước ngoài đã có sẵn công nghệ để phát triển và làm chủ công nghệ.

MarketTimes: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Chuyển từ kiểm soát sang kiến tạo để có các doanh nghiệp lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO