'Tương lai' thị trường tài chính London được đặt vào tay những 'con nhà nghèo vượt khó'

Thùy Trang | 10:44 21/12/2022

Không chỉ những người có gia cảnh tốt mới có thể làm nên việc lớn.

'Tương lai' thị trường tài chính London được đặt vào tay những 'con nhà nghèo vượt khó'

Hơn một tuần trước, chính phủ Vương quốc Anh đã ban hành “Edinburgh Reforms”, cải cách gồm 30 khuyến nghị giúp ngành tài chính năng động và phát triển hơn. Đồng thời cải cách này sẽ giảm bớt những tác động ràng buộc từ các quy định sau cuộc khủng hoảng năm 2008 - vốn được áp dụng để ổn định tình hình tài chính và tránh làm khủng hoảng lặp lại.

Cũng trong thời gian trước, thành phố London cùng lực lượng đặc nhiệm chuyên phụ trách thúc đẩy đa dạng kinh tế-xã hội đã công bố quyết sách để phá vỡ “rào cản” vô hình ngăn cách những người xuất thân trong tầng lớp những người nghèo khó, những người lao động bình dân với thị trường tài chính - vốn do giới tinh hoa thống lĩnh - của quốc gia này.

Cả hai dự án đều phù hợp để ngành tài chính Vương quốc Anh phát triển hơn. Nghĩa là quyết sách mới sẽ tạo điều kiện để phụ nữ, người da màu, tầng lớp người nghèo nhưng giỏi có cơ hội được làm những công việc "cấp cao", đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Điều này vừa giúp đa dạng hóa xã hội, mở rộng nguồn nhân tài vừa đem lại sự công bằng cho người dân. 

Lực lượng đặc nhiệm cũng cho rằng, chìa khóa cho cải cách ngành tài chính là phải đánh giá thực trạng quốc gia và đặt mục tiêu để khắc phục từng vấn đề. 

palace_of_westminster_from_the_dome_on_methodist_central_hall.jpg

Việc đánh giá thực trạng đa dạng kinh tế-xã hội tại một thành phố lớn là một vấn đề khó khăn. Lực lượng đặc nhiệm London đã khảo sát hơn 9.000 nhân viên tại 49 đơn vị và phát hiện ra rằng 36% những người giữ vai trò cấp cao trong công ty đều có xuất thân khó khăn (được đo lường theo nghề nghiệp của cha mẹ). Mục tiêu tương lai là nâng con số này lên 50% để tầng lớp thấp nhưng tài năng được trọng dụng. 

Tuy nhiên, con số 36% này có thể bị phóng đại do nhóm khảo sát là những người được lực lượng đặc nhiệm tự “lựa chọn” từ các công ty đã đăng ký. 

Một nghiên cứu nhỏ do tổ chức từ thiện Bridge Group đã cho kết quả rằng 90% các vị trí cấp cao trong công ty tài chính đều do những người có xuất thân “cao” đảm nhận. Tỷ lệ này được cho là khả thi hơn con số 36% trong khảo sát trên. 

Một ví dụ điển hình là các ngân hàng đầu tư tại London - nơi những người đàn ông da trắng có xuất thân “ưu thế” hầu như đều nắm giữ các vị trí cấp cao tại đây. Điều này không chỉ ở thủ đô Vương quốc Anh mà còn xuất hiện ở các trung tâm tài chính trên khắp thế giới.

Theo Bridge Group, những người da trắng thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu thường gắn liền với hình ảnh “kiến thức chuyên môn đầy mình” - những người thuộc tầng lớp tầng lớp tinh hoa và có hiểu biết sâu rộng trong xã hội. 

Vậy, các công ty sẽ tìm kiếm những nhân tài tân binh có xuất thân nghèo khó nhưng tài giỏi như thế nào để đáp ứng quyết sách “bình đẳng-trao cơ hội mới” trong thị trường tài chính. 

Tìm kiếm “hiền tài” khắp nước Anh

Các nhà tuyển dụng của thành phố chưa bao giờ quá chủ động “săn đầu người” tại các khu vực nằm ngoài danh sách “vàng” của họ. Tuy nhiên, nhiều người trẻ tài năng có hoàn cảnh khó khăn, thường có xu hướng ở tập trung tại một số quận nhất định tại London - địa điểm thường cách xa trụ sở của các tập đoàn lớn. Vì vậy, các nhà tuyển dụng nên khoanh vùng và đến các khu vực này để chiêu mộ người tài. 

Mở rộng nguồn ứng viên từ các trường công lập

Theo báo cáo vào năm 2014 cho Sutton Trust - tổ chức từ thiện giáo dục ở Vương quốc Anh của công ty Boston Consulting, 37% nhân viên mới được tuyển dụng và 60% các nhà quản lý tài chính cấp cao đều tốt nghiệp từ các trường giáo dục tư nhân. Điều này cho thấy nhiều quan điểm bất bình đẳng. Các đơn vị giáo dục công lập hoàn toàn có thể đào tạo anh tài. 

Trao cơ hội cho người từ các trường đại học khác nhau

Nhiều nhà tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính tại London thường chỉ tìm kiếm nhân viên đến từ cộng đồng Oxbridge (gồm hai trường đại học hàng đầu Oxford và Cambridge) hoặc một số trường đại học khác thuộc hiệp hội các trường đại học Russell Group như Đại học Sheffield, Đại học York, Đại học Glasgow,..

Các trường đại học thuộc Russell Group này được cho là có chất lượng đào tạo cao, đem về nhiều thành tựu trong nghiên cứu. Đặc biệt, cộng đồng giáo dục Russell được biết là có các mối quan hệ sâu rộng với doanh nghiệp và chính phủ. Các trường đại học trực thuộc sẽ có ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội, kinh tế và văn hóa không chỉ riêng tại Anh mà còn trên toàn thế giới. Đồng nghĩa, mức học phí tại đây rất đắt đỏ. 

Các trường đại học khác hoàn toàn có các sinh viên tài năng không kém cạnh và có nền tảng xã hội hóa đa dạng, dù cho xuất phát điểm "không cao". 

Ai là “leader tiềm năng”

Những nhân viên tài chính mới vào nghề nói rằng họ sẽ nâng cao hiệu suất làm việc và trở nên tham vọng hơn nếu có một người lãnh đạo “giống” như họ, cả về xuất thân hay học vấn. Điều này được chứng minh là tương tự với nhiều ngành nghề khác.

Alison Harding-Jones, một nhân viên cấp cao tại ngân hàng M&A của tập đoàn Citi đã theo học một trường phổ thông hỗn hợp và bắt đầu làm việc ở tuổi 16 với tư cách là thư ký ngân hàng. Cô hoàn toàn có thể trở thành một leader tiềm năng trong tương lai nếu thị trường tài chính "mở cửa" cho những người tài năng nhưng "nghèo khó" được cạnh tranh công bằng. 

Theo Alison, hầu như không có một người phụ nữ nào làm chức vụ cấp cao trong công ty của cô và rất ít người có xuất thân “khiêm tốn”. Sự chênh lệch này cần phải thay đổi bởi một công ty tài chính tập hợp những người có xuất thân khác nhau, giáo dục khác nhau có thể đem lại nhiều giá trị lớn và đa dạng. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của thành phố Luân Đôn và nhiều nơi khác. Những người có xuất thân “bình thường” hoàn toàn có thể thay đổi thế giới, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính.

Tham khảo: FT


(0) Bình luận
'Tương lai' thị trường tài chính London được đặt vào tay những 'con nhà nghèo vượt khó'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO