Ưu đãi thuế, phí là chưa đủ để phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam

Lâm Tùng | 09:04 19/12/2022

So sánh với hệ thống chính sách tại các quốc gia khác khác, các chính sách ưu đãi xe điện hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa đủ hấp dẫn.

Ưu đãi thuế, phí là chưa đủ để phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam
Việt Nam đã có các chính sách ưu đãi nhưng chưa đủ để phát triển thị trường xe điện. Ảnh: Vietnam+

Nội dung chính: 

Chính sách ưu đãi của Việt Nam chưa thực sự hấp dẫn so với các quốc gia khác ở Bắc Âu, châu Mỹ và kể cả Thái Lan. 

Không chỉ ưu đãi Thuế, cần phải đầu tư mạnh nhằm phát triển hạ tầng xe điện nếu muốn thúc đẩy phương tiện xanh thay thế động cơ đốt trong. 

Việt Nam đã có chính sách ưu đãi cho xe điện

Nghị định 10/2022 có hiệu lực từ tháng 3 năm nay là một trong những chính sách ưu đãi đầu tiên của Việt Nam dành cho xe điện. 

Chẳng hạn với chiếc xe điện Tesla Model 3, khi áp dụng chính sách miễn phí trước bạ dành cho xe điện, người tiêu dùng Việt Nam có thể tiết kiệm khoảng 280 triệu đồng

Nghị định nêu rõ ô tô điện chạy pin sẽ được miễn phí trước bạ trong vòng 3 năm kể từ tháng 3/2022. Trong 2 năm tiếp theo, người sử dụng nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức thu bằng 50% mức thu đối với ôtô chạy xăng, dầu có cùng số chỗ ngồi. Với ưu đãi này, người mua xe điện sẽ tiết kiệm được một khoản tiền lớn. Ưu đãi về lệ phí trước bạ là một trong những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy thị trường xe điện vốn đang khởi động và đối diện với không ít khó khăn tại Việt Nam.

Ngay sau đó, Quốc hội cũng đã đồng thuận với việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xe ôtô điện. Mức giảm tối đa lên tới 9 điểm % cho loại ô tô điện 9 chỗ ngồi trở xuống, trong giai đoạn từ 3/2022 đến 28/2/2027. Tạm tính xe có giá 1 tỷ đồng, mức giảm thuế TTĐB tối đa lên tới 90 triệu đồng.

Hai chính sách mới có hiệu lực gần như cùng thời điểm, khuyến khích cả người tiêu dùng trong nước và các nhà sản xuất. Các ưu đãi này được đánh giá là đột phá so với những ưu đãi được đề cập trong Nghị định 57/2020.

Nghị định 57/2020 nêu rõ các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình ưu đãi thuế đáp ứng điều kiện có dây chuyền sản xuất lắp ráp, sản xuất xe điện sẽ được nhập khẩu linh kiện với mức thuế 0% (áp dụng với linh kiện trong nước chưa sản xuất được). Cơ bản trong bộ linh kiện của xe điện nhập khẩu về đều được áp mức thuế 0%, trong khi nếu ôtô xăng nhập khẩu nguyên chiếc, mức thuế áp dụng thông thường là 70%.

So với xe xăng, Việt Nam đã có một số chính sách ưu đãi tích cực cho xe điện. Tuy nhiên, so với các chính sách hỗ trợ xe điện tại các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Châu Âu… thì các chính sách ưu đãi của Việt Nam vẫn chưa thực sự nổi bật. 

Hơn nữa, để tiến tới phổ cập loại phương tiện này, thị trường xe điện Việt Nam cần thêm nhiều chính sách cho cả người mua lẫn nhà sản xuất, bên cạnh các ưu đãi về thuế, phí. 

Cần khuyến khích xây dựng hạ tầng xe điện

Trả lời BNews mới đây, ông Vũ Thắng, Giám đốc Trung tâm phát triển Trạm sạc VinFast cho biết việc phát triển xe điện sẽ phụ thuộc và 3 yếu tố chính, gồm: khuôn khổ pháp lý, chính sách hỗ trợ của quốc gia và cơ sở hạ tầng đồng bộ để khuyến khích người dân chuyển đổi sang xe điện.

Trong đó, ông Vũ Thắng cho rằng chính sách khuyến khích phát triển xe điện tại Việt Nam hiện vẫn còn rất ít, hiện tại chỉ có ưu đãi về thuế suất như thuế TTĐB và lệ phí trước bạ. Các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn chung và hạ tầng là các trạm sạc xe điện vẫn chưa có nhiều. Chẳng hạn trường hợp của VinFast, doanh nghiệp đang phải áp dụng tiêu chuẩn riêng của chính doanh nghiệp dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.

tram_sac_dien_vinfast_nguyen_van.jpg
Để ôtô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi sẽ cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ tại nhiều địa phương. Ảnh: VinFast

Cũng theo ông lãnh đạo Trung tâm phát triển trạm sạc VinFast, để ôtô điện có thể bán, lưu hành và sử dụng rộng rãi sẽ cần phải xây dựng hạ tầng đồng bộ tại nhiều địa phương. Muốn khuyến khích doanh nghiệp xây dựng trạm sạc, Chính phủ cần có nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể hơn.

Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) tại một tham luận gần đây đã kiến nghị Nhà nước, chính phủ, các bộ ngành xây dựng, hoàn thiện các chính sách nhằm duy trì sự tăng trưởng ổn định của thị trường; hỗ trợ hoạt động sản xuất xe điện…

VAMA cho rằng lộ trình phát triển xe điện Việt Nam cần được chia làm 3 giai đoạn, gồm: khởi đầu (2022-2030); tăng trưởng nhanh (2031-2040); tăng trưởng ổn định (2041 trở đi). Trong đó, mỗi giai đoạn cần những chính sách khác nhau.

Ở giai đoạn đầu, Nhà nước, Chính phủ cần có các ưu đãi đủ lớn về thuế TTĐB, lệ phí trước bạ và các loại thuế phí liên quan cho các dòng xe; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng nhà máy và có các chính sách rõ ràng để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển mạng lưới trạm sạc.

Trong giai đoạn tăng trưởng nhanh, theo VAMA, thị trường vẫn cần các ưu đãi về thuế phí tuy nhiên ưu đãi có thể giảm dần; trong khi đó việc xây dựng và mở rộng mạng lưới trạm sạc, quy trình sản xuất cần các chính sách hỗ trợ về tài chính.

Ở giai đoạn tăng trưởng ổn định, thị trường sẽ tự điều chỉnh, lúc này Nhà nước và Chính phủ không cần áp dụng chính sách ưu đãi hay hỗ trợ.

Ngoài ra, các chuyên gia VAMA cho rằng Việt Nam có thể nghiên cứu các chính sách cho xe điện từng được nhiều quốc gia áp dụng như ưu đãi về giá bán, thuế, phí hay hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp xây dựng trạm sạc …

Một số chính sách các quốc gia có xe điện phát triển đang áp dụng:

Trung Quốc áp dụng chính sách giảm 50 - 100% phí đăng ký sử dụng xe điện, giảm thuế cho nhà sản xuất xe điện, người dùng xe điện được hỗ trợ hoặc miễn phí sạc pin. Chính phủ nước này cũng đưa ra một loạt trợ cấp với người mua xe điện như giảm giá toàn quốc, hỗ trợ tiền cho người mua ôtô điện.

Nước này cũng áp dụng chính sách trợ cấp cho nhà sản xuất xe điện từ 3.500 - 6.400 euro/xe, trợ cấp 30% chi phí xây dựng trạm sạc. Người sử dụng xe điện được miễn phí đi cao tốc, chỗ đỗ xe…

Tại ASEAN, Thái Lan đang dành nhiều đặc quyền cho các nhà sản xuất xe điện bên cạnh các ưu đãi cho người sử dụng.

Nước này miễn thuế 3 năm cho các nhà sản xuất xe plug-in hybrid và miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 8 năm cho những nhà sản xuất xe điện chạy pin, đi kèm theo các điều kiện nhất định. Các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng cũng được hưởng ưu đãi.

Thái Lan bổ sung thêm nhiều chi tiết linh kiện, phụ tùng quan trọng của xe điện vào danh mục ưu đãi; nhà sản xuất thiết bị, linh kiện sẽ được miễn thuế doanh nghiệp 8 năm.

Tại Mỹ và Đức, người dùng ôtô điện được hưởng trợ cấp bằng tiền mặt khi mua ôtô điện, 5.000-7.500 USD/ôtô điện; một số bang có thêm chính sách trợ cấp thêm khoảng 2.500 USD cho người mua ôtô điện.

Trong khi đó, một số nước đã lên kế hoạch hạn chế, cấm sử dụng xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Anh dự kiến sẽ cấm các nhà sản xuất bán xe chạy xăng từ năm 2030 và cấm bán các xe hybrid (xăng điện) vào năm 2035. Bang California (Mỹ) cũng tuyên bố cấm xe chạy xăng từ năm 2035...

 

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Ưu đãi thuế, phí là chưa đủ để phát triển thị trường xe điện tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO