VARs: Thị trường bất động sản phần nào đã thoát nguy cơ “mất phanh”

Lê Sáng | 21:15 12/10/2023

Đánh giá tổng quan về thị trường bất động sản hiện tại, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARs) cho rằng tuy thị trường chưa đủ lực để có thể “vượt dốc” nhưng phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh”.

VARs: Thị trường bất động sản phần nào đã thoát nguy cơ “mất phanh”
Theo VARs, dù thị trường bất động sản phần nào đã thoát khỏi nguy cơ “mất phanh” nhưng những khó khăn vẫn còn đó. Ảnh: Ông Trần Văn Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VARs tham luận tại họp báo ngày 12/10.

Bắt đầu có sự “hồi phục” nhất định

Theo đó, VARs nhận định, thời gian qua, các cơ chế, chính sách thúc đẩy cho thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu được thẩm thấu. Lượng giao dịch trên toàn thị trường tăng dần theo thời gian với tổng giao dịch quý 1,2, 3 lần lượt là 2.700, 3.700 và 6.000.

Ngoài ra, đã bắt đầu xuất hiện nhiều điểm sáng hơn trong bức tranh tổng thể của thị trường như một số địa phương có kinh tế phát triển, được quan tâm, chú trọng thúc đẩy đầu tư hạ tầng, giao thông, có nhiều nguồn cung phù hợp với nhu cầu như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh,…

Bên cạnh đó, cũng theo VARs đã có thêm nhiều địa phương tích cực vào cuộc, chung tay gỡ rối cùng doanh nghiệp bất động sản như Hà Nội, Hải Dương, Đồng Nai…

Về tình trạng sức khỏe của các doanh nghiệp bất động sản, theo VARs đã có dấu hiệu được cải thiện dù chưa phải hoàn toàn và trên diện rộng.

Cụ thể, số lượng doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tuyển dụng ghi nhận tăng ở một số địa phương có thị trường bất động sản phục hồi tốt. Tính đến cuối tháng 8, có 1.721 doanh nghiệp bất động sản quay trở lại hoạt động, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực bất động sản gấp 3,5 lần số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thế với 3.394 doanh nghiệp nhưng vẫn giảm tới 52,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Thách thức vẫn còn đó

Tuy nhiên, mỗi tháng vẫn có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản: 20% sàn tiếp tục đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, phải cố gắng cầm cự, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ khôi phục vào cuối năm 2023.

Doanh nghiệp bất động sản còn hoạt động, tiếp tục gặp khó khăn về nguồn vốn do không bán được hàng, không huy động được nguồn vốn trả trước của khách hàng, cũng không huy động được nguồn vốn từ các kênh tài chính quen thuộc: trái phiếu, tín dụng ngân hàng,…

“Đây là khoảng thời gian hết sức quan trọng, mang tính quyết định cho sự chuyển mình của thị trường bất động sản. Cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư chính là chốt chặn cuối cùng cần giải tỏa để thị trường thực sự trở về trạng thái bình thường mới”, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARs nhận định.

Kiến nghị đồng bộ giải pháp

Với các cơ quan quản lý Nhà nước, VARs kiến nghị một số giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản một cách lành mạnh, bền vững hơn trong thời gian tới.

Thứ nhất, hoàn thành các dự thảo Luật liên quan theo đúng kế hoạch. Nhất là các quy định liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy quá trình nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới với nội dung tác động trực diện tới các vấn đề còn tồn đọng.

Thứ ba, chủ động điều tiết nguồn cung cho thị trường thông qua việc giao đất, cho thuê đất. Có các chính sách tạo cơ chế ưu đãi để khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, mở rộng các đối tượng được thụ hưởng các ưu đãi về nhà ở, từng bước rút ngắn lệch pha cung cầu, thúc đẩy sức mua của người dân.

Thứ tư, nghiên cứu, thành lập các quỹ hỗ trợ nhằm “bơm” tiền hỗ trợ cho các DN khỏe mua lại dự án để thúc đẩy tiến độ hoàn thành các dự án.

Thứ năm, xây dựng hệ thống thông tin về thị trường BĐS, tăng cường quản lý và bám sát thị trường thông qua sự hỗ trợ của các tổ chức xã hội nghề nghiệp để có những cơ chế, chính sách điều tiết thị trường một cách kịp thời, chính xác nhất.

Thứ sáu, ngoài các nguồn vốn quen thuộc, cần có các cơ chế, chính sách phát triển các nguồn vốn khác như quỹ đầu tư bất động sản REIT, Quỹ tiết kiệm nhà ở,… hay các kênh khác như đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài. Nghiên cứu các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ngoại từ các quỹ đầu tư nước ngoài.

Đối với các chủ đầu tư, doanh nghiệp phát triển dự án cũng như các Sàn giao dịch bất động sản, Môi giới bất động sản, Khách hàng, nhà đầu tư,… VARs khuyến nghị bên cạnh với các biện pháp đảm bảo duy trì hoạt động cần chú ý chuẩn bị nguồn lực tốt nhất để đảm bảo có thể ngay lập tức vào cuộc khi thị trường “bình thường trở lại”.


(0) Bình luận
VARs: Thị trường bất động sản phần nào đã thoát nguy cơ “mất phanh”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO