Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần tháo gỡ điểm nghẽn trong huy động nguồn lực

PV | 16:49 17/12/2022

Để hoá giải những thách thức trong năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần tháo gỡ điểm nghẽn trong huy động nguồn lực
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Int)

Phát biểu trong Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, chiều ngày 17/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh những khó khăn hiện tại trong năm 2022, nhất là nửa đầu Quý IV/2022. Đó là lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...

Bên cạnh đó, lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực.

Thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, bớc sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022.

Để hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế, tận dụng cơ hội phát triển, huy động tối đa nguồn lực đầu tư toàn xã hội, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp... đạt mục tiêu phát triển KTXH năm 2023 và 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023. Cụ thể:

Một là, kiên định, nhất quán và bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước theo đúng Kết luận số 42-KL/TW của Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

Hai là, lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất.

Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; minh bạch, công khai hóa thông tin, cũng như trách nhiệm bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.

Bà là, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đường ven biển, vành đai 4 TP. Hà Nội, vành đai 3 TP. HCM...

Bốn là, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển...

Năm là, phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vàchuyển đổi số,coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Sáu là, triển khai thực hiện tốt 06 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng; ban hành quy chế phối hợp, thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển đồng bộ, tạo sự liên kết giữa các vùng, gắn với liên kết các khu vực kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; xây dựng bộ máy vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối liên kết vùng sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới...

Bảy là, thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH trong năm 2023 để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế...

Tám là, chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Cần tháo gỡ điểm nghẽn trong huy động nguồn lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO