Cụ thể, theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng. Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh sẽ trình bày báo cáo tóm tắt tờ trình, tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh sẽ trình bày báo cáo thẩm tra.
Ngoài ra, phiên họp cũng sẽ tập trung thảo luận về việc bổ sung mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, hướng tới mức tăng trưởng từ 8% trở lên.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 – 2026 cho Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).
Bên cạnh đó, các nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đến năm 2035 cũng sẽ được đưa ra thảo luận.
Cuối cùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét các giải pháp cấp bách cho Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới Trụ sở làm việc của cơ quan Chủ tịch nước, đồng thời thảo luận về chủ trương và chính sách đặc thù trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 35/TB-VPCP ngày 7/2/2025, kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân.
Theo đó, để đảm bảo nguồn năng lượng phục vụ phát triển xanh, bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu, đồng thời đáp ứng mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Trung ương Đảng và Quốc hội đã chỉ đạo tiếp tục triển khai xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo – khẩn trương rà soát, kiện toàn bộ máy và thành lập Tổ giúp việc để theo dõi, đôn đốc công tác triển khai. Đồng thời, Bộ Khoa học và Công nghệ cần sớm hoàn thiện dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử sửa đổi để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 vào tháng 5/2025.
Về cơ chế, chính sách triển khai dự án, các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong các lĩnh vực như giải phóng mặt bằng, tái định cư, cơ chế tài chính, thu xếp vốn, lựa chọn nhà thầu... để đẩy nhanh tiến độ. Bộ Công Thương sẽ tổng hợp các đề xuất và báo cáo Chính phủ trước ngày 15/2/2025. Trong kỳ họp bất thường cùng ngày, Bộ sẽ trình xin chủ trương và một số cơ chế đặc thù để sớm triển khai dự án.
Về công tác đầu tư, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư. Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sẽ đảm nhận dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, trong khi Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia thực hiện dự án Ninh Thuận 2. Mục tiêu là hoàn thành công tác đầu tư xây dựng trước ngày 31/12/2030, chậm nhất là cuối năm 2031.
Về đào tạo nguồn nhân lực, EVN được yêu cầu huy động lại đội ngũ nhân sự đã qua đào tạo, đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn để xây dựng kế hoạch đào tạo chuyên sâu, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận hành dự án. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chủ động xây dựng chương trình đào tạo chuyên ngành nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao.
Về công tác giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Ninh Thuận phải nhanh chóng triển khai di dân, tái định cư, hoàn tất bàn giao mặt bằng trong năm 2025. Đồng thời, tỉnh cần kêu gọi đầu tư xây dựng sân bay Ninh Thuận để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ bố trí đủ nguồn vốn để đảm bảo người dân tái định cư có điều kiện sống tốt hơn nơi ở cũ, trên nguyên tắc công khai, minh bạch, chống tiêu cực.
Về điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, Bộ Công Thương cần bổ sung quy hoạch điện hạt nhân vào kế hoạch phát triển điện lực quốc gia, bao gồm các dự án đường dây đấu nối đồng bộ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương thẩm định hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay trong tháng 2/2025.
Cuối cùng, Thủ tướng giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đánh giá cơ sở hạ tầng điện hạt nhân của Việt Nam theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và an toàn trước khi triển khai dự án.