Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đào tạo và tìm việc cho sinh viên ĐH Bách Khoa, gỡ khó cho chính mình khi tiến quân vào thị trường 7.000 tỷ USD

Trọng Hiếu | 18:38 24/12/2024

Ngày 20/11, ông Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup thông báo chính thức thành lập CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng người máy VinRobotics với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đào tạo và tìm việc cho sinh viên ĐH Bách Khoa, gỡ khó cho chính mình khi tiến quân vào thị trường 7.000 tỷ USD

Ngày 24/12, Đại học Bách khoa Hà Nội đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với hai công ty VinFast và VinRobotics để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, nâng cao kiến thức thực tiễn cho sinh viên và tăng cường đào tạo nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp - công nghệ cao của Việt Nam.

Ở lĩnh vực đào tạo, VinFast và ĐHBK Hà Nội sẽ phối hợp xây dựng chương trình kỹ sư chuyên sâu về kỹ thuật ô tô số, đảm bảo phù hợp với các xu hướng công nghệ mới. VinFast cũng sẽ tạo điều kiện cho sinh viên ĐHBK Hà Nội thực tập toàn thời gian tại công ty, mang đến cơ hội tiếp cận với những công nghệ sản xuất ô tô mới nhất, bám sát với thực tiễn. 

Đối với VinRobotics, ĐHBK Hà Nội sẽ hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển những sản phẩm, công nghệ hiện đại, có tính ứng dụng thực tiễn cao. ĐHBK Hà Nội sẽ nhận đề tài từ VinRobotics, tổ chức nghiên cứu, hoàn thành dự án và cung cấp các giải pháp ở lĩnh vực người máy, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng cho các công ty thành viên trong hệ sinh thái Vingroup cũng như cung cấp ra thị trường.

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội sau khi ra trường sẽ được VinFast hỗ trợ giới thiệu việc làm và tuyển dụng cho các vị trí phù hợp tại công ty cũng như các đơn vị thành viên. Ngoài ra, VinFast và VinRobotics - công ty chuyên về Robot của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng sẽ tài trợ học bổng và cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu cho sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đáp ứng điều kiện dành cho sinh viên khối ngành Kỹ thuật.

avatar1735033078728-17350330797802102289001.png

Đại học Bách khoa Hà Nội từ lâu đã là cái nôi đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ hàng đầu tại Việt Nam. Sinh viên của Đại học này khi ra trường là nguồn nhân lực chất lượng cao và lã những nhân tài trong mảng công nghệ. 

Việc ông Phạm Nhật Vượng tài trợ học bổng, hỗ trợ giới thiệu việc làm và tuyển dụng cho các vị trí phù hợp tại công ty cũng như các đơn vị thành viên của Vingroup cho các sinh viên Bách Khoa cũng là nước đi giúp vị tỷ phú này có được nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai. Điều này càng đặc biệt hơn trong bối cảnh vị tỷ phú này đang đẩy mạnh sản xuất vào lĩnh vực xe điện, robot, công nghệ, trí tuệ nhân tạo...

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tại Việt Nam chính là nhân sự chất lượng cao.

Chuẩn bị nhân lực chất lượng cao khi tiến quân vào thị trường có giá trị 7.000 tỷ USD

Theo Yahoo!Finance, trong tập gần đây của Opening Bid, các nhà phân tích của Citi Global Insights - Rob Garlick và Wenyan Fei đã thảo luận về nghiên cứu về sự phát triển của người máy trong 25 năm tới. Nghiên cứu cho thấy rằng một trong những lĩnh vực để người máy có không gian phát triển đáng kể là dịch vụ gia đình.

Người máy có thể hoàn thành công việc nhà, chẳng hạn như gấp quần áo hoặc cắt cỏ, những robot được thiết kế để giúp chăm sóc người lớn tuổi được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng đáng kể. Các trường hợp khác bao gồm giao bưu kiện, xây dựng và giao thực phẩm. Wenyan Fei cho biết: “Tôi nghĩ đến năm 2050, chúng ta đang hướng tới một thị trường trị giá 7.000 tỷ USD cho người máy."

Ông nêu Optimus của Tesla (TSLA) là một ví dụ nổi bật về người máy đang được phát triển, nhưng hàng chục công ty khác cũng đang đạt được những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực này. Theo các nhà phân tích, có "hơn 50 người máy khác nhau đang được phát triển". Mặc dù có những cơ hội tăng trưởng rõ ràng trong thị trường dịch vụ gia đình, người máy có nhiều khả năng được triển khai trong các hoạt động công nghiệp và lực lượng lao động trước khi trở nên dễ tiếp cận với người bình thường.

Nhìn nhận được tiềm năng to lớn của thị trường robot, ngày 20/11, ông Phạm Nhật Vượng cùng tập đoàn Vingroup thông báo chính thức thành lập CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng người máy VinRobotics với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. 

VinRobotics hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, đặc biệt là các giải pháp tự động hóa, robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI). Công ty chuyên sản xuất và tích hợp các sản phẩm người máy và robot thông minh, nhằm cung cấp các giải pháp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả công việc trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và đời sống.

Để hiện khai thác được tiềm năng to lớn của thị trường người máy, ngoài việc đầu tư nhiều tiền thì vấn đề là nhân lực cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc kết hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giúp người giàu nhất Việt Nam giải được bài toán kể trên. 

Trợ lực cho VinFast trong bối cảnh thị trường xe điện ngày càng cạnh tranh

Ngoài mục đích chinh phục nguồn thị trường robot có giá trị 7.000 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng cũng cần nguồn nhân lực chất lượng cao cho VinFast trong bối cạnh thị trường xe điện ngày càng cạnh trnah khốc liệt. 

Theo dữ liệu mới nhất của Rho Motion cho thấy 15,2 triệu xe điện đã được bán ra từ tháng 1 đến tháng 11/2024. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số đó, tương đương 9,7 triệu xe, đến từ Trung Quốc. Rho Motion cũng cho biết Trung Quốc chưa có dấu hiệu mất thị phần trong mảng này. 

Các nhãn hiệu xe điện Trung Quốc không chỉ sản xuất được số lượng lớn, giá rẻ mà còn có nhiều công nghệ vượt trội. Ví dụ như Xiaomi SU7 Max được trang bị hai mô-tơ điện, cho công suất 663 mã lực, vận hành bằng năng lượng cung cấp bởi cụm pin Qilin dung lượng 101kWh của CATL, mang lại phạm vi hoạt động 800km/lần sạc. Trong khi xe điện của nhiều hãng hiện tại chỉ chạy khoảng 300-600km/ lần sạc. 

Theo dữ liệu kể trên, con số hơn 51.000 xe bán ra của VinFast (chủ yếu giao tại thị trường Việt Nam) vẫn là rất nhỏ. Để cạnh tranh lại với các hãng Trung Quốc, ngoài việc tài trợ hàng tỷ USD cho VinFast, tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn cần nguồn lao động chất lượng cao để đẩy mạnh sản xuất. Ngoài ra, việc nghiên cứu phát triển công nghệ trên những chiếc xe cũng là bài toán khó cần giải để xe của VinFast có thể cạnh trnah tốt hơn trên thị trường. 


(0) Bình luận
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đào tạo và tìm việc cho sinh viên ĐH Bách Khoa, gỡ khó cho chính mình khi tiến quân vào thị trường 7.000 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO